Bạn đang ở đây

Ấn phẩm mới công bố

Bìa của Báo cáo

Tóm tắt khuyến nghị chính sách: các đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới từ góc độ bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại

Ấn phẩm

Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 đã tạo điều kiện cho Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực như gia đình, xã hội và khu vực công. Tuy nhiên, các Báo cáo rà soát 10 năm và 15 năm thi hành Luật đã cho thấy một số hạn chế, trong đó bao gồm việc chưa chú trọng đến vấn đề bạo lực trên cơ sở giới (BLG) và các thực hành có hại. Hiện tại, Luật chưa có định nghĩa rõ ràng về BLG và các thực hành có hại, và cũng chưa có quy định các biện pháp ứng phó của Chính phủ đối với những hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới này.

Bản tóm tắt khuyến nghị chính sách này tổng hợp các vấn đề chính về BLG và các thực hành có hại tại Việt Nam, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các thực hành tốt nhằm định hướng cho việc lập chính sách, luật pháp và chương trình ứng phó với các vấn đề này. Ngoài ra, báo cáo đưa ra những khuyến nghị chính sách quan trọng để Chính phủ Việt Nam xem xét khi tiến hành sửa đổi Luật.
 

Xem đầy đủ

Tổng quan Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia Việt Nam: Những phát hiện chính và một số hàm ý chính sách

Tổng quan Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia Việt Nam: Những phát hiện chính và một số hàm ý chính sách

Tờ thông tin

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” ở Việt Nam đã mang lại cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển của đất nước và có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Để có được bức tranh đầy đủ về các tác động này, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện nghiên cứu và biên soạn báo cáo “Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022” nhằm cung cấp những bằng chứng về tác động của biến đổi cơ cấu tuổi đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Tờ thông tin tóm tắt này sẽ trình bày những phát hiện chính từ báo cáo trên và cung cấp một số gợi ý chính sách có thể áp dụng, phù hợp với điều kiện nền kinh tế và đặc điểm dân số Việt Nam.

Xem đầy đủ

bìa

Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực

Ấn phẩm

Tài liệu Hướng dẫn này là một cột mốc quan trọng hướng tới tăng cường phúc lợi, kết nối, khả năng phục hồi và an toàn của phụ nữ và trẻ em các Quốc gia thành viên ASEAN (AMS). Việc xây dựng Hướng dẫn này nhằm hỗ trợ triển khai Lộ trình ASEAN thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. 

Hướng dẫn này nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, thành viên của lực lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội và các cơ quan liên quan ở các Quốc gia thành viên ASEAN thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng nhằm hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Việc triển khai và thực hiện Hướng dẫn này là ưu tiên hàng đầu của các Quốc gia thành viên ASEAN trong năm 2024. Tiếp nối các  hoạt động hỗ trợ trong xây dựng Hướng dẫn khu vực này, UNFPA, UNICEF và UN Women cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai và thực hiện Hướng dẫn này.

Xem đầy đủ

Nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam

NGHIÊN CỨU VỀ HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ TIÊM CHỦNG HPV TẠI VIỆT NAM

Ấn phẩm

Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và Đại học Victoria và Trung tâm Daffodil, một đơn vị liên doanh giữa Hội đồng Ung thư New South Wales và Đại học Sydney (Úc), UNFPA thực hiện một nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam. Nghiên cứu nhằm tạo ra bằng chứng xác thực để cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương về triển khai tiêm vắc xin HPV cho trẻ em gái vị thành niên và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ.

Báo cáo này trình bày các kịch bản khác nhau về tiêm vắc-xin HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tùy thuộc vào phạm vi và nội dung can thiệp, chương trình sẽ giúp giảm tới 300.000 số ca tử vong tới năm 2100. Chương trình sẽ thu về lợi ích kinh tế gấp khoảng 5- 11 lần so với chi phí và 8-20 lần lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội tích hợp so với chi phí.

Bản báo cáo có cả tiếng Anhtiếng Việt. Bản tóm tắt đồ họa của báo cáo cũng bằng tiếng Anhtiếng Việt.

Xem đầy đủ

Bộ tài liệu tập huấn Hướng dẫn cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực

Bộ tài liệu tập huấn Hướng dẫn cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực

Ấn phẩm

Nhằm đảo bảo phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực có thể tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu có chất lượng và có sự điều phối của các bên liên quan, công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cung cấp dịch vụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, "Bộ tài liệu Hướng dẫn cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực" đã được xây dựng với mong muốn cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản về cung cấp dịch vụ công tác xã hội, y tế, tư pháp, công an, quản lý ca và điều phối liên ngành để hỗ trợ cho người bị bạo lực theo hướng nhạy cảm giới, lấy nạn nhân làm trung tâm, kịp thời và đảm bảo chất lượng. 

Bộ tài liệu gồm 8 cuốn như sau:

1. Tổng quan bộ tài liệu tập huấn Hướng dẫn cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
2. Tài liệu tập huấn kiến thức về giới, bạo lực trên cơ sở giới trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
3. Tài liệu tập huấn cung cấp dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
4. Tài liệu tập huấn cung cấp dịch vụ y tế hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
5. Tài liệu tập huấn cung cấp dịch vụ tư pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
6. Tài liệu tập huấn cung cấp dịch vụ công an hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực
7.Tài liệu hướng dẫn thực hành quản lý trường hợp với người bị bạo lực
8. Tài liệu xây dựng cơ chế điều phối liên ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực

Xem đầy đủ

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ ĐẦU VÀO VÀ XÁC ĐỊNH NHU CẦU CAN THIỆP SỨC KHOẺ BÀ MẸ DÂN TỘC ÍT NGƯỜI

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ ĐẦU VÀO VÀ XÁC ĐỊNH NHU CẦU CAN THIỆP SỨC KHOẺ BÀ MẸ DÂN TỘC ÍT NGƯỜI TẠI 6 TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC VÀ TÂY NGUYÊN

Ấn phẩm

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở cấp độ quốc gia, chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn tồn tại ở các nhóm dân tộc và vùng miền khác nhau. Nhằm giảm hơn nữa tử vong mẹ ở các tỉnh miền núi trong đó có tính đến nhu cầu đặc biệt của người phụ nữ, các yếu tố văn hóa và phong tục đặc thù của đồng bào dân tộc ít người, với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ MSD for Mothers, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế thực hiện dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc ít người tại Việt Nam” tại 60 xã khó khăn của các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông.

Báo cáo này trình bày các kết quả chính của cuộc khảo sát do Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện để thiết lập các chỉ số đầu vào trước khi thực hiện dự án và xác định nhu cầu cụ thể của các can thiệp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ tại các địa bàn trọng điểm của dự án. Các kết quả và khuyến nghị của cuộc khảo sát sẽ được sử dụng để điều chỉnh thiết kế và chiến lược triển khai cũng như để giám sát tiến độ của các can thiệp.

Xem đầy đủ

Người Cao Tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2021

Người Cao Tuổi Việt Nam: Phân tích từ Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2021

Ấn phẩm

Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021 được tiến hành vào ngày 01/4/2021 theo Quyết định số 1903/QĐ-TCTK ngày 30/12/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là cuộc điều tra hàng năm nhằm thu thập thông tin về dân số, một số đặc trưng cơ bản của dân số, tình hình biến động dân số, mức độ sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để từ đó i) làm cơ sở tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu về dân số và kế hoạch hóa gia đình, các chỉ tiêu dân số thuộc sáu danh mục chỉ tiêu thống kê: quốc gia; ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê; ASEAN; phát triển bền vững của Việt Nam; thanh niên, giới; và ii) phục vụ các cấp, các ngành đánh giá tình hình, lập kế hoạch trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình; đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước; đảm bảo tính so sánh quốc tế.

Năm 2021 là năm đầu tiên mà Điều tra này có thêm một phần dành riêng cho khảo sát về người cao tuổi và nhu cầu, thực trạng chăm sóc người cao tuổi. Tiếp theo nghiên cứu về tình hình già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 7/2021, vấn đề sức khỏe và nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi tiếp tục được phân tích sâu nhằm cung cấp những bằng chứng quan trọng về thực trạng đời sống, sức khỏe và nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi để có những khuyến nghị chính sách phù hợp, đáp ứng những thay đổi nhân khẩu học theo hướng già hóa và xây dựng xã hội phát triển bền vững.

Xem đầy đủ

Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2026

Tờ thông tin

Ban Điều hành Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA) đã thông qua văn kiện Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với tổng ngân sách là US$ 26,5 triệu nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030. Chương trình ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới.

Xem đầy đủ

Điều tra các chỉ tiêu SDG về Trẻ em và Phụ nữ Việt Nam 2020-2021: Các kết quả về lĩnh vực sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục

Điều tra các chỉ tiêu SDG về Trẻ em và Phụ nữ Việt Nam 2020-2021: Các kết quả về lĩnh vực sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục

Ấn phẩm

Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê (GSO) phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện. Đây là một phần của Chương trình Khảo sát Cụm nhiều Chỉ số Toàn cầu (MICS) của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Vòng thứ 6, hay MICS6, lần đầu tiên tích hợp các mô-đun được chọn từ Khảo sát Nhân khẩu học và Sức khỏe. Giám sát và hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính do UNICEF cung cấp và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã đóng góp một số hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mở rộng các lĩnh vực được đề cập trong cuộc khảo sát. Cuộc điều tra SDGCW của Việt Nam giai đoạn 2020-2021 đã tạo ra dữ liệu cho 169 chỉ số, trong đó 35 chỉ số là Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) quốc gia, trở thành nguồn dữ liệu quan trọng để theo dõi tiến trình của Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững và các mục tiêu quốc gia.

Các kết quả chính về lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục:  

  1. Chăm sóc trước sinh 
  2. Tránh thai 
  3. Phá thai 
  4. Ung thư cổ tử cung 
  5. HIV & Hành vi tình dục
  6. Báo cáo chính

Xem đầy đủ

Thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam

Ấn phẩm

Kết quả nghiên cứu này được kỳ vọng là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các trung tâm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người cao tuổi và đặc biệt nhằm mục tiêu khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia phát triển và cải thiện chất lượng dịch vụ dành cho người cao tuổi trong thời gian tới. Với mục tiêu này, kết quả rà soát và báo cáo đặt trọng tâm vào những đề xuất mô hình kinh doanh, dịch vụ để giúp tạo định hướng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường tiềm năng với đà gia tăng nhanh.

Xem đầy đủ

Trang