Bạn đang ở đây

Kính thưa quý vị đại biểu,

Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam  tham dự Hội nghị về Dân số và Phát triển ngày hôm nay. Tôi xin được cám ơn Đảng Ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức sự kiện quan trọng này. Đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta - các nhà hoạch định chính sách và chương trình, các nhà xây dựng kế hoạch phát triển và các Đảng viên cùng nhau thảo luận về mối quan hệ giữa dân số và phát triển, cũng như vai trò và tầm quan trọng của lồng ghép biến dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, và  vào các văn bản chính sách ở cấp quốc gia, địa phương và các ngành. Những trao đổi này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng và chuẩn bị thực hiện kê kế hoạch phát triển  kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Tôi hy vọng hội nghị ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta sử dụng một cách hiệu quả các số liệu và bằng chứng nhân khẩu học vào việc lập kế hoạch và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (SEDP).

Lồng ghép dân số và phát triển được coi là trọng tâm hoạt động của UNFPA. Chương trình hành động của Hội nghị Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức tại Cairo năm 1994 mà Việt Nam đã tham gia ký kết đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển và kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng. Vấn đề này được nhấn mạnh bởi vì các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh và mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội. Xem xét các vấn đề dân số một cách nghiêm túc trong quá trình phát triển sẽ giúp các chính phủ tăng cường một xã hội công bằng, bình đẳng và bền vững.

Kính thưa quý vị đại biểu,  

Ở Việt Nam, số liệu từ các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở và các điều tra dân số khác cho thấy đất nước đang trải qua thời kỳ thay đổi nhân khẩu học một cách rõ rệt: mức sinh và mức chết giảm mạnh, quá trình di cư quy mô lớn và nhanh chóng dẫn tới sự thay đổi trong phân bổ dân số giữa khu vực thành thị và nông thôn; mất cân bằng giới tính khi sinh; Việt Nam đang trong thời kỳ dân số "vàng" với nhóm dân số trẻ đông đảo, nhưng đồng thời, dân số Việt Nam cũng đang già hóa một cách nhanh chóng.

Trên thực tế, theo Triển vọng Dân số Thế giới của Liên hợp quốc, tỷ lệ phụ thuộc của nhóm dân số cao tuổi (tỷ lệ dân số cao tuổi phụ thuộc vào dân số ở độ tuổi lao động) được dự kiến sẽ tăng từ 9,6 đến 21,7 trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2035. Sự thay đổi nhân khẩu học này đang tạo ra tác động ngày càng lớn tới hệ thống bảo trợ xã hội, y tế, thị trường lao động... Chính phủ cần phải chuẩn bị cho những ứng phó này trước những thay đổi dân số trước khi quá muộn.

Nhân cuộc hội thảo này, cho phép tôi được chia sẻ ba thông điệp sau:

Trước hết, Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch phát triển sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 và đã đạt phần lớn các Mục tiêu phát triển TNK trước thời hạn.  Tuy nhiên, vẫn còn sự khác biệt rõ rệt giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng địa lý và các nhóm dân số. Sự khác biệt này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dân số. Chính vì vậy, cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách bao gồm các nhà lập kế hoạch nhận thức đầy đủ mối quan hệ tương hỗ giữa dân số và phát triển. Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, điều phối, truyền thông, vận động trong vấn đề này của Bộ Kế hoạch đầu tư thì công việc này sẽ được cải thiện đáng kể ở cấp trung ương và cấp cơ sở.

Thứ hai,  Cam kết này cần phải được thể hiện thông qua thể chế hóa việc lồng ghép các biến dân số vào lập kế hoạch phát triển. Pháp lệnh dân số và Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh công tác lồng ghép các biến dân số vào lập kế hoạch. Chúng tôi tin rằng  cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các cam kết này được thực hiện có hiệu quả.   

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đội ngũ cán bộ có kỹ năng là một nhân tố hết sức quan trọng đóng góp tới thành công của quá trình lập kế hoạch. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đảm bảo rằng các nhà lập kế hoạch và xây dựng chương trình ở tất cả các cấp cần phải được cập nhật kiến thức, có kỹ năng cần thiết và có đủ năng lực  trong việc sử dụng số liệu dân số vào việc lập kế hoạch phát triển. Quá trình ra quyết định dựa trên bằng chứng giúp cho các nhà lập kế hoạch nhận ra được mối quan hệ giữa các biến dân số đang thay đổi một cách nhanh chóng và quá trình phát triển, dự đoán tác động của các biến dân số tới xã hội và đưa ra hành động kịp thời để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.  

Kính thưa quý vị đại biểu,

UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng Ủy  Bộ KHĐT trong việc ủng hộ việc cung cấp và sử dụng số liệu và bằng chứng dân số cho lập kế hoạch phát triển. Tăng cường năng lực quốc gia trong việc cung cấp và sử dụng số liệu tin cậy và được tổng hợp theo các đặc điểm văn hóa xã hội là ưu tiên của UNFPA. Hiện nay khi mà thế giới tập trung vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thì sự sẵn có và sử dụng  các thông tin dân số chính xác và có thể so sánh được cho việc lập kế hoạch dựa trên bằng chứng đã trở nên vô cùng quan trọng và đóng vai trò nổi bật không chỉ không chỉ trong quá trình lập kế hoạch phát triển mà cả trong việc theo dõi tiến độ, và đánh giá và điều chỉnh các chiến lược và kế hoạch phát triển, cũng như hiện thực hóa các chỉ tiêu SDG ở Việt Nam. UNFPA cam kết làm việc cùng với Bộ KHĐT trong công tác quan trọng này.

Xin cám ơn sự theo dõi và tham gia của quý vị đại biểu. Xin chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.