Bạn đang ở đây

HÀ NỘI, ngày 18 tháng 11 năm 2014 - Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Cần thiết phải có hành động toàn cầu để giải quyết vấn đề này.

Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58 phần trăm phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50 phần trăm nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87 phần trăm nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên Hợp Quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5 phần trăm GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.

Việt Nam đã có khung pháp luật chặt chẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, cũng như các văn kiện, pháp luật giúp hướng dẫn việc thực thi các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa thực thi pháp luật và mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao hiệu quả thực hiện luật pháp nói chung và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) do Liên Hợp quốc phát động, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam và các bộ ngành có liên quan khác phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các đối tác phát triển khác khởi động Chiến dịch quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của nam giới và kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo khởi động Chiến dịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ Việt Nam về công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nêu rõ “Chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 2014 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội quốc tế và trong nước để cùng chung tay, cùng hành động góp phần xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình”.

Tại Hội thảo khởi động chiến dịch, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói: “Nếu chúng ta muốn chấm dứt bạo lực, xung đột và chiến tranh, nếu chúng ta muốn xây dựng mối quan hệ đầy ý nghĩa, chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về nam giới và nam tính, chúng ta cần phải đưa trẻ em trai và trẻ em gái tham gia vào các hoạt động xã hội theo những cách khác nhau, chúng ta cần phải xem xét lại quan niệm về thế nào là nam giới, thế nào là nữ giới; Chúng ta cần phải xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa trẻ em trai/ đàn ông với trẻ em gái/phụ nữ! Nam giới và phụ nữ phải cùng nhau đi đầu trong phong trào bình đẳng giới cũng như phòng chống bạo lực".

Một chuỗi các sự kiện với nhiều hình thức như hội thảo, triển lãm, diễu hành, chạy việt dã, flashmob... sẽ được tổ chức từ ngày 18 tháng 11 đến 16 tháng 12 tại 12 tỉnh, thành, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đăk lăk, Long An, Đồng Nai, Bến Tre và Cần Thơ. Các sự kiện trong chiến dịch cũng sẽ được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Thông tin chi tiết về các sự kiện, địa điểm, thời gian, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức, xin mời quý vị xem trong tờ Thông tin về các hoạt động trong chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bây giờ là lúc chúng ta cần phải hành động nhằm xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hãy để khẩu hiệu: "Đừng vung tay, hãy cầm tay!" là phương châm hành động của đàn ông và trẻ em trai Việt Nam vì một xã hội không bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.