Go Back Go Back
Go Back Go Back

Đa dạng, Hòa nhập và Không phân biệt đối xử – Nền tảng thiết yếu cho sự tiến bộ

Đa dạng, Hòa nhập và Không phân biệt đối xử – Nền tảng thiết yếu cho sự tiến bộ

Tin tức

Đa dạng, Hòa nhập và Không phân biệt đối xử – Nền tảng thiết yếu cho sự tiến bộ

calendar_today 11 December 2024

Bài viết của Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano de Lasala và Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Matt Jackson
Bài viết của Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano de Lasala và Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Matt Jackson

Giang*, một phụ nữ trẻ vùng dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa, Việt Nam, nhớ lại nỗi sợ khi cô chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bạo lực. Không được học qua chính quy và có ít nguồn tài chính, cô tìm nơi tạm lánh tại một trong những Ngôi nhà Ánh Dương do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc hỗ trợ dành cho những người phụ nữ cần tìm nơi để tránh xa bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới. Ở đây, cô không chỉ tìm thấy một nơi an toàn để trú thân mà còn tìm thấy hy vọng. Giang đã có thể xây dựng lại cuộc sống của mình thông qua hỗ trợ tư vấn và đào tạo nghề. Giờ đây, Giang có một xưởng may nhỏ và trở thành ‘người cố vấn’ cho những phụ nữ khác phải trải qua những điều kinh khủng như cô đã từng.

Câu chuyện của Giang là minh chứng cho sức mạnh chuyển đổi của các biện pháp can thiệp toàn diện, lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Câu chuyện ấy cũng nhắc nhở cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng phụ nữ, trẻ em gái và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có thể tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ để không bị bạo lực và phân biệt đối xử.

Vào ngày 10 tháng 12, khi thế giới kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, chúng ta cần ghi nhớ rằng sự đa dạng, hòa nhập và không phân biệt đối xử không chỉ là lý tưởng mà còn là nền tảng của một xã hội thịnh vượng và hòa hợp. Việt Nam đã tái cam kết với các nguyên tắc này với Liên Hợp Quốc vào đầu năm nay, nhấn mạnh quyết tâm xây dựng các cộng đồng nơi mọi người đều cảm thấy được coi trọng, được bảo vệ và được trao quyền.

Một xã hội tôn vinh sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập biết tận dụng hết tiềm năng của con người trong xã hội, điều ấy chắc chắn sẽ mang đến sự thịnh vượng cho quốc gia. Phụ nữ và trẻ em gái được trao quyền sẽ đóng góp tài năng và quan điểm của mình, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng nên cộng đồng mạnh mẽ. Sự tham gia của tất cả nhóm đối tượng là kim chỉ nam để mang đến một xã hội hòa nhập, bao gồm cả người khuyết tật, cộng đồng LGBTQI+, cộng đồng dễ bị tổn thương và nhóm thiểu số. Điều này đòi hỏi các cam kết về chính sách, sự hưởng ứng của cộng đồng và môi trường an toàn, nơi mọi cá nhân với bất kể xuất thân, đều cảm thấy được tôn trọng và bảo vệ.

Quan trọng nhất, mọi người phải được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Nếu không có những dịch vụ ấy, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sẽ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, khiến họ không thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình.

Thanh Hoa OSSC

Sự hòa nhập là chìa khóa để chấm dứt bạo lực

Ngày Nhân quyền đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chống bạo lực trên cơ sở giới bắt đầu vào ngày 25 tháng 11, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. 16 ngày này là minh chứng của ​​sự đoàn kết, hành động phi thường trên toàn cầu và tại Việt Nam, cũng đúng vào thời điểm Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Những dịp quan trọng này là cơ hội để nâng cao nhận thức và hỗ trợ các ưu tiên của Việt Nam như thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp diễn trong gia đình, trên đường phố và trên không gian mạng. Để chấm dứt bạo lực, cần phải có sự ủng hộ và nỗ lực không ngừng, thay đổi hành vi và chuẩn mực xã hội, nguồn tài trợ bền vững và cũng như sự tham gia từ cấp cơ sở.

Gia đình là cái nôi của sự nuôi dưỡng và tôn trọng, không phải nơi dung thứ cho bạo lực.

Trường học là không gian mà tất cả trẻ em, kể cả những trẻ dễ bị tổn thương nhất, được tự do học tập mà không sợ bị bắt nạt hoặc phân biệt đối xử.

Nơi làm việc cần tôn trọng sự bình đẳng, tạo cơ hội cho tất cả mọi người phát triển.

Các mô hình tiến bộ

UNFPA, cơ quan chuyên trách về sức khỏe sinh sản và tình dục của Liên Hợp Quốc, và Vương quốc Tây Ban Nha cùng cam kết chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, ủng hộ sự hòa nhập và không phân biệt đối xử. UNFPA tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm việc mở thêm hai Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình và An Giang vào đầu năm 2025. Các trung tâm dịch vụ một cửa này cung cấp hỗ trợ quan trọng cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới, cung cấp nơi tạm lánh tích hợp, dịch vụ xã hội, y tế, cảnh sát và pháp lý. Việc các trung tâm hiện có tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã mang đến những tác động tích cực càng cho thấy những cơ sở mới này sẽ mang lại hy vọng và an toàn cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái hơn nữa.

Từ năm 2002 đến năm 2018, ưu tiên hợp tác phát triển của Tây Ban Nha tại Việt Nam là xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Cùng với các cơ quan của Liên hợp quốc, bao gồm UNFPA, Tây Ban Nha đã công bố nghiên cứu đầu tiên về bạo lực gia đình tại Việt Nam, hỗ trợ mở ra những trung tâm và đường dây điện thoại để hỗ trợ người bị bạo lực. Thúc đẩy sự lãnh đạo, các quyền kinh tế, xã hội và lao động của phụ nữ luôn là chìa khóa cho sự tăng trưởng về kinh tế và một xã hội hiện đại.

Tây Ban Nha cũng rất vinh dự khi được chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trên hành trình trở thành một xã hội hòa nhập và không phân biệt đối xử. Cùng với khuôn khổ pháp lý toàn diện và mạnh mẽ để củng cố bình đẳng giới, Luật Chuyển đổi Giới tính năm 2023 nhấn mạnh cam kết của Tây Ban Nha đối với quyền tự quyết và hòa nhập. Bằng cách tập trung vào phẩm giá con người và loại bỏ những thủ tục hành chính ngặt nghèo, luật đã trao quyền cho nhiều cá nhân được sống mà không bị phân biệt đối xử và chịu bạo lực. Điều này minh họa cho sức mạnh của luật pháp khi kết hợp với nhận thức và sự tham gia của công chúng.

Cùng nhau xây dựng một tương lai hòa nhập

Ana Peláez Narváez đến từ Tây Ban Nha mang đến một câu chuyện về sự quyết tâm và thành tựu tiên phong. Sinh ra với khuyết tật thị giác, cô dành cả cuộc đời để phá vỡ rào cản và định nghĩa lại ý nghĩa của sự hòa nhập trên trường quốc tế. Là người phụ nữ mù đầu tiên được bầu vào Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Ana đã tạo nên lịch sử - không chỉ cho bản thân cô mà còn cho nhiều người khuyết tật, những người mà tiếng nói thường không được lắng nghe.

Con đường của cô không hề dễ dàng. Ana đã phải đối mặt với sự đánh giá thấp năng lực của cô, loại trừ cô khỏi các cơ hội. Song, cô vẫn kiên trì đấu tranh cho cả quyền phụ nữ và quyền của người khuyết tật. Ana đã truyền cảm hứng cho nhiều người, rằng hãy xem sự đa dạng là một thế mạnh chứ không phải là thách thức. Khi chúng ta tính đến tất cả mọi người—phụ nữ, người khuyết tật và các nhóm thiểu số khác—chúng ta sẽ mở khóa toàn bộ tiềm năng của xã hội.

Do nguy cơ lạm dụng và quấy rối trên mạng ngày càng gia tăng, chúng ta cũng cần quan tâm đến môi trường kỹ thuật số. Một nghiên cứu toàn cầu gần đây cho thấy gần 57 phần trăm phụ nữ có hình ảnh hoặc video bị lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích trên không gian mạng. Bạo lực giới sử dụng công nghệ đang là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em gái, các thành viên của cộng đồng LGBTQI+, những người bị phân biệt chủng tộc hoặc người khuyết tật.

Khi chúng ta lắng nghe câu chuyện của Giang và Ana, có thể thấy sự đa dạng, hòa nhập và không phân biệt đối xử vẫn là trọng tâm trong chương trình nghị sự phát triển của Việt Nam. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Tây Ban Nha cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ và khu vực xã hội dân sự để hiện thực hóa tầm nhìn này, ủng hộ việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tăng cường trách nhiệm của các nền tảng công nghệ.

Ngày Nhân quyền Quốc tế, chúng ta hãy cùng nhau kỷ niệm những tiến bộ đã đạt được cũng như nhận thức được rằng công việc này đòi hỏi nhiều sự nỗ lực trong tương lai.  Từ việc mở thêm nhiều Ngôi nhà Ánh Dương, thúc đẩy giáo dục hòa nhập và các chính sách tại nơi làm việc, những nỗ lực chung của chúng ta sẽ xây dựng một xã hội mà không ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng nhau, chúng ta có thể mở rộng quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật, tạo ra những không gian an toàn nơi mọi người đều có thể phát triển.

Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà sự đa dạng được tôn vinh, sự hòa nhập là một lẽ dĩ nhiên và sự không phân biệt đối xử là tiêu chuẩn. Bởi mỗi chúng ta đều hưởng lợi và phát triển khi quyền con người được bảo vệ.

*Tên của nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính

Liên hệ truyền thông