Bạn đang ở đây

Bài bình luận của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

Vừa nhận nhiệm vụ Trưởng đại diện mới của UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam, khi nghiên cứu các bộ số liệu thống kê để hiểu thêm về đất nước tuyệt vời này, một vấn đề bất thường đập vào mắt tôi - Việt Nam có nhiều bé trai hơn bé gái, vượt ra ngoài phạm vi được coi là tự nhiên về mặt sinh học và nhân khẩu học.

Trong nhân khẩu học, chúng tôi tính toán tỷ số giới tính khi sinh là số trai trên 100 bé gái. Tại Việt Nam, con số này hiện được ước tính là 114,8 (năm 2018), trong khi mức tự nhiên là từ 102 đến 106. Đây là sự gia tăng đáng kể từ mức 107-108 trong giai đoạn 2000-2005 và 111-112 trong giai đoạn 2010-2015. Đáng chú ý là tsố này đã cao ở ngay lần sinh con đầu tiên và đến lần sinh thứ ba thì đã lên đến 115,5-120 căn cứ theo số liệu năm 2014. Và còn gì nữa? Trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước thì có tới 4 vùng có tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Mặc dù vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ số này thấp hơn ở khu vực thành thị, nhưng lại rất khác nhau giữa các tỉnh. Cá biệt tại 3 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ số này đã đạt mức cao kỷ lục 125 vào năm 2016.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học như vậy là do việc lựa chọn giới tính thai nhi. Tại nhiều diễn đàn quốc tế, gần đây nhất là Cuộc gặp thượng đỉnh Nairobi năm 2019 về chủ đề 25 năm thực hiện các cam kết của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD25) mà Việt Nam là nước tham dự, lựa chọn giới tinh thai nhi được coi là một trong những thực hành có hại. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ ràng vấn nạn này này và đã xây dựng các cơ chế chính sách và pháp lý khác nhau để ứng phó. Luật Bình đẳng giới quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác làm như vậy vi phạm pháp luật. Pháp lệnh dân số năm 2003 và Nghị định số 104/2003/ND-CP đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 176/2013 / ND-CP thậm chí còn đưa ra các quy định chi tiết về các hình phạt cho việc lựa chọn giới tính khi sinh.

Vậy chuyện gì đang xảy ra? Tôi được giải thích rằng nguyên nhân sâu xa chính là sự ưa thích con trai, bắt nguồn từ văn hóa truyền thống và hệ thống gia đình gia trưởng cũng như các chuẩn mực xã hội coi trọng con trai hơn con gái. Khuynh hướng này có không chỉ hiện hữu ở Việt Nam mà còn ở nhiều xã hội gia trưởng khác trên thế giới. Và tôi cũng được biết thường thì chỉ có con trai mới “có quyền” thừa kế dòng họ, chứ không phải con gái, mặc dù Hiến pháp và Bộ luật Dân sự năm 2015 đảm bảo rõ ràng quyền thừa kế của phụ nữ.

Vậy tại sao con gái sinh ra ở Việt Nam ít hơn con trai? Chẳng phải con gái cũng là một báu vật và niềm vui cho gia đình Việt Nam sao?