Bạn đang ở đây

Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Kính thưa các đại biểu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD & ĐT); Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).

Kính thưa Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam;

Bà Rana Hoa, Trưởng Đại diện UNICEF;

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women;

Đại diện từ các cơ quan thông tấn, báo chí;

 

Tôi xin thay mặt cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc: Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, xin bày tỏ niềm vinh dự được có mặt tại đây hôm nay, tại buổi lễ công bố Dự án “Hỗ trợ các can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19 ".

Đây là một dự án mới do Chính phủ Australia (DFAT) và các cơ quan LHQ đồng tài trợ, do UNFPA, UNICEF và UN Women đồng triển khai dưới sự hợp tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công an,  Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.

 

Chúng tôi đánh giá rất cao quan hệ đối tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) với tất cả các bên tham gia dự án, và cam kết của các vị lãnh đạo của Bộ LĐ-TBXH cũng như các bộ/ngành và tổ chức có liên quan khác. Chúng tôi mong mỏi được làm việc chặt chẽ với tất cả các quý vị trong quá trình triển khai dự án. Nếu không giải quyết được vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thì sẽ không có cách nào để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

 

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những vi phạm nhân quyền phổ biến nhất còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có thể xảy ra trong rất nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm tại nhà, nơi làm việc, trong các không gian công cộng và ngoài xã hội. Uớc tính khoảng 35,6% phụ nữ trên toàn cầu đã từng chịu hoặc bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục do bạn tình gây ra, hoặc bạo lực tình dục do người khác gây ra, hoặc cả hai hình thức tại một thời điểm nào đó trong đời.

 

Đáng buồn thay, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

 

Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, do Tổng cục thống kê thực hiện năm 2010, cho thấy 58% phụ nữ đã từng kết hôn đã trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực (thể chất, tình dục hoặc tâm lý) tại một thời điểm nào đó trong đời.

 

Tuy nhiên, 87% những nạn nhân – khoảng gần 9 trong số 10 phụ nữ - đã không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất kỳ cơ quan chức năng nào do thiếu các dịch vụ có sẵn hoặc do họ sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

 

Bạo lực đối với trẻ em cũng lan rộng ở Việt Nam. Theo kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS5) năm 2014, khoảng hai trong số ba trẻ em từ 1-14 tuổi đã từng chịu một số hình thức kỷ luật mang tính bạo lực tại nhà. Ngoài ra, theo Báo cáo của Chính phủ Việt Nam, có hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em xảy ra mỗi năm, trong đó 75% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đó được xem chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ẩn chứa phía sau là một thực tế phức tạp và quy mô bạo lực lớn hơn nhiều.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Theo báo cáo, cuộc khủng hoảng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tồn tại từ trước hiện trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và Việt Nam cũng theo xu hướng tương tự. Các báo cáo gần đây liên quan đến COVID-19 đã chỉ ra rằng các hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn dịch tương tự, đi đối với áp lực và sức ép kinh tế và xã hội hiện tại hoặc đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến bạo lực leo thang, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều quốc gia, người ta ước tính rằng bạo lực gia đình đã tăng lên ít nhất 30%.

 

Tại Việt Nam, Đường dây nóng của Ngôi nBình yên (nhà tạm lánh do TW Hội LH Phụ nữ Việt Nam quản lý) đã nhận được gấp đôi các cuộc gọi yêu cầu trợ giúp trong những tháng qua so với các tháng cùng kỳ những năm trước. Đường dây nóng Ánh Dương (do UNFPA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) cũng liên tục nhận được các cuộc gọi trợ giúp trong giai đoạn giãn cách xã hội. Các báo cáo cho biết các nguy cơ về xâm hại thể chất, tình dục và xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em đã tăng đáng kể. 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Trong bối cảnh hiện tại, dự án mà chúng tôi khởi động ngày hôm nay thể hiện sự hợp tác tuyệt vời giữa Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc tiếp tục giải quyết các thách thức sắp tới về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.

 

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần là ưu tiên hàng đầu của mọi người dân. Đó là đảm bảo tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án mới này sẽ tạo nên bước tiến lớn nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và trẻ em trai ở Việt Nam.

 

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đã quan tâm và tham gia cùng chúng tôi.