Bạn đang ở đây

Tổng quan

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước, tạo nền tảng tiềm năng cho lợi tức dân số. Việt Nam có 20,4 triệu thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi, chiếm 21% dân số và thời kỳ dân số vàng dự kiến kéo dài đến năm 2039. Sự thành công và phát triển của thanh niên đòi hỏi phải có các chính sách và dịch vụ phù hợp để họ có thể phát huy đầy đủ tiềm năng, bao gồm cả các chính sách liên quan đến lĩnh vực chăm sóc SKTD&SKSS. 

Bằng chứng cho thấy giới trẻ Việt Nam đang có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn. Điều này cho thấy nhu cầu của thanh thiếu niên đối với các dịch vụ và thông tin về sức khỏe sinh sản. Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại của nữ thanh niên di cư 15-24 tuổi chưa được đáp ứng ở mức 29,6% và tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên là 11/1.000. Thanh thiếu niên vẫn còn thiếu thông tin cũng như các dịch vụ đầy đủ và toàn diện về chăm sóc SKTD&SKSS. Thực trạng này càng trầm trọng ở các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật (NKT). Ngoài ra còn có một số lượng lớn trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ vị thành niên (15-19 tuổi) và thanh niên chưa lập gia đình. 
Theo ước tính, thanh thiếu niên trong độ tuổi 16-29 nhiễm HIV chiếm 38% tổng dân số nhiễm HIV. Tảo hôn và sống chung khi chưa đủ tuổi vẫn là tập quán và chuẩn mực văn hóa khá phổ biến, khiến cho trẻ em gái không thể theo đuổi việc học hành và lập kế hoạch cho cuộc đời mình. Tại Việt Nam, 9% trẻ em gái trong độ tuổi 20-24 kết hôn trước sinh nhật 18 tuổi, tỷ lệ này ở nông thôn (12,2%) cao hơn ở thành thị (3,7%). Tảo hôn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên.  
Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của thanh thiếu niên, song vẫn đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa. Chỉ có 14,3% trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội khóa 14 là đại biểu trẻ dưới 40 tuổi. Ở cấp tỉnh, chỉ có 8,52% người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân dưới 35 tuổi. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, gần 40% thanh thiếu niên chưa từng tham gia xây dựng chính sách liên quan đến thanh thiếu niên. 

UNFPA tại Việt Nam

UNFPA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các can thiệp chính sau đây nhằm thúc đẩy sự phát triển của thanh niên: 

a.    Mở rộng cơ chế/diễn đàn đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách/ra quyết định và thanh thiếu niên; 
b.    Nâng cao năng lực cho thanh niên để có thể tham gia hiệu quả trong các cuộc đối thoại cấp trung ương và địa phương; 
c.    Hợp tác với các tổ chức do thanh niên lãnh đạo trong việc thực hiện và quản lý Luật Thanh niên cũng như trong các kế hoạch ứng phó thảm họa ở cấp quốc gia và cấp địa phương;
d.    Vận động và thúc đẩy  để thanh niên được trao các vị trí ra quyết định; 
e.    Giám sát sự phát triển của thanh niên thông qua xây dựng và sử dụng Chỉ số Phát triển Thanh niên Quốc gia;  
f.    Thúc đẩy cách tiếp cận đa ngành liên quan đến chăm sóc SKTD&SKSS dành cho thanh thiếu niên, đồng thời triển khai chương trình giáo dục tình dục và giáo dục kỹ năng sống toàn diện trên phạm vi toàn quốc cho thanh thiếu niên đang trong và ngoài nhà trường cũng như thanh thiếu niên khuyết tật.