Bạn đang ở đây

Kính thưa:

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam;

Ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;

Ông Rintaro Monri, Cố vấn kỹ thuật về già hóa dân số và phát triển bền vững, UNFPA khu vực châu Á-TBD;

Đại diện các Bộ, ban ngành; các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, các đồng nghiệp LHQ;

Kính thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay tôi rất hân hạnh được phát biểu khai mạc tại sự kiện ngày hôm nay, cùng với Bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Tôi xin được trân trọng cám ơn Ủy ban Quốc gia người cao tuổi Việt Nam đã cùng với chúng tôi tổ chức hội thảo ngày hôm nay để công bố kết quả báo cáo nghiên cứu “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam". Báo cáo này do Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi và UNFPA tại Việt Nam xuất bản. Báo cáo phân tích vấn đề và tác động của già hóa và đưa ra những gợi ý chính sách để thích ứng với khuynh hướng nhân khẩu học này ở Việt Nam.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Chúng ta tất cả đều đang già đi. Đây là một thực tế cuộc sống.

Cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng lên 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050.

Trong giai đoạn 2015 - 2030, giai đoạn Mục tiêu phát triển bền vững,  số người cao tuổi trên toàn cầu sẽ tăng lên 56% - từ 901 triệu lên 1,4 tỷ. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi từ 15-24.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2035.

Như quý vị cũng biết là ngày 1 tháng 4 tới Việt Nam sẽ tiến hành cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và tôi hy vọng rằng các số liệu mới nhất về người cao tuổi sẽ có được vào cuối năm nay.

Khi thế giới xây dựng một Chương trình Phát triển mới truyền cảm hứng và cam kết đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững mới thì Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người cao tuổi.  

Già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc.  

Kính thưa quý vị đại biểu,

Già hóa dân số nhanh chóng có tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân cư, đòi hỏi các chính sách có thể thích ứng với vấn đề này. Sự gia tăng cả tỷ lệ phần trăm và số người cao tuổi đòi hỏi phải cơ cấu lại xã hội của chúng ta ở mọi khía cạnh, như đầu tư tài chính, chi tiêu công, quy hoạch đô thị và nông thôn...

Khi dân số già đi thì lại gia tăng những thách thức mà người cao tuổi phải đối mặt, đó là người cao tuổi không có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lực khác nhau, mà thông thường các cơ hội và nguồn lực này dành cho tất cả mọi người: tiếp cận việc làm, thu nhập, chăm sóc sức khỏe và nhà ở đầy đủ và cơ hội tham gia bình đẳng với các hoạt động xã hội, chính trị và cộng đồng. Điều này có thể dẫn đến việc chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu của mình trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Mặt khác, trong khi mối quan tâm chủ yếu dành cho nhóm dân số cao tuổi nhưng thực tế già hóa dân số không chỉ là về vấn đề của người cao tuổi, mà nó bắt đầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ví dụ, các vấn đề mà những người trẻ tuổi phải đối mặt do sự gia tăng dân số người cao tuổi cũng cần phải được giải quyết, ví dụ: phụ nữ lao động có người cao tuổi cần phải chăm sóc tại nhà nên có ngày nghỉ phép để có thể chăm sóc người cao tuổi trong gia đình. Do đó, ứng phó với già hóa dân số không có nghĩa là chỉ giải quyết những kỳ vọng và nhu cầu của dân số cao tuổi, mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết nhu cầu của tất cả các nhóm dân cư trong việc chuẩn bị cho một tương lai dân số già.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Báo cáo chúng tôi công bố hôm nay tập trung vào các nội dung dưới đây:
• Xu hướng giảm mức sinh và mức chết;
• Xu hướng già hóa dân số ngày càng tăng ở Việt Nam;
• Các vấn đề dân số mới nổi do già hóa dân số;
• Xem lại những hành động mà Chính phủ đã và đang làm từ những bài học liên quan từ các quốc gia khác;
• Khuyến nghị về cách giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số thông qua cách tiếp cận và chính sách toàn diện và định hướng tiếp theo.

Thật tuyệt vời vì hôm nay có đồng nghiệp của tôi từ UNFPA khu vực châu Á-TBD, Ông Rintaro Monri sẽ có bài thuyết trình về phương pháp tiếp cận vòng đời và kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng phó với già hóa dân số.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, “không bỏ ai lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi.  

Tôi tin rằng bằng cách tham gia và cộng tác cùng nhau, chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt và giúp xây dựng các ứng phó có ý nghĩa đối với già hóa dân số - các ứng phó dựa trên các giá trị không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh.

Thật vinh dự khi chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa MOLISA, Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi và UNFPA trong những năm qua. Tôi cũng xin cảm ơn một lần nữa tới Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam vì sự hợp tác tuyệt vời này và cảm ơn tất cả quý vị đã dành thời gian đến và thảo luận tại sự kiện này, điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi ở Việt Nam trong nhiều năm tới.

Xin cám ơn.