Bình luận của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhân ngày Dân số Thế giới 2020
Tác giả: Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành UNFPA toàn cầu và Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng to lớn tới cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới do hậu quả của việc phong tỏa ở các quốc gia và sức ép lên hệ thống y tế khi phải tập trung đối phó với dịch bệnh khiến cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục không còn được chú trọng. Khi dịch bệnh hoành hành, số lượng phụ nữ không thể tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, phải đối mặt với việc mang thai ngoài ý muốn, bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác có thể sẽ tăng vọt trong thời gian tới đây.
Nghiên cứu gần đây của UNFPA, cơ quan Liên hợp quốc về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đã cảnh báo nếu lệnh hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài trong ít nhất 6 tháng tới cùng với sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế, 47 triệu phụ nữ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ thiếu các biện pháp tránh thai hiện đại, dẫn đến 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Sự gián đoạn trong việc thực hiện các chương trình và dự án của UNFPA có thể dẫn đến hậu quả là 2 triệu phụ nữ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục và 13 triệu trường hợp kết hôn sớm mà lẽ ra điều này có thể ngăn chặn được vào năm 2030.
Nếu các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục được áp dụng 6 tháng tiếp theo thì ước tính sẽ có thêm 31 triệu trường hợp bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều phụ nữ đang bị mắc kẹt trong nhà cùng với những kẻ xâm hại, khi căng thẳng gia đình gia tăng, trong khi các hoạt động ngăn ngừa và bảo vệ cũng như các dịch vụ chăm sóc xã hội lại suy giảm. Tại Việt Nam, số liệu từ các đường dây nóng do UNFPA hỗ trợ cho thấy các cuộc điện thoại liên quan đến bạo lực giới đã tăng 20%.
Đây mới chỉ là bức tranh hiện tại, còn tương lai mà chúng ta gọi là “bóng đen của đại dịch” có thể sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều. UNFPA dự đoán rằng COVID-19 sẽ làm chậm ít nhất 1/3 tiến trình của những nỗ lực toàn cầu trong việc chấm dứt các ca tử vong mẹ mà đáng lẽ ra có thể ngăn ngừa được, cũng như các nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại ảnh hưởng tới cuộc sống phụ nữ và trẻ em gái trong thập kỷ hiện nay. Báo cáo tóm tắt kỹ thuật vừa được UNFPA Việt Nam phát hành, dự đoán nếu không có các can thiệp khẩn cấp ngay bây giờ thì trong năm 2020 Việt Nam có thể sẽ có thêm 300 ca tử vong mẹ theo kịch bản tốt nhất (tăng 44% so với trường hợp không có dịch bệnh), và 677 ca tử vong mẹ trong kịch bản xấu nhất (nghĩa là tăng 65% so với trường hợp không có dịch bệnh) – đây chính là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Điều đó có nghĩa là có thể sẽ có rất nhiều trường hợp tử vong mẹ trong quá trình mang thai và sinh con trong năm 2020. Nếu điều này xảy ra thì sẽ đảo ngược những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ.
Mặc dù sự lây lan của vi-rút corona đã chậm lại tại một số quốc gia phát triển, dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh mẽ tại nhiều quốc gia đang phát triển – trong đó có các quốc gia có hệ thống y tế đã quá tải từ trước đại dịch và các quốc gia đang trải qua những cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài.
Nhân viên UNFPA trên toàn thế giới đang làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, cũng như bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế then chốt, bao gồm hộ sinh. Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới, vận động đưa gói dịch vụ thiết yếu giải quyết bạo lực trên cơ sở giới thông qua các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với COVID-19, và sẵn sàng cung ứng các biện pháp tránh thai hiện đại trên diện rộng giúp tránh phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể đơn phương thực hiện công việc này. UNFPA kêu gọi các chính phủ và đối tác ưu tiên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục dành cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như đáp ứng khẩn cấp nhu cầu của nhóm dân số này, đặc biệt là trong các tình huống nhân đạo.
Trong năm đầu tiên của Thập kỷ Hành động nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, chúng ta không được phép để vi-rút corona tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, trong đó có bất bình đẳng giới. Hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo không chỉ là hành động đúng đắn mà còn là một hành động sáng suốt. Thất bại trong công tác ứng phó có thể dẫn đến tổn thất rất nhiều sinh mạng và dẫn tới khả năng tái phát dịch COVID-19 tại các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Mang thai và sinh nở vẫn sẽ tiếp diễn trong bối cảnh dịch bệnh. Việc thực hiện quyền con người cũng vậy. Ngày Dân số Thế giới chính là thời điểm để chúng ta tái khẳng định và hành động dựa trên các giải pháp chung nhằm bảo đảm sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cũng như quyền cho tất cả mọi người.