Bạn đang ở đây

Bài viết nhân Ngày Dân số Thế giới 11 – 7 – 2021

Người viết: bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA tại Việt Nam

 

Đại dịch COVID-19 dai dẳng đã làm lộ ra những yếu điểm của các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu, chỉ rõ những khoảng trống và thách thức trong việc cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS&SKTD). Việc giảm phân bổ nguồn lực cho những dịch vụ này đang ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái. Vào thời điểm mang tính quyết định này, UNFPA đã chọn chủ đề cho ngày Dân số Thế giới 11/7 là “Quyền và lựa chọn là câu trả lời: Dù là bùng nổ hay giảm sút tỷ lệ sinh, giải pháp nằm ở việc ưu tiên sức khỏe sinh sản và quyền cho tất cả mọi người”.          

Trong khi tác động của COVID-19 đối với tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh được thống kê tương đối kĩ càng, tác động của đại dịch đối với xu hướng, hình thức và lựa chọn sinh sản vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 9/7, có 26.010 trường hợp nhiễm bệnh và 110 ca tử vong được ghi nhận tại Việt Nam. Mặc dù nhìn chung, Việt Nam nổi lên là một quốc gia khá thành công trong việc ngăn chặn vi-rút lây lan, nhưng cũng không tránh khỏi đối mặt với những hệ quả kinh tế-xã hội tiêu cực từ đại dịch như bao quốc gia khác trên thế giới. Và khi đề cập tới mức sinh, chúng ta chỉ có thể nhận thấy được tác động của đại dịch trong những tháng tới. Với vai trò là cơ quan đầu ngành của Liên Hợp Quốc chuyên phân tích biến động dân số, UNFPA nhấn mạnh 5  yếu tố mà đại dịch có thể tác động tới mức sinh: tỷ lệ tử vong cao, khả năng tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hạn chế, gia tăng gánh nặng việc nhà đối với phụ nữ, suy thoái và bất ổn kinh tế, và các ca sinh nở ít được nhân viên y tế có chuyên môn chăm sóc hơn.

Đầu tiên, về tỷ lệ tử vong cao, chúng ta cần nhớ lại thời kỳ 1918-1919, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha  hoành hành dữ dội nhất, hiện tượng sinh thấp đã xảy ra sau khi tỷ lệ tử vong đạt đỉnh tại nhiều quốc gia, một phần do tình trạng SKSS&SKTD của phụ nữ bị ảnh hưởng, bao gồm cả việc phụ nữ không đủ sức khỏe sinh con. . Một nghiên cứu mô phỏng do UNFPA Việt Nam thực hiện năm 2020 chỉ ra khả năng tỷ lệ tử vong mẹ tăng từ 44% tới 65% do hệ quả tiêu cực của COVID-19, tức sẽ có thêm 298 tới 443 bà mẹ tử vong trong một năm nếu không có các can thiệp tức thì và được kiểm soát tốt. Nếu không, những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua về giảm tử vong mẹ sẽ bị đảo lộn.

Thứ hai, vật tư và dịch vụ KHHGĐ thường bị gián đoạn trong suốt đại dịch, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong bối cảnh mà các hạn chế ở phía cung và cầu ngăn chặn khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ, số trường hợp mang thai ngoài ý muốn có nguy cơ cao sẽ gia tăng. Ở cấp độ toàn cầu, UNFPA dự báo có tới 47 triệu phụ nữ ở 114 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không thể áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nếu tình trạng phong tỏa kéo dài 6 tháng, kéo theo sự ngưng trệ cung ứng dịch vụ do COVID-19, mà hệ lụy của nó là tạo ra 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Việt Nam ước tính trong quý I năm 2020, COVID-19 đã làm giảm việc áp dụng các biện pháp KHHGĐ lâm sàng xuống 20% và phi lâm sàng xuống 10% ở những khu vực khó khăn nhất.

Thứ ba, trong khi các biện pháp phong tỏa và đóng cửa trường học được áp dụng, học sinh học tập tại nhà, khiến phụ huynh phải đối mặt với khối lượng việc nhà và chăm sóc con cái lớn hơn. Gánh nặng việc nhà này càng trở nên trầm trọng hơn do sự sụt giảm của các dịch vụ chăm sóc trẻ em chính thức và không chính thức. Khi COVID-19 gia tăng gánh nặng việc nhà lên vai người phụ nữ, ngay cả trong bối cảnh tiếp cận KHHGĐ không bị gián đoạn, các cá nhân và các cặp vợ chồng có thể lựa chọn trì hoãn việc có con ít nhất là trong khoảng thời gian ngắn hạn trước mắt.

Thứ tư, mối quan hệ giữa nền kinh tế của đất nước với mức sinh là một lĩnh vực đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Suy thoái và bất ổn kinh tế có thể khiến các cặp vợ chồng và các cá nhân trì hoãn việc có con ít nhất là trong ngắn hạn, và cũng có thể trở thành trở ngại đối với các lựa chọn sinh đẻ, khiến các cặp vợ chồng khó có thể thực hiện về số con tối ưu mà họ mong đợi.

Và cuối cùng, đại dịch COVID-19 có thể ngăn cản phụ nữ có thai sinh con với sự trợ giúp từ các nhân viên y tế có trình độ. Đồng thời, lo sợ về đại dịch có thể khiến phụ nữ không sử dụng các dịch vụ khám thai định kỳ, do đó khó xác định sớm các rủi ro và bệnh tật trong thai kỳ. Sinh con không có sự trợ giúp của nhân viên y tế có tay nghề khiến phụ nữ đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới kết quả sinh sản.

Năm 1994, tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tại Cairo, 179 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã cam kết bảo đảm SKSS&KSTD như một trụ cột chính của phát triển bền vững. Các nguyên tắc của ICPD nhấn mạnh: “mọi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền cơ bản được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh, và nhận được đầy đủ thông tin, giáo dục cũng như phương tiện để có thể thực hiện được quyền đó (Chương trình hành động ICPD, đoạn 7.3).” Với vai trò hỗ trợ các nước thực hiện ICPD, UNFPA khẳng định lại các nguyên tắc này của ICPD và khuyến nghị tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bảo vệ những thành quả đã đạt được trong việc mở rộng và tăng cường SKSS&SKTD và quyền của mọi người.

Giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 là ưu tiên SKSS&SKTD và quyền thông qua việc đảm bảo cung cấp thường xuyên các thông tin và dịch vụ quan trọng cho tất cả mọi người ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng hay phong tỏa; đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ đang mang thai không bị gián đoạn; và đầu tư nguồn lực tài chính và nhân lực để đạt được tất cả những mục tiêu này.

Trong khi Việt Nam nỗ lực phục hồi sau các tác động của đại dịch, như Tổng thư ký LHQ đã mô tả là cuộc khủng khoảng toàn cầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng ta không thể bỏ lại phía sau tài sản quý giá nhất của quốc gia là phụ nữ và trẻ em gái. Khôi phục và đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trong Thập kỷ Hành động này hướng tới đích đến vào năm 2030 bao gồm việc hiện thực hóa các cam kết của ICPD về quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người, trong đó lấy phụ nữ và trẻ em gái là trọng tâm.