Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2015 - “Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa. Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, đã đến lúc Việt Nam cần phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển”, đây là nhận định của các chuyên gia tại đối thoại “Tác động của các vấn đề dân số đến phát triển bền vững ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (UBTWMTTQ) và UNFPA đồng tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/6/2015.
Phát biểu khai mạc của ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam nói: “Các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn ở địa phương, cơ sở về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và các thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách về dân số và phát triển; tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của xã hội về thực hiện lồng ghép các biến dân số vào phát triển; nêu ý kiến đề xuất, kiến nghị trong việc xây dựng và thực hiện chính sách dân số với cách tiếp cận mới, từ dân số/KHHGĐ sang dân số và phát triển bền vững”.
Việt Nam đang trải qua những biến đổi nhân khẩu học một cách đáng kể. Số liệu từ các cuộc điều tra dân số quốc gia cho thấy mức sinh đã liên tục giảm và đạt mức dưới mức sinh thay thế trong gần 10 năm qua, kể từ năm 2005. Một đặc điểm nổi bật khác của nhân khẩu học Việt Nam là vấn đề già hóa dân số. Mặc dù Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, quốc gia này đã chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” từ năm 2011, kết quả của việc mức sinh và mức chết đều giảm và tuổi thọ cao hơn. Việt Nam là một trong số các quốc gia già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Sự thay đổi nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam cần phải có một tiếp cận mới về xây dựng chính sách giải quyết các vấn đề dân số, không chỉ kế hoạch gia đình hoặc các khía cạnh sức khỏe. Việt Nam đang ở giai đoạn cần phải xác định các cách thức giúp phát triển bền vững.
Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu: “Chính sách và luật dân số trong thời gian tới cần phản ánh quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản. Điều này có nghĩa là mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con và họ có đủ thông tin và phương tiện để thực hiện quyền này. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Quốc tế về Dân số và Phát triển và các hiến pháp về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết”.
Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo vì nó sẽ giúp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. UNFPA luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và bằng chứng dựa trên các kinh nghiệm quốc tế liên quan tới các chính sách dấn số.
Bà Ritsu Nacken kết luận tại buổi đối thoại: "Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định đúng đắn đối với người dân Việt Nam, quyết định này sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng quyền con người, bao gồm cả các quyền sinh sản và tình dục và quyền được lựa chọn sinh sản".