Bạn đang ở đây

Hà Nội, 23 tháng 9 năm 2013 - Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo gia đình và xã hội: “Tôi tin tưởng rằng Luật Dân số của Việt Nam sẽ được xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học và thích ứng với các cơ hội và thách thức của tình hình dân số mới, cũng như đáp ứng được những mong muốn và khát vọng của người dân Việt Nam về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng”.

Thành tựu và thách thức 
Ông có đánh giá gì đối với công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt qua các kết quả Việt Nam đã đạt được trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số?

Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 và các cuộc điều tra dân số khác cho thấy, ở Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng hướng tới việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Mức sinh đã giảm bền vững và đạt dưới mức sinh thay thế là 1,99 con trên một phụ nữ. Việc giảm tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em cũng rất ấn tượng... Có thể nói, những thành tựu trong công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng sống và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được ở cấp quốc gia cũng còn có sự khác biệt so với tiến bộ ở cấp địa phương. Bất bình đẳng và sự khác biệt đã, đang gia tăng và xuất hiện nhiều hình thức nghèo mới và nhiều nhóm dân số có nguy cơ dễ bị tổn thương hơn. Việc này đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa trong những năm tới.

Theo ông, Việt Nam có những vấn đề gì cần quan tâm trong thời gian tới? 
Việt Nam đang trải qua giai đoạn “dân số vàng” duy nhất trong lịch sử. Chúng ta có lực lượng dân số trẻ dưới 24 tuổi vô cùng đông đảo nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số nhanh và mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số vùng của đất nước. Di cư trong nước cũng đã gia tăng ở mức độ chưa từng có trong hai thập kỷ vừa qua, tác động  rõ rệt tới sự phát triển kinh tế của đất nước.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng, lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào các dịch vụ y tế nói chung, đồng thời củng cố các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Tuy nhiên, một số nhóm dân số nhất định như vị thành niên, thanh niên và người chưa kết hôn, người di cư và người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Hơn nữa, di cư và đô thị hóa là những xu hướng mới, diễn ra rất nhanh chóng. Tất cả những xu hướng nhân khẩu học này đã và sẽ tiếp tục đem tới các cơ hội và thách thức to lớn tới quá trình phát triển.
 

Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam, đặc biệt là từ kinh nghiệm của những quốc gia đã từng xây dựng và ban hành Luật Dân số?
Việt Nam đang xây dựng Luật Dân số dựa trên các bài học và kinh nghiệm từ việc thực hiện Pháp lệnh Dân số cũng như các bài học từ các quốc gia khác về những ảnh hưởng của thời kỳ quá độ dân số, mức sinh thấp và  đáp ứng chính sách. Mặc dù không nhiều quốc gia trên thế giới có luật dân số nhưng cho phép tôi nhân cơ hội này chia sẻ 4 thông điệp chính mà UNFPA và cộng đồng quốc tế đang hướng tới:
 

Trước hết, Luật Dân số cần giúp Việt Nam  giải quyết các vấn đề dân số  trong 20 tới 30 năm nữa – đây là giai đoạn chuyển dịch nhân khẩu học quan trọng. Chính vì vậy, Luật Dân số nên đón đầu và đáp ứng những thách thức này trong quá trình phát triển.
 

Thứ hai, Luật Dân số nên dựa trên các nguyên tắc của Chương trình Hành động ICPD năm 1994 mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chương trình hành động ICPD đã khẳng định rằng: "Tất cả các cặp vợ chồng và các cá nhân có quyền quyết định và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh con. Họ cũng cần phải có thông tin và phương tiện cần thiết giúp họ thực hiện điều đó". Câu nói này nên được đặt làm nền tảng khi xây dựng các chương trình liên quan đến dân số. Do vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có liên quan đảm bảo rằng: Luật Dân số tập trung vào việc nâng cao sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc của phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai;  đảm bảo quyền và sự lựa chọn của các nhóm dân số khác nhau nhằm đạt được chất lượng cuộc sống của toàn bộ dân số; và cần đầu tư vào nhóm dân số trẻ như là một trong những ưu tiên hàng đầu, đồng thời cũng phải quan tâm tới nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi.
 

Thứ ba, Luật Dân số cần đảm bảo rằng tất cả các nhóm dân số, bất kể tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, thu nhập hay vị trí địa lý hoặc dân tộc đều được tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ và thông tin về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình. Chúng ta nên xây dựng Luật Dân số dựa trên quyền con người, tập trung trực tiếp vào việc tiếp cận phổ cập và bình đẳng về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho tất cả các nhóm dân số.
 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Luật Dân số cần tạo nền tảng pháp lý cho việc thể chế hoá công tác lồng ghép biến số dân số vào việc xây dựng chính sách và lập kế hoạch của tất cả các ngành để đảm bảo rằng các nhu cầu của các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương phải được giải quyết ở tất cả các lĩnh vực phát triển.
 

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc sẽ có sự tham gia, hỗ trợ gì trong quá trình xây dựng Luật Dân số ở Việt Nam, thưa ông? 
Là cơ quan đi đầu của Liên Hợp Quốc về dân số và sức khỏe sinh sản, UNFPA rất vui được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách dân số như là một phần cốt yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển cũng như các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. 
Tôi tin tưởng rằng Luật Dân số của Việt Nam sẽ được xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học và thích ứng với các cơ hội và thách thức của tình hình dân số mới, cũng như đáp ứng được những mong muốn và khát vọng của người dân Việt Nam về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng.
 

Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thư  (thực hiện)

Đọc toàn bộ bài phỏng vấn tại đây: Báo gia đình và xã hội