Bạn đang ở đây

Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH;

Kính thưa các quý vị khách quý, các Đại diện từ các Bộ ban ngành, tổ chức xã hội và viện nghiên cứu;

Các Đại sứ quán, đối tác phát triển quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đồng nghiệp từ các cơ quan Liên Hợp Quốc; các bạn trẻ và cơ quan truyền thông,

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Thay mặt Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất vinh dự được có mặt tại đây ngày hôm nay để công bố Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, được triển khai từ đầu năm 2018 tới tháng 6 năm 2019. Tôi rất trân trọng và đánh giá cao quan hệ đối tác, sự cam kết và lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH trong việc phối hợp và thực hiện những nỗ lực chung thúc nhằm đẩy bình đẳng giới cũng như phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) trong những năm vừa qua, và việc triển khai chương trình quốc gia của UNFPA giai đoạn 2017-2021. Những thành tựu chúng ta đã gặt hái được tới nay là một minh chứng mạnh mẽ cho sự phối hợp cũng như hợp tác hiệu quả giữa các Bộ ban ngành, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển.

 

Năm 2020 là một năm bản lề đối với hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu. Đây là năm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện tiến bộ nhất về thúc đẩy quyền phụ nữ. Năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Ngoài ra, đây cũng là năm kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc và cũng là năm đánh dấu Thập kỷ Hành động vì Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, với lần đầu tiên vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được đặt làm mục tiêu độc lập trong tiến trình phát triển quốc tế.

 

Việt Nam là quốc gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế nhằm giải quyết vấn đề bình đẳng giới, quyền phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2006, Việt Nam ban hành Luật Bình đẳng giới, trong đó yêu cầu các cơ quan nhà nước hoàn thành trách nhiệm của mình trong thúc đẩy bình đẳng giới và xử lý bất kỳ hành vi vi phạm nào.

 

Trong suốt 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Chúng tôi đã nhìn thấy những thành tựu đáng kể về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế.

 

Trong khi vui mừng trước những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, chúng ta vẫn cần tiếp tục cố gắng vì những kết quả cao hơn để hướng tới một xã hội bình đẳng tại Việt Nam. Tôi xin phép đưa ra một số ví dụ:

  • Dù lần đầu tiên Quốc Hội có chủ tịch là nữ giới, đây là một thời điểm tuyệt vời và truyền cảm hứng, nhưng 72,7% thành viên Quốc Hội vẫn là nam giới.
  • Tỷ lệ chênh lệch lương theo giới vẫn ở mức 13%, và sự chênh lệch vẫn tiếp tục tập trung vào nhóm phụ nữ làm công việc được trả lương thấp trong khu vực phi chính thức. Những đối tượng này nằm ngoài phạm vi của Bộ luật Lao động và thường không được tiếp cận với các hình thức bảo trợ xã hội.
  • Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tâm lý ưa thích có con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn còn phổ biến.
  • Trung bình, phụ nữ phải làm công việc chăm sóc không lương và việc nhà nhiều hơn nam giới gấp 3 lần.
  • Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vấn đề bất bình đẳng giới có thể trầm trọng hơn, dẫn tới đẩy lùi những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ vừa qua.

Kính thưa các vị khách quý,

 

Là một trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của mọi người. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội Việt Nam hòa bình và thịnh vượng. Nếu không giải quyết vấn đề về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không có cách nào đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. Chúng ta chỉ còn 10 năm để làm được điều đó. 

Nhân sự kiện công bố báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ngày hôm nay, tôi xin mạn phép chia sẻ câu chuyện của cá nhân tôi.

 

Tôi tới từ Nhật Bản, từ một tỉnh với tinh thần samuraikhá bảo thủ. Các giá trị truyền thống và chế độ nam quyền ở đây rất mạnh mẽ, và thường rất khó để thay đổi những chuẩn mực văn hóa - xã hội. Ngày còn nhỏ, lúc nào tôi cũng được nhắc nhở rằng, phận là con gái, tôi không cần phải học cao làm gì, cho dù tôi luôn là học sinh xếp thứ hạng cao ở trường. Mọi người xung quanh tôi, bao gồm cả họ hàng, ông bà, cô dì, chú bác đều nói rằng, nếu tôi đi học đại học và có học vị cao, sẽ chẳng có ai muốn cưới tôi, và tôi sẽ sống một cuộc sống không chồng, không con cả đời. Họ thương hại tôi vì viễn cảnh tương lai đó.

 

Nhưng cha tôi lại không nghĩ như vậy. Cha tôi là một người khuyết tật. Trong thời kỳ Thế chiến thứ 2, ông bị mất khả năng nghe do không có thuốc chữa trị ở Nhật Bản - nơi đang rơi vào cảnh bom đạn lúc bấy giờ. Vì không thể nghe và theo học ở trường, nên ông phải nghỉ học từ cấp hai. Tuy vậy, ông đọc rất nhiều và luôn đọc từ đầu tới cuối các số báo hàng ngày. Và ông muốn đảm bảo rằng con của ông, dù là trai hay gái, đều phải được đi học. Ít nhất là ở Nhật Bản thời kỳ hậu chiến, vẫn có sự bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, và kể cả ở nơi tôi lớn lên, tôi cũng được hưởng một nền giáo dục chất lượng. Nhưng sau khi rời mái trường và bước chân ra ngoài xã hội, tôi nhận ra rằng cuộc sống ở đây sẽ không có sự bình đẳng giới như thế, vậy nên tôi rời Nhật Bản. Kể từ đó tôi chưa bao giờ quay lại sống tại Nhật Bản. Và tôi tin quyết định của mình là đúng đắn, vì cho tới ngày hôm nay, khi xét tới lĩnh vực bình đẳng giới, Nhật Bản vẫn đang chậm tiến ở phía sau.

 

Nhưng khi tôi làm Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng sẽ còn đáng tiếc hơn nếu phụ nữ Việt Nam không thể phát huy tiềm năng của mình chỉ bởi vì những hệ thống, quy trình và thông lệ của đất nước. Ngày hôm nay, chúng ta mang một trọng trách, đó chính là nghiêm túc xem xét những phát hiện và khuyến nghị của báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, để từ đó giúp cuộc sống của phụ nữ tại Việt Nam tốt đẹp hơn. Và việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới đang đặt ra một cơ hội tốt cho chúng ta.

 

Tại sao phụ nữ chỉ có thể đóng vai trò thứ yếu? Tại sao phụ nữ phải cam chịu những định kiến về giới? Tại sao phụ nữ phải tiếp tục chịu đựng bạo lực gia đình? Tại sao trẻ em gái không được sinh ra chỉ bởi vì các em mang giới tính nữ?

 

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, và nhân tiện nếu quý vị muốn biết, tôi đã học đại học và theo học hai chương trình thạc sĩ, tôi cũng đã kết hôn và có con.

 

Xin cảm ơn.