Bạn đang ở đây

Chuyên khảo “Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Xu hướng, sự khác biệt và các nhân tố ảnh hưởng” đã được xây dựng, sử dụng số liệu của cuộc Điều tra dân số và nhà ở 2019 và Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, và một số nguồn khác, là sự tiếp nối những phân tích trước đây về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Kết quả phân tích số liệu cho thấy mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao là 111.5 bé trai trên 100 bé gái , tuy nhiên xu hướng tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh trong giai đoạn trước đây đến nay đã chững lại. Nghiên cứu cũng cho thấy với tỷ số giới tính khi sinh hiện nay, nếu so với mức sinh học tự nhiên (105 trẻ trai trên 100 trẻ gái) thì số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt là 45.900 trẻ, tương đương 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra. Phân tích cũng cho thấy sự khác biệt về tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền và nhóm dân số, mối tương quan của các yếu tố xã hội, kinh tế và nhân khẩu học với sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam. Đặc biệt kết quả phân tích giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về ước muốn thích con trai đã được thể hiện qua các hành vi sinh sản, và sự lan tỏa của thực hành này tới các nhóm dân cư khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mất cân bằng giới tính dân số trong tương lai là không thể tránh khỏi, kể cả trong trường hợp tỷ số giới tính khi sinh khôi phục trở lại mức bình thường trong 15 năm tới. Chuyên khảo cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm ứng phó với vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cũng như tiếp tục giám sát tỷ số này, tiếp tục cung cấp các bằng chứng về các khía cạnh thay đổi xã hội và tác động của nó tới sự ưa thích con trai nhằm xác định các yếu tố liên quan đến lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trong các gia đình ở Việt Nam.