Bạn đang ở đây

Hôm nay, ngày 14 tháng 7 năm 2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện từ Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các bộ ban ngành liên quan, có đại diện các đại sứ quán, viện nghiên cứu, và các tổ  chức quốc tế ở Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Úc, Mỹ, Đài Loan và Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các nước trong khu vực. Các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan đến dân số, xu hướng nhân khẩu học, và tác động của sự biến đổi dân số đến phát triển bền vững.

Số liệu từ Tổng Điều tra Dân số năm 2009 và các cuộc khảo sát dân số quy mô rộng cho thấy Việt Nam đã đạt được các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản khá ấn tượng. Trung bình toàn quốc, mỗi phụ nữ Việt Nam chỉ có 2 con trong toàn bộ cuộc đời của mình. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế. Thành tựu về giảm tử vong bà mẹ và tử vong ở trẻ em của Việt Nam rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khác biệt lớn giữa các địa phương. Tình trạng khác biệt này đang ngày càng gia tăng, kèm theo đó là những hình thức nghèo và tổn thương mới, yêu cầu phải có sự quan tâm lớn hơn từ các nhà hoạch định chính sách trong những năm tới.

Tại hội thảo, ông Đinh Văn Cương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng, chúng ta đang đối mặt với các vấn đề mới như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng cuộc sống của người dân, di cư và đô thị hóa nhanh chóng. Bây giờ là lúc Việt Nam cần chuyển hướng chính sách dân số từ chỗ chỉ đặt trọng tâm vào kiểm soát sinh sang trọng tâm gắn dân số với tất cả các mặt của phát triển, lồng ghép dân số vào lập kế hoạch phát triển nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phát triển bền vững".

Theo các chuyên gia quốc tế, những bằng chứng nghiên cứu tình hình các quốc gia cho thấy mức sinh ở Việt Nam sẽ tiếp tục giảm cho dù đã duy trì ở mức mỗi phụ nữ có 2 con trong vòng 10 năm gần đây. Đó là vì mức thu nhập, trình độ giáo dục, và tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng tăng. May mắn cho Việt Nam là không cần phải áp dụng chính sách khuyến sinh. Tuy nhiên, đây là cơ hội để chính sách dân số Việt Nam hướng đến hỗ trợ các cá nhân và cặp vợ chồng thực hiện hiệu quả quyết định sinh sản của mình, cho dù đó là sinh thêm con hay ngừng không sinh con nữa.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nguồn nhân lực, một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của quốc gia. Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc nói: “Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2010, đó là cứ 2 người trong độ tuổi lao động thì có một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên). Tuy nhiên, “cơ hội vàng” không tự chuyển hóa thành lợi tức cho nền kinh tế Việt Nam”. Bà cho biết Việt Nam cần phải có các chính sách phát kịp thời và đúng đắn để tận dụng cơ hội nguồn nhân lực dồi dào vì cơ hội vàng sẽ kết thúc sau năm 2040. Một chuyên gia trình bày trong hội thảo đã chia sẻ Việt Nam sẽ không thể tận dụng được cơ hội dân số vàng trong dân số nếu không cải thiện được năng suất lao động.

Kết quả thảo luận tại hội thảo sẽ giúp cho các nhà lập pháp và hoạch định chính sách có được thông tin và bằng chứng khoa học từ nghiên cứu và từ kinh nghiệm thực tế của các quốc gia đã trải qua những giai đoạn biến đổi dân số tương tự Việt Nam. Những khuyến nghị chính sách được chia sẻ tại hội thảo sẽ giúp đặt nền móng cho một chính sách dân số và phát triển toàn diện để giải quyết các thách thức và tận dụng các cơ hội do biến đổi dân số ở Việt Nam mang lại.