Bạn đang ở đây

Sáng nay 22/10/2020, đại diện từ Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), và Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã có chuyến thăm quan Ngôi nhà Ánh Dương, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh. Đại diện phái đoàn từ Hà Nội gồm có: Ông Lê Khánh Lương, Phó Vụ Trưởng Phụ trách Vụ Bình Đẳng Giới, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội; Bà Naomi Takihara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam.


Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA và Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện, Bạo lực trên cơ sở giới (Bạo lực giới) vẫn xảy ra hàng ngày ở các quốc gia trong đó có Việt Nam, đây vẫn được xem là một trong những vấn đề vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Theo ước tính cứ 3 phụ nữ trên thế giới, có 1 người đã từng bị bao lực trong đời. Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hiện nay, vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

Theo số liệu thống kê tỉnh Quảng Ninh, 555 vụ bạo lực trên cơ sở giới đã được ghi nhận trên toàn tỉnh trong 3 năm từ 2016 đến 2018, trong đó nạn nhân nữ chiếm 81%. Cụ thể, số ca bạo lực tinh thần chiếm 65,2%, bạo lực thân thể chiếm 29%; bạo lực tình dục chiếm 2,3% và bạo lực kinh tế chiếm 9,5%. Phần lớn nạn nhân 76,3% là người trong độ tuổi 16-59 tuổi.

Trong các thời điểm khủng hoảng như thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực cao hơn, bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình leo thang. Bên cạnh đó, các dạng bạo lực giới khác như bị bóc lột và lạm dụng tình dục trong các tình huống này cũng có thể lan rộng. Tại một số quốc gia, số lượng phụ nữ gọi đến đường dây nóng tìm kiếm sự giúp đỡ đã tăng gấp đôi trong thời kỳ khủng hoảng này. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chọ nạn nhân bị bạo lực giới đã ghi nhận sự gia tăng về số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp trong thời gian qua.


Cán bộ Ngôi nhà Ánh Dương đang giới thiệu về ngôi nhà tới các đại biểu

Ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam cho biết: “ Chúng tôi tin rằng mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền sống trong môi trường không có bạo lực trên cơ sở giới. Các hoạt động của dự án, bao gồm xây dựng mô hình dịch vụ liên ngành một đầu mối sẽ mang lại sự hỗ trợ hiệu quả, chuyên nghiệp, mang tính nhạy cảm giới và được điều chỉnh phù hợp cho các nạn nhân bị bạo lực giới.”

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA phát biểu “UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt nam và các đối tác khác nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và đạt được bình đẳng giới tại Việt Nam. Tôi kêu gọi tất cả mọi người cùng góp sức trong nỗ lực đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái có thể sống cuộc sống không có bạo lực; có tiếp cận bình đẳng về cơ hội và nguồn lực; tham gia vào các vị trí lãnh đạo và cùng tham gia vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Cùng nhau, chúng ta có thể thúc đẩy nỗ lực hướng đến một thế giới, nơi nam giới và phụ nữ, bé trai và bé gái đều được sống hạnh phúc với phẩm giá của mình”.

Ngôi nhà Ánh Dương do Sở Lao động -Thương Binh và Xã hội quản lý, dưới sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của UNFPA và KOICA. Tổng đài Đường dây nóng miễn phí 1800 1769 được sử dụng để tiếp nhận thông tin, báo cáo các ca bạo lực giới để có biện pháp ứng phó kịp thời và cung cấp tư vấn qua điện thoại trong các vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới.