Bạn đang ở đây

Kính thưa,

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê,

Đại biểu các đơn vị của Bộ kế hoạch đầu tư, Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành Đại biểu từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, đồng nghiệp từ các cơ quan Liên Hợp  quốc, 

Thưa quý vị đại biểu,

Đầu tiên xin gửi lời chào trân trọng đến các quý vị đại biểu, 

Tôi rất vui mừng tham dự hội Cuộc hội thảo tham vấn ngày hôm nay về xây dựng các chỉ tiêu thống kê dân số trong hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam. Hội thảo này là một trong những hoạt động quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ thống các chỉ tiêu SDG của Việt Nam để trình Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư (tháng 12 năm 2018). Nhân đây tôi xin chúc mừng Tổng cục Thống kê (GSO) đã có sự  cam kết mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng trong quá trình xây dựng  các chỉ tiêu SDG để giám sát và đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia để  thực hiện chương trình nghị sự 2030 cho phát triển bền vững.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu chung  và 169 mục tiêu cụ thể là một đề xuất đầy thách thức cần có sự tham gia của toàn xã hội cùng nhau đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể có quan hệ chặt chẽ, không thể chia tách, phản ánh sự cân bằng 3 chiều cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội, và môi trường.   

Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thể hiện cam kết chính trị to lớn của Việt Nam cho các mục tiêu phát triển bền vững. 

Kể từ khi chương trình hành động được ban hành, có nhiều hoạt động đã được Chính phủ thực hiện như xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào kế  hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và Bộ, ngành; xây dựng các kế hoạch hành động của Bộ, ngành và địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu SDG, xây dựng báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao của LHQ về phát triển bền vững vào tháng 7 năm 2018. Tất cả những hoạt động đó đều liên quan chặt chẽ tới việc sử dụng các chỉ tiêu thống kê để đo lường tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. 

Hiện nay Bộ Kế hoạch và đầu tư được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và ban hành các chỉ thiêu phát triển bền vững. Tổng cục Thống kê/ Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thành lập tổ biên tập từ tháng 4 năm 2017 đánh giá thực trạng các chỉ tiêu SDG Việt Nam, rà soát tính khả thi và phù hợp của các chỉ tiêu SDG toàn cầu tại Việt Nam, và đề xuất danh mục  các chỉ tiêu thống kê SDG Việt Nam. 

Hội thảo này tập trung vào chia sẻ và lấy ý kiến các đại biểu về dự thảo  các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, cụ thể là các chỉ tiêu trong lĩnh vực dân số nói riêng.  Với mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” và “Con người được coi là trung tâm của sự phát triển”, thì việc xây dựng những chỉ tiêu thống kê dân số trong hệ thống các chỉ tiêu phát triển bền vững là rất quan trọng và cần thiết. Rất nhiều các chỉ tiêu này được thu thập và tổng hợp từ các cuộc điều tra dân số, như Tổng điều tra Dân số và Nhà ở sắp tới năm 2019, các cuộc điều tra chuyên ngành khác và từ hệ thống  các dữ liệu hành chính. Một ví dụ cụ thể là Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 sẽ cung cấp khoảng 9% tổng số các chỉ tiêu SDG cho các mục tiêu 1,3,5,7,8 và 16 (như chỉ tiêu về tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, nguyên nhân chết, đăng ký khai sinh, tảo hôn, kết hôn và sinh con sớm, tiếp cận đến dịch vụ xã hội cơ bản, vv), và số liệu dân số sẽ là mẫu số để ước lượng rất nhiều chỉ tiêu SDG khác. Trong thời kỳ của chương trình nghị sự 2030, sẽ có cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, như vậy rất thú vị để thấy mối quan hệ giữa hai mục tiêu nói trên -  qua các số liệu của TĐT -  cần tiếp tục cải thiện hơn nữa. Như vậy, các chỉ tiêu SDG cho phép giám sát và đánh giá tiến trình thực hiện chương trình nghị sự 2030 và các chính sách khác của đất nước và được sử dụng như là bằng chứng cho xây dựng chính sách. 

Nhân dịp này cho phép tôi chia sẻ với Hội thảo một số thông điệp chính liên quan đến việc xây dựng các chỉ tiêu SDG cho Việt Nam mà các cơ quan Liên hiệp quốc muốn nhấn mạnh:

Thứ nhất, các chỉ tiêu SDG toàn cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua rất nhiều cuộc tham vấn kỹ thuật cấp cao (Các cơ quan thống kê LHQ, vv) UN Statistical Commission, etc.) và đã được các quốc gia thành viên chấp nhận. Điều này sẽ là cơ sở để xem xét  và phân tích những thiếu hụt về số  liệu, đảm bảo việc xây dựng các chỉ tiêu SDG Việt Nam được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận và theo các định nghĩa đã được thống nhất. Như vậy,  khi xây dựng các chỉ tiêu SDG Việt Nam, cần tham khảo và sử dụng các chỉ tiêu toàn cầu ở mức cao nhất có thể. Việc điều chỉnh  các chỉ tiêu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc so sánh với các chỉ tiêu toàn cầu. 

Thứ hai, việc phân tổ các chỉ tiêu SDG cũng cần dựa vào phân tổ của các chỉ tiêu toàn cầu đã được chi tiết hóa trong metadata để giúp cho việc so sánh quốc tế và xác định sự thiếu bao trùm hoặc bất bình đẳng, nếu có. Đối với những chỉ tiêu SDG mà Việt Nam lựa chọn để giám sát và báo cáo tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cũng cần xác định  phân tổ số liệu của các chỉ tiêu này. Việc đưa các chỉ tiêu SDG vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ đảm bảo  tính bền vững của việc thu thập, phân tích và phổ biến sốliệu. 

Thứ ba, tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu truyền thống (các cuộc điều tra quốc gia, các dữ liệu hành chính) và không truyền thống (dữ liệu lớn) để tính toán các chỉ tiêu thống kê SDG. Trong thu thập và tổng hợp dữ liệu và các chỉ tiêu giám sát, cần có sự hợp tác và tham gia của nhiều đối tác (chính phủ, tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, các trường đại học, viện nghiên cứu, vv).

Hỗ trợ cho các cơ quan cung cấp dữ liệu là không đủ.  Cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan cung cấp số liệu và sử dụng số liệu. Sử dụng   các chỉ tiêu SDG phục vụ giám sát đánh giá  sẽ góp phần đảm bảo tính  minh bạch và phối hợp giữa các cơ quan cung cấp và sử dụng dữ liệu nhằm giúp  đưa ra các quyết định chính sách phù hợp. 

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là để đạt được mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 cho phát triển bền vững  và các mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi các  khu vực, các đối tác phải cùng nhau phối hợp làm việc, cùng đóng góp  nguồn lực tài chính, kiến thức và chuyên môn. Trong thời đại phát triển mới của chúng ta với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể tương ứng như một bản thiết kế để đạt được những điều chúng ta muốn trong tương lai một cách bền vững, ở tất cả các khu vực và quan hệ đối tác đa phương sáng tạo, sẽ đóng vai trò quan trọng để đưa chúng ta tới nơi chúng ta cần vào năm 2030.  

Kính thưa các quý vị đại biểu, 

Chương trình nghị sự 2030 thách thức tất cả chúng ta trong việc cần phải mở rộng quan hệ đối tác trong “Khung toàn xã hội” và tiếp tục suy nghĩ, làm việc và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo rằng Chương trình nghị sự 2030 được triển khai hiệu quả và không ai bị bỏ lại phía sau. 

UNFPA tại Việt Nam và các tổ chức LHQ khác trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ hỗ trợ Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng, thu thập thông tin và tính toán các chỉ tiêu SDG của Việt Nam. Chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp để đảm bảo những  sự hỗ trợ này là hiệu quả. Nâng cao năng lực trong việc xây dựng, thu thập và phổ biến dữ liệu thống kê phục vụ giám sát, đánh gía thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDG là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan phát triển khác trong những năm tới.

Tôi hy vọng buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ có những thảo luận hữu ích để góp ý cho việc hoàn thiện các chỉ tiêu thống kê SDG nói chung và liên quan đến dân số nói riêng ở Việt Nam.

Tôi xin cảm ơn các quý vị đại biểu đã chú ý lắng nghe và tham gia hội nghị. Chúc các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.