Bạn đang ở đây

Kính thưa:
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam;
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;
Kính thưa toàn thể đại biểu, đại diện các bộ ngành, các cơ quan nhà nước, đại diện thanh niên, tổ chức xã hội dân sự, Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge), các cơ quan báo chí truyền thông và các đồng nghiệp LHQ;

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Xin chào các bạn!

Tôi rất vinh dự được tham dự Diễn đàn “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi” để kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức khắp nơi trên thế giới vào ngày 1 tháng 10 hàng năm.
Lời đầu tiên, cho phép tôi gửi lời cảm ơn tới Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, và tổ chức HelpAge đã đồng tổ chức buổi tọa đàm ngày hôm nay nhân dịp Quốc tế người cao tuổi nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của người cao tuổi như là một phần của cộng đồng và thúc đẩy công bằng và sự hòa nhập của người cao tuổi trong xã hội. Và hôm nay chúng ta đánh dấu ngày này với chủ đề “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi”.

Kính thưa quý vị,

Chúng ta tất cả đều đang già đi. Đây là một thực tế cuộc sống.

Già đi là tuyệt vời - bởi vì chúng ta có thêm kinh nghiệm và trí tuệ.

Già hóa dân số là một trong những xu hướng và đặc điểm quan trọng nhất của thế kỷ 21, đặc biệt là ở Việt Nam và khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.Trên toàn cầu, cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng lên 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050. Trong giai đoạn 2015 - 2030, số người cao tuổi trên toàn cầu dự đoán sẽ tăng lên 56% - từ 901 triệu lên 1,4 tỷ. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi từ 15-24. Ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên gần gấp đôi là 20% vào năm 2038.

Và do đó, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà vì mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.  

Kính thưa quý vị,

Sự kiện hôm nay của chúng ta nhằm nâng cao nhận thức về dân số cao tuổi và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận liên thế hệ về bài học kinh nghiệm và tiến bộ trên hành trình chấm dứt bất bình đẳng đối với người cao tuổi và thay đổi các câu chuyện và định kiến tiêu cực liên quan đến nhóm dân số cao tuổi.

Năm 2019 thực sự là một năm đặc biệt, khi chúng ta kỷ niệm 25 năm ngày thông qua Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển. Chính vì lẽ đó nên hôm nay chúng tôi khai mạc Triển lãm ảnh “Con người của ICPD, ngang qua cuộc đời, Quyền và Lựa chọn cho tất cả mọi người”. Triển lãm bao gồm 2 bộ ảnh: một bộ ảnh với 15 bức ảnh về 15 phương châm của ICPD cho thấy mối tương quan giữa dân số và phát triển bền vững. Và một bổ ảnh với 15 bức ảnh và các câu chuyện đầy cảm hứng của những người cao tuổi ở một số vùng của Việt Nam. Thông qua tiếng nói của người cao tuổi, một thông điệp cần phải được lan truyền, và cần phải tạo ra phong trào, đó là người cao tuổi là những người tham gia tích cực trong xã hội, chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Điều cực kỳ quan trọng là Việt Nam cần tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ, và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già.

Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, “không bỏ ai lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi.  

Cảm ơn các quý vị đại biểu, các vị khách quý, nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, xin chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin cám ơn.