Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Ngày Dân số Thế giới 2018

Share Icon

Sự kiện

Ngày Dân số Thế giới 2018

calendar_today 04 July 2018

location_onHọc viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Số 3 phố Chùa Láng, Hà Nội

Kế hoạch hóa gia đình là quyền con người

Vào ngày 11 tháng 7 năm 2018, UNFPA và Chính phủ Việt Nam sẽ đồng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Hà Nội.

Năm 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 của Hội nghị Quốc tế về Quyền con người tổ chức năm 1968. Tại hội nghị này, lần đầu tiên kế hoạch hóa gia đình được công nhận và khẳng định là một quyền của con người. Tuyên bố Tehran ghi rõ "Cha mẹ có quyền tự do quyết định một cách có trách nhiệm số con và thời điểm sinh con phù hợp cho chính mình”.

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sẽ có bài phát biểu khai mạc tại buổi thảo luận này. Buổi thảo luận sẽ tập trung bàn bạc tiến độ và những thách thức liên quan đến công tác kế hoạch hóa gia đình và vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam và trên phạm vi toàn khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Thành viên ban chủ tọa của cuộc thảo luận bao gồm: 

  • Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế
  • Bà Astrid Bant, trường Đại diện văn phòng UNFPA tại Việt Nam.
  • Bà Ingrid Fitzgerald, Cố vấn kỹ thuật về Giới và Nhân quyền, Văn phòng UNFPA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
  • Bà Neha Chauhan, Cố vấn kỹ thuật cao cấp về Tuyên truyền Vận động và Trách nhiệm giải trình, IPPF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
  • Ông Lê Hoàng Minh Sơn, đại diện thanh niên Việt Nam.

Kế hoạch hóa gia đình: chìa khóa cho phát triển bền vững

Cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm công tác tư vấn và các phương tiện tránh thai chính là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Công tác này sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp trong việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người mẹ đồng thời góp phần đảm bảo rằng mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia có thể tự tạo ra những lợi ích tốt nhất cho chính mình.

Khi bản thân người phụ nữ có thể tự quyết định các vấn đề về kế hoạch hóa gia đình, họ có thể tự đưa ra các quyết định tốt hơn cho cuộc sống của chính mình. Họ có thể tham gia và hoàn thành các bậc học cao hơn, có thể tìm và giữ được các công việc tốt hơn, có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình, cho quốc gia và góp phần tạo nên sự thịnh vượng trên toàn cầu. Khi phụ nữ độc lập hơn về mặt tài chính, con cái của họ sẽ có điều kiện học hành tốt hơn và những lơi ích sẽ tiếp tục kéo dài đối với nhiều thế hệ sau này.

Trong vòng 20 năm qua, khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã chứng kiến rất nhiều thành tựu ấn tượng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục. Có được những thành tựu này một phần là nhờ tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng cao và những cải cách trong công tác cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục. Tuy nhiên, hiện nay hơn 140 triệu phụ nữ tại khu vực này còn chưa được đáp ứng các nhu cầu về Kế hoạch hóa gia đình, trong đó tính riêng ở khu vực Nam Á lên tới hơn 70 triệu người.

Liệu chúng ta có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới vào năm 2030 hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc chúng ta thực hiện các quyền và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho phụ nữ, thanh niên và vị thành niên  như thế  nào. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình cho họ chính là sự đầu tư thích hợp nhất với hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất mà các quốc gia nên cân nhắc thực hiện.

WPD2018_1

Kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Tổng tỷ suất sinh đã giảm từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2,09 vào năm 2006. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% năm 1988 lên 67% vào năm 2016. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016.

Tuy nhiên, nhu cầu chưa được đáp ứng đối với các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao với 30%.  Con số này cho thấy những khoảng trống hiện đang tồn tại trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc Sức  khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, và những bất cập trong các chính sách và chương trình giáo dục giới tính trong một quãng thời gian dài.

Thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm xóa bỏ những khoảng trống nói trên để có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa. Chính điều này sẽ giúp chúng ta phát huy được hết tiềm năng của họ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế xã hội lâu dài.

UNFPA cam kết sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ các chính phủ và nhân dân khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể được tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục.