Bạn đang ở đây

Tổng quan

Trong bốn thập kỷ qua, cơ cấu dân số của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2039. Thời kỳ này mở ra cho Việt Nam cơ hội phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt khi Việt Nam có đông dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến64 tuổi), cao gấp đôi so với nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 và từ 65 tuổi trở lên). Thời kỳ dân số vàng cho phép Việt Nam khai thác “lợi tức dân số” nếu có các chính sách phù hợp về phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản (SKTD&SKSS). Đồng thời, Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số. Quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng do tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ trung bình từ lúc sinh tăng và quá trình chuyển đổi từ “già hóa” dân số sang dân số “già” sẽ diễn ra chỉ trong vòng 20 năm nữa.

Số phụ nữ từ 15-49 tuổi cũng sẽ tiếp tục tăng trong 15 năm nữa trước khi giảm dần, đồng nghĩa với nhu cầu về dịch vụ SKTD&SKSS có chất lượng ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) nghiêm trọng từ năm 2004 với tỷ lệ sinh bé trai cao hơn đáng kể so với tỷ lệ sinh bé gái (111,5 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2019). Khi so sánh với TSGTKS tự nhiên, thực trạng ở Việt Nam cho thấy mức thiếu hụt trẻ em gái mỗi năm là 45.900 trẻ. Tình trạng mất cân bằng TSGTKS ở Việt Nam sẽ có tác động lâu dài đến cơ cấu dân số của đất nước, trong đó tình trạng số bé trai được sinh ra nhiều hơn mức tự nhiên dần dẫn đến dư thừa trẻ em trai và nam giới trưởng thành hay thiếu hụt nữ giới trưởng thành. Điều này có thể gây ra các hệ lụy kinh tế, văn hóa và xã hội trầm trọng, bao gồm phân biệt đối xử trên cơ sở giới, đòi hỏi phải có thêm các nghiên cứu và chính sách ứng phó. 

Cơ cấu dân số thay đổi do tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong thay đổi, đặc biệt là trong 30 năm qua với tổng tỷ suất sinh giảm gần một nửa và duy trì ở mức sinh thay thế. Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh vẫn còn khác biệt giữa các vùng miền, địa phương và nhóm dân số. Đối diện với tình trạng này, chính sách dân số của Chính phủ đã chuyển từ dân số và kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. 

Cơ cấu dân số thay đổi nhanh chóng cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu và dự báo dân số trong việc xây dựng chính sách, chiến lược và kế hoạch kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp ngành, đồng thời có thể tính đến nhu cầu của các nhóm dân số khác nhau một cách chính xác, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

 

UNFPA tại Việt Nam

Chúng tôi tập trung hỗ trợ xây dựng, phổ biến và sử dụng dữ liệu để xây dựng và triển khai các chiến lược, chính sách, chương trình phát triển và giám sát việc thực hiện SDG. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ những sáng kiến về dữ liệu, bao gồm sử dụng các công nghệ và nền tảng truyền thông mới để tăng tốc độ thu thập và xử lý dữ liệu cũng như giảm thiểu sai sót chủ quan. UNFPA nỗ lực cải thiện chất lượng dữ liệu dân số thông qua tổng điều tra dân số và các điều tra khác, đồng thời củng cố dữ liệu hành chính cấp quốc gia và cấp ngành, bao gồm hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch. 

UNFPA hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể sau: 

  • Nâng cao năng lực của các nhà sản xuất số liệu để thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu đã phân tách về vấn đề dân số, SKTD&SKSS nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng lợi tức dân số; 
  • Trang bị cho các nhà hoạch định chính sách kiến ​​thức và kỹ năng ứng dụng nguồn dữ liệu mới; 
  • Khai thác các nguồn dữ liệu mới (các cuộc điều tra mới, dữ liệu lớn, dữ liệu hành chính của ngành và liên ngành), truyền thông và quản lý dữ liệu (ví dụ các trang dữ liệu dashboard, các kho dữ liệu) để hỗ trợ xây dựng chính sách dân số dựa trên bằng chứng, đồng thời có thể được sử dụng trong các hoạt động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu; và 
  • Tăng cường năng lực của các cơ quan trong việc sử dụng dữ liệu để hỗ trợ các công tác truyền thông và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng;
  • Cung cấp bằng chứng hiệu quả đầu tư cho SKTD&SKSS, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho SKTD&SKSS.