Bạn đang ở đây

Hôm nay, nhân ngày Quốc tế Hộ sinh, chúng ta hãy đoàn kết với các hộ sinh trên toàn thế giới và cảm ơn họ vì những đóng góp lớn lao mà họ đang làm giúp cứu sống và tạo ra cuộc sống.

Bé Obada, em bé thứ 3.000 được sinh ra một cách an toàn tại phòng khám sản khoa trong trại tị nạn của người Syria ở Jordan, chính là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự tâm huyết và chăm sóc tận tình của các hộ sinh đã dành cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở đây. Kể từ khi phòng khám bắt đầu cung cấp dịch vụ đỡ đẻ vào tháng 6 năm 2013, tất cả các em bé đã được sinh ra khỏe mạnh và không có trường hợp tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Vì chúng ta đang chuẩn bị đến thời hạn kết thúc phải đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), chúng tôi rất tự hào về những tiến bộ đạt được Mục tiêu số 5 là cải thiện sức khỏe bà mẹ. Tử vong mẹ đã giảm gần 50 phần trăm, từ 523.000 ca chết mẹ vào năm 1990, giảm xuống con số gần đây nhất là 289.000.

Nhưng mặc dù mọi người đang vô cùng hân hoan với thành tựu này thì vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay vẫn còn gần 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày do các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở.

Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa. Và chúng ta phải bắt đầu đào tạo và cung cấp nhiều hơn đội ngũ hộ sinh.

Bằng chứng cho thấy khi đội ngũ hộ sinh được đào tạo và đáp ứng được các quy định theo chuẩn quốc tế thì có thể cung cấp 87 phần trăm các chăm sóc cần thiết cho phụ nữ và trẻ sơ sinh.

Hôm nay, chúng tôi kêu gọi đầu tư nhiều hơn để tăng số lượng hộ sinh và nâng cao chất lượng các dịch vụ của họ. Cam kết hơn nữa về mặt chính trị và đầu tư dành cho đội ngũ hộ sinh là hết sức cần thiết để cứu sống hàng triệu sinh mạng mỗi năm.

Hôm nay và mỗi ngày, chúng ta cần thu hẹp khoảng cách trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Những khoảng cách này đã được ghi lại trong Báo cáo Tình trạng Hộ sinh năm 2014.

Cụ thể là đại dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, nơi phụ nữ mang thai phải vật lộn để có thể tiếp cận các dịch vụ y tế có sẵn để có thể sinh đẻ an toàn, đã cho chúng ta thấy rõ sự cần thiết của hệ thống y tế vững mạnh và việc có đủ số lượng nhân viên y tế. Trong công tác ứng phó với đại dịch này, UNFPA đang mở rộng các dịch vụ hộ sinh để hỗ trợ hệ thống y tế tại các quốc gia bị ảnh hưởng.

UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác hộ sinh, sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền sinh sản cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới. Hiện nay, UNFPA tài trợ sách vở, thiết bị đào tạo và giảng viên cho hơn 250 Trường Đào tạo Hộ sinh và đã giúp đào tạo hơn 15.000 hộ sinh trên toàn cầu.

UNFPA hỗ trợ công tác hộ sinh ở hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới.  Trong năm 2014, chúng tôi đã giúp khởi động các chương trình Cử nhân hộ sinh ở Afghanistan, Burkina Faso, Somalia và Zambia.

Trong bốn năm qua, có hơn 35 quốc gia đã thực hiện các cam kết quốc gia để tăng cường công tác hộ sinh. Ví dụ, Ethiopia đã cam kết sẽ tăng gấp bốn lần số lượng các cán bộ hộ sinh, từ 2.050 người lên đến 8.635 người, và sẽ đạt được mục tiêu này trước thời hạn. Bangladesh cam kết sẽ đào tạo thêm 3.000 cán bộ hộ sinh, và khoảng 2.000 hộ sinh đã được đào tạo tại 31 trung tâm. Haiti đã có được nhóm hộ sinh đầu tiên được đào tạo từ trường hộ sinh mới được xây dựng sau trận động đất năm 2010. Và Afghanistan đã hồi sinh và củng cố cộng đồng cán bộ hộ sinh, giúp giảm hơn hơn 80 phần trăm tử vong bà mẹ kể từ năm 2002.

Năm nay, khi chúng ta đang chuẩn bị cho Chương trình Nghị sự Phát triển Quốc tế sau năm 2015, tương lai mà chúng tôi mong muốn là nơi mà các hộ sinh đóng vai trò đầy đủ của họ trong việc bảo đảm sinh đẻ an toàn, thúc đẩy khoảng cách giữa các lần sinh con khỏe mạnh và bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái.

Năm nay và các năm sau, UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ đội ngũ hộ sinh trên toàn cầu, bởi vì chúng tôi phấn đấu cho một tương lai khỏe mạnh cho hiện tại và cho các thế hệ mai sau.