Bạn đang ở đây

 

Kính thưa bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan;

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA;

Đại diện từ các tổ chức chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác phát triển quốc tế, các đồng nghiệp LHQ và đại diện các cơ quan báo chí truyền thông;

Thưa các quý vị;

Trước hết, xin chúc các quý vị có một buổi chiều thú vị,

Thay mặt cho Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được có mặt tại Triển lãm ảnh đặc biệt này, triển lãm "Bên kia mắt bão". Trước tiên, tôi xin cảm ơn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan và CSAGA đã phối hợp tổ chức sự kiện có ý nghĩa này.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Bình Đặng về những bức ảnh rất đẹp, và nghệ thuật. Chúng tôi cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với 20 chị em phụ nữ từ chợ Bãi Đá, những người đã tham gia dự án ảnh này và chia sẻ những câu chuyện xúc động và đầy cảm hứng.

Như quý vị đã biết, triển lãm này là một trong số hơn 70 sự kiện của chiến dịch truyền thông của Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới,  đồng thời  kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và 16 ngày hành động chống lại bạo lực giới. Ngày Quốc tế  xóa bỏ bạo lực và 16 ngày tiếp theo được kỷ niệm mỗi năm, trên khắp thế giới để đánh dấu quyền cơ bản của mỗi đứa trẻ và mỗi phụ nữ về một cuộc sống không có bạo lực.

Tôi rất trân trọng và đánh giá cao sự hợp tác và cam kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phối hợp và triển khai Tháng hành động quốc gia năm thứ 2 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam. Các chiến dịch được tổ chức từ năm 2012 cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về sự hợp tác tuyệt vời giữa các bộ, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển.

Kính thưa các vị khách quý,

Mọi người đều có quyền sống không bị bạo lực. Đó là quyền cơ bản - quyền được ghi trong luật nhân quyền quốc tế. Tuy nhiên bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các nước trên thế giới.

Trên toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người là đối tượng bị đàn ông bạo lực, mà những người gây bạo lực lại thường là người thân của nạn nhân, như bố, chồng, bạn trai, chú, bác, người giám hộ, đồng nghiệp tại nơi làm việc...

Ở Việt Nam, nhiều người đã biết tới cuộc Điều tra Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với Phụ nữ, kết quả điều tra cho thấy:

58 phần trăm phụ nữ nói rằng họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ.

87% cho biết họ đã bị quấy rối tình dục nơi công cộng.

10 phần trăm cho biết họ đã bị tấn công tình dục bởi chồng của họ.

Nhưng 87% nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ do thiếu các dịch vụ sẵn có. Nhiều người sợ nói ra do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và quấy rối hơn nữa.

Trong năm tới, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại (Úc – DFAT), UNFPA phối hợp với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống Kê sẽ cập nhật những con số này cũng như mở rộng phạm vi điều tra.

Chủ đề hôm nay không phải là về số liệu thống kê, mà là về những trải nghiệm của chính những người chịu bạo lực.

Thưa quý vị,

Một bộ ảnh gần một nghìn bức ảnh được trưng bày tại triển lãm ngày hôm nay trong đó khoảng 800 bức do chính 20 nạn nhân bạo lực giới thực hiện. Những bức ảnh này đang kể cho chúng ta những câu chuyện có thật về cuộc sống của những người là nạn nhân của bạo lực. Chúng ta sẽ không chỉ nhìn thấy những giọt nước mắt, những nỗi đau mà còn cả những nụ cười, và sức mạnh nội tại của những người phụ nữ này. Sau khoảng thời gian khó khăn, bị bạo lực, những phụ nữ này đã đứng lên, đã lên tiếng và dũng cảm vượt qua cơn bão để đến với một cuộc sống tươi đẹp hơn.  Đây sẽ là một động lực mạnh mẽ, và truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác hiện vẫn đang chịu bạo lực có thể  phá vỡ sự im lặng.

Chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi để nạn nhân của bạo lực giới có thể lên tiếng bằng cách đối diện với các chuẩn mực văn hoá xuất phát từ tư tưởng gia trưởng tạo ra những định kiến giới và đảm bảo nạn nhân bạo lực giới có thể tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu.

Thưa các quý vị,

Một lần nữa, tôi xin chân thành cám ơn Bộ LĐTBXH, Đại sứ quán Hà Lan, KOICA và CSAGA đã cùng tổ chức triển lãm này và cùng nhau đấu tranh chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm qua.
Tôi cũng có chung niềm hy vọng rằng triển lãm ảnh này sẽ nâng cao hiểu biết của chúng ta về vấn đề này và đóng góp thực sự vào việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Đằng sau những bức ảnh này là những ước mơ và hy vọng cho tương lai, tương lai không có bạo lực.

Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Những gì chúng ta đã nhìn thấy trên những  tin tức trong vài tuần qua đã khẳng định nếu chúng ta nói về bạo lực, chúng ta có thể thay đổi và bảo vệ thế hệ phụ nữ trẻ trong tương lai chống lại một số hình thức bạo lực.

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ cần phải là ưu tiên với mỗi người, cả nam và nữ.

Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một môi trường an toàn hơn và công bằng hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Tôi xin chúc quý vị có một buổi chiều vui và ý nghĩa.