Bạn đang ở đây

Kính thưa, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế Việt Nam;

 

TS. Dr. Mary-Ann Etiebet, đại diện cho quỹ MSD cho các bà mẹ (MSD for Mothers);  

 

Bà Jennifer Cox, Tổng Giám đốc Merck Sharp & Dohme - MSD HH tại Việt Nam;

 

Đại diện chính quyền địa phương,  cán bộ y tế và cô đỡ thôn bản của các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Đắc Nông và Kon Tum;

 

Các đại diện cơ quan báo chí,

 

Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây, tại sự kiện mang tính bước ngoặt này để khởi động trực tuyến Dự án: Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ với tổng số tiền 1,2 triệu USD. Đối với UNFPA Việt Nam, dự án này là một trong những sáng kiến quan trọng nhất nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ vùng dân tộc thiểu số tại sáu tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên thông qua các can thiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng vào những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc thiểu số, đây là những đối tượng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.  

 

Kính thưa toàn thể quý vị, 

 

Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân trong vòng 20 năm qua và là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các nhóm dân tộc và vùng miền. Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống, nhưng tại các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên thì tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100-150 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống. Trong số các ca tử vong mẹ tại các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ rất cao, ví dụ như phụ nữ dân tộc Hmông chiếm 60% và dân tộc Thái chiếm 17%. Tỷ số tử vong mẹ ở phụ nữ Hmong cao gấp 7 lần so với phụ nữ người Kinh. Hơn một nửa số ca tử vong bà mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế này vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.

 

Kể từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến sự bất bình đẳng vốn đã tồn tại càng trầm trọng thêm và gây ảnh hưởng đặc biệt đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nói chung, và bà mẹ mang thai vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Phân tích mô hình của UNFPA ước tính rằng dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm 2020 có thể làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ từ 44 đến 65% trong năm 2020 tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam có thêm 298-443 bà mẹ tử vong do mang thai và sinh con trong 1 năm. UNFPA rất quan ngại về vấn đề này vì nó sẽ đảo ngược những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

 

Việc mang thai vẫn tiếp diễn kể cả trong tình huống khẩn cấp hay trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Mang thai và sinh con là một phần tất yếu của cuộc sống, và không thể bị lãng quên ngay cả khi phải đối mặt với dịch bệnh. Chúng tôi nhấn mạnh rằng cần phải tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thiết yếu cho phụ nữ mà không để bị gián đoạn, đảm bảo phát hiện và quản lý được các rủi ro và biến chứng thai sản không chậm trễ vì sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Không một người phụ nữ nào phải chết khi sinh con!

 

Kính thưa toàn thể quý vị, 

 

Trong chuyến công tác gần đây của tôi đến Lai Châu vào tháng 4 năm 2021, một trong sáu tỉnh tham gia dự án này, tôi đã chứng kiến những trường hợp đặc biệt dễ bị tổn thương ở các cộng đồng dân tộc thiểu số liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục. Người dân tộc thiểu số thường sinh sống ở những vùng núi xa xôi, cách xa các cơ sở y tế, thiếu nhân viên y tế có kỹ năng, đặc biệt là những người thông thạo ngôn ngữ địa phương, hiểu biết về các bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau, cũng như các thiết bị và vật tư y tế cần thiết vẫn còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, UNFPA Việt Nam đánh giá cao quyết định tài trợ của MSD for Mothers và MSD Việt Nam cho các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong à mẹ tại 6 tỉnh dân tộc thiểu số là Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu ở khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, và Gia Lai, Đắc Nông và Kon Tum ở khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi sẽ chú trọng những nhu cầu đặc biệt của các nhóm dân số mục tiêu và cân nhắc đến văn hóa và truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

 

UNFPA sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Sở Y tế tại sáu tỉnh và các tổ chức xã hội dân sự trong nước để thực hiện dự án một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương.

Việc ký kết khởi động Dự án ngày hôm nay thể hiện cam kết của UNFPA trong việc tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng để ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ, góp phần vào nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

 

Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm và tham dự sự kiện ngày hôm nay!