Bạn đang ở đây

LIÊN HỢP QUỐC, New York - Trên khắp thế giới, Ngày lễ tình nhân là ngày kỷ niệm tình yêu, sự lãng mạn và tính cam kết – đây có thể là một dịp để đính hôn hoặc kết hôn. Nhưng đối với hàng triệu người, khoảnh khắc lẽ ra phải hạnh phúc này lại không xảy ra như trong truyện cổ tích. Quá nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã kết hôn trước khi họ đủ 18 tuổi - nhiều người buộc phải nghỉ học, bị bạo hành và bị ép làm cha mẹ trước khi họ sẵn sàng về mặt thể chất hoặc tinh thần.

Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm quyền con người và thường xảy ra đối với trẻ em gái dễ bị tổn thương, nghèo khó và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất. Nhưng điều này cũng gây tác hại cho cộng đồng và xã hội thông qua trói buộc các cô dâu trẻ em và gia đình của các em vào một chu kỳ nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ. Nghiên cứu cho thấy việc chấm dứt kết hôn trẻ em – tạo điều kiện cho trẻ em gái hoàn thành chương trình giáo dục, hoãn lại việc làm mẹ, tìm công việc hiệu quả và phát huy hết tiềm năng của mình - có thể tạo ra hàng tỷ đô la thu nhập và năng suất lao động.

Nhân ngày lễ tình nhân, cũng như những năm trước, UNFPA kêu gọi thế giới chấm dứt nạn kết hôn trẻ em. Dưới đây là 7 sự thật về vấn đề này. Nhận thức mạnh mẽ hơn về sự tràn lan của kết hôn trẻ em trên toàn cầu và hậu quả của vấn đề này có thể giúp các nhà lãnh đạo - cũng như bản thân thanh thiếu niên - đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững trong việc chấm dứt thực hành này một cách triệt để.

 

1. Kết hôn trẻ em là vấn đề phổ biến và xảy ra ở mọi nơi trên thế giới

Hơn 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước sinh nhật lần thứ 18 của họ. (Kết hôn trẻ em được định nghĩa là hôn nhân hoặc sống chung như vợ chồng, trong đó một hoặc cả hai người đều dưới 18 tuổi.) Trên thế giới, 19% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 24 đã kết hôn và/hoặc sống chung như vợ chồng trước 18 tuổi. Trong khi kết hôn trẻ em xảy ra phổ biến nhất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, không quốc gia nào là không bị ảnh hưởng.

Không phải tất cả các trường hợp kết hôn trẻ em hoặc sống chung như vợ chồng với trẻ em đều là do quyết định của cha mẹ hoặc người giám hộ - trẻ vị thành niên đưa ra lựa chọn này như một cách để thể hiện tính độc lập, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả nghèo đói hoặc bạo lực gia đình, hoặc vì họ coi đó là cách duy nhất để hoạt động tình dục trong bối cảnh có những hạn chế về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.

Với việc không kết hôn hợp pháp, Gabriela* 16 tuổi sống chung như vợ chồng với người bạn trai 36 tuổi tại Brazil. Cô cho biết “Tôi quyết định sống với anh ấy vì người chồng của mẹ tôi không thích tôi và không chấp nhận tôi ở trong nhà của ông ta”. Mặc dù Gabriela đã xoay sở để tiếp tục đi học, điều này vốn ít xảy ra đối với các cô dâu trẻ em, nhưng cô đã phải có những điều chỉnh khác. Cô cho biết “Anh ấy có chút ghen tuông, vì vậy điều này đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi với gia đình và một số bạn bè”. “Khi còn độc thân, tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Bây giờ, tôi phải tôn trọng người chồng của mình”.

Những người vận đồng, từ các nhà lãnh đạo đức tin ở Zanzibar và các nhà hoạt động vì quyền ở Bắc Macedonia đến các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Mozambique và giáo viên ở Malawi, cũng đang đấu tranh chống lại thực hành này.

 

2. Đã có những tiến bộ - nhưng vẫn chưa đủ

Tin tốt là: Tỷ lệ kết hôn trẻ em trên toàn cầu đang giảm dần. Tình trạng kết hôn trẻ em đã giảm ở hầu hết các khu vực trong 25 năm qua, với một số khu vực có tỷ lệ kết hôn trẻ em cao đã có những tiến bộ nhanh chóng trong thập kỷ qua.

Tin xấu là: Nếu những nỗ lực như vậy không được đẩy nhanh, việc giảm số lượng trẻ em gái kết hôn sẽ không theo kịp tốc độ tăng dân số. Khoảng cách về tỷ lệ kết hôn trẻ em giữa các hộ gia đình giàu nhất và nghèo nhất ngày càng gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các nỗ lực chấm dứt kết hôn trẻ em và gây ra những hậu quả kinh tế trên diện rộng, điều này dự kiến ​​sẽ dẫn đến thêm tổng cộng 13 triệu trường hợp kết hôn trẻ em từ năm 2020 đến năm 2030, nếu đại dịch không xảy ra, sẽ không dẫn đến số lượng tăng thêm này.

Cảnh sát, các dịch vụ bảo vệ trẻ em, bệnh viện hoặc hồ sơ của đường dây trợ giúp cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 đối với nạn kết hôn trẻ em. Ví dụ, tại Bangladesh, số cuộc gọi đến đường dây trợ giúp trẻ em liên quan đến bạo lực tăng gấp 4 lần, với số lượng cuộc gọi báo cáo các trường hợp tảo hôn tăng trong giai đoạn đại dịch từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Vào tháng 4 năm 2020, đường dây trợ giúp đã nhận được 450 cuộc gọi liên quan đến các trường hợp kết hôn trẻ em, trong khi tháng trước đó con số này là 322. Tương tự, các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp trẻ em ở Ấn Độ đã tăng vọt 50%, và các can thiệp của nhân viên công tác xã hội đã ngăn ngừa gần 898 trường hợp kết hôn trẻ em trong giai đoạn đại dịch.

 

3. Kết hôn trẻ em thường gia tăng trong các bối cảnh nhân đạo

Xung đột, di dời, thiên tai và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các tác nhân dẫn đến kết hôn trẻ em thông qua phá hủy sinh kế và hệ thống giáo dục, làm tăng nguy cơ bạo lực tình dục và gây lo ngại cho sự an toàn của trẻ em gái và danh dự gia đình. Nhìn chung, kết hôn trẻ em xảy ra trong tình trạng dễ bị tổn thương cao hơn gần hai lần so với mức trung bình của thế giới.

Hôn nhân trong những bối cảnh này cũng có thể có những sự khác biệt. Ví dụ, những thay đổi trong cấu trúc gia đình và hệ thống hỗ trợ giữa những người tị nạn Syria đã dẫn đến sự lu mờ các chuẩn mực và hạn chế truyền thống khi họ tương tác với các cộng đồng tự do hơn tại nước sở tại. Các gia đình sẵn sàng cho con gái đến trường và cho phép các em đi làm hơn. Những thay đổi như vậy đã dẫn đến những thay đổi trong thực hành hôn nhân truyền thống, chẳng hạn như giảm bớt sự tham gia của ông bà và hôn nhân giữa anh chị em họ được thay thế bằng hôn nhân ngoài huyết thống.

 

4. Về mặt chi phí, việc chấm dứt kết hôn trẻ em là điều có thể thực hiện được một cách đáng ngạc nhiên

Tháng 11 năm 2019, UNFPA đã công bố một nghiên cứu chung với Đại học Johns Hopkins, với sự phối hợp của Đại học Victoria, Đại học Washington và Tổ chức Avenir Health; nghiên cứu đánh giá mức đầu tư để chấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em tại 68 quốc gia, đây là các quốc gia chiếm khoảng 90% các trường hợp kết hôn trẻ em. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc chấm dứt nạn kết hôn trẻ em ở những quốc gia này trong giai đoạn 2020 - 2030 sẽ chỉ tiêu tốn 35 tỷ Đô la Mỹ. Báo cáo đưa ra chi phí để ngăn ngừa một trường hợp kết hôn trẻ em là 600 Đô la Mỹ - tương đương với giá của một số đôi giày thể thao xa xỉ. Khoản đầu tư 35 tỷ Đô la Mỹ - vào các can thiệp giáo dục, các sáng kiến trao quyền, đào tạo kỹ năng sống và các chương trình thay đổi các chuẩn mực xã hội xung quanh vấn đề kết hôn trẻ em - sẽ ngăn ngừa khoảng 58 triệu trường hợp kết hôn trẻ em. Trên hết, trẻ em gái không bị kết hôn sớm có thể “đóng góp hiệu quả hơn cho kinh tế hộ gia đình”, mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng của họ theo thời gian.

 

5. Kết hôn trẻ em bị cấm tại hầu hết mọi nơi trên thế giới

Hai trong số các Hiệp định về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trên thế giới, Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), đều ngăn cấm kết hôn trẻ em. Các hiệp ước này đã được hầu hết các quốc gia ký kết hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, luật quốc gia hoặc luật địa phương cho phép diễn giải khác nhau về nguyên tắc đã được thống nhất này. Ví dụ, nhiều quốc gia cho phép kết hôn trẻ em diễn ra với sự đồng ý của cha mẹ hoặc theo luật tục hoặc tôn giáo. Trên khắp thế giới, nhiều cuộc hôn nhân không được đăng ký hợp pháp. Ngay cả ở những nơi kết hôn trẻ em được coi là bất hợp pháp, việc thực thi vẫn còn lỏng lẻo.

Độ tuổi hợp pháp để kết hôn ở Eritrea là 18 tuổi, nhưng điều đó không đủ để ngăn ngừa các gia đình bất chấp luật pháp. Để tránh kết hôn với một người đàn ông lớn gấp ba lần tuổi cô – người giáo viên tiểu học cũ của cô - Fatma Hamid đã phải chạy trốn, cố gắng học hết trung học và cuối cùng lấy được bằng đại học chuyên ngành sinh học.

Mặc dù Guinea-Bissau đã ký cả Công ước CRC và CEDAW, cũng như Nghị định thư Maputo, trẻ em có thể kết hôn với sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc tòa án. Khi cha mẹ cố gắng gả cô đi lấy chồng khi cô 14 tuổi vào năm 2008, Ana Kabi đã đi bộ hơn 20 km để đến một nhà thờ Tin lành được biết đến như một nơi trú ẩn an toàn cho những cô gái chạy trốn các cuộc hôn nhân ép buộc. Mục sư Abdu Cassamá cho biết: “Lý do kết hôn sớm trong cộng đồng của chúng tôi được các bậc cha mẹ biện minh là có liên quan đến các khía cạnh văn hóa và kinh tế”. “Và do niềm tin của tổ tiên, đôi khi họ sử dụng súng để cố gắng đưa con gái của họ ra khỏi nhà thờ.”

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy thế giới đang đi đúng hướng. Trong ba năm qua, Philippines, Cộng hòa Dominica và sáu bang của Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm thực hành này. Indonesia đã cam kết chấm dứt thực hành này, Quốc hội Mozambique đã thông qua luật cấm thực hành này, Vương Quốc Anh và xứ Wales đã đạt được những bước tiến trong việc nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi.

 

6. Kết hôn trẻ em và mang thai ở tuổi vị thành niên có mối liên hệ chặt chẽ và nguy hại

Kết hôn trẻ em thường là dấu hiệu báo trước việc mang thai sớm. Ở các quốc gia đang phát triển, trẻ em gái đã kết hôn chiếm phần lớn trong các ca sinh ở tuổi vị thành niên. Những lần mang thai sớm này gây ra những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ em gái trong khi cơ thể các em có thể không phát triển đủ để làm mẹ. Trên toàn cầu, các biến chứng do mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 đến 19.

Beatriz Sebastião từ Mozambique mang thai ở tuổi 15. Vì sống xa bệnh viện, vào thời điểm được chăm sóc y tế, cô đã chuyển dạ được ba ngày. Đứa trẻ bị chết lưu, và Sebastião phải chịu vết thương nghiêm trọng khi sinh nở do lỗ rò sản khoa, điều này đã khiến cô bị xã hội xa lánh trong gần sáu năm cho đến khi cô được phẫu thuật tái tạo.

Kết hôn trẻ em cũng gây ra những tổn thương. Kết hôn năm 12 tuổi, Ghada* từ Yemen có con gái đầu lòng ở tuổi 13. Chồng của Ghada muốn có con trai và trừng phạt vợ bằng cách xâm hại cô về thể chất và tinh thần. Người con thứ hai của cô là một bé trai, nhưng khi mang thai lần thứ ba năm 15 tuổi, Ghada cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và cô đã cố tự tử. Nhận được trợ giúp trong một không gian an toàn do UNFPA hỗ trợ, cô đã rời bỏ người chồng và ở tuổi 16, và hiện cô đang xây dựng lại cuộc sống của mình với ba người con.

Mặt khác, mang thai sớm cũng khiến trẻ em gái có nguy cơ phải kết hôn. Trẻ em gái có thể bị ép buộc kết hôn với cha của đứa bé - thậm chí là kẻ hiếp dâm - để gia đình họ không bị kỳ thị liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn hoặc để cố gắng đảm bảo an toàn tài chính cho trẻ em gái và đứa con.

Khi Yensen Nyirenda ở Malawi phát hiện mình mang thai ở tuổi 15, phong tục địa phương quy định rằng cô phải chuyển đến sống với người cha 17 tuổi của đứa bé, người này đã trở nên bạo hành trong vòng vài tháng. Bố  mẹ chồng của cô, đây là những người dùng tiền để lấy cô về làm con dâu, không để cô rời đi. Người mẹ chồng nói: “Trong văn hóa của chúng tôi, việc từ bỏ hôn nhân khi bạn là một cô gái hay một người phụ nữ là một điều ô nhục đối với gia đình và cộng đồng”. “Bạn bị coi như một người bị ruồng bỏ hoặc một người không có đạo đức.” Cuối cùng, Nyirenda đã tìm ra cách để rời đi, và đang đồng thời vừa làm mẹ vừa đi học.

 

7. Trao quyền cho trẻ em gái là yếu tố quan trọng để chấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em

Cần có nhiều thay đổi để chấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em, bao gồm tăng cường và thực thi pháp luật chống lại thực hành này, thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo cam kết của cộng đồng đối với quyền của trẻ em gái.

Tuy nhiên, những người trẻ tuổi cũng phải được trao quyền để hiểu biết và đòi lại quyền của mình. Điều này có nghĩa là họ phải được cung cấp thông tin chính xác về sức khỏe tình dục và sinh sản, cơ hội giáo dục và phát triển kỹ năng, cũng như các nền tảng để tham gia hoạt động cộng đồng và xã hội.

Những thông tin và cơ hội như vậy có thể giúp thay đổi cuộc đời. Với kiến thức, những người trẻ dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ em gái, có thể tự vận động cho bản thân và thậm chí thuyết phục gia đình hủy bỏ hoặc trì hoãn việc đính hôn.

Tại Nepal, gia đình túng quẫn của Bidhya Sahani cần người làm việc nhà nên cô phải nghỉ học năm lớp bảy. Họ cũng đã có kế hoạch cho cô kết hôn. Nhưng chương trình phát thanh về ngăn ngừa tảo hôn, được gọi là Rupantaran (có nghĩa là “chuyển đổi”) đã dạy Sahani về quyền của mình. Cô nói “Tôi quyết tâm tiếp tục đi học.” Cô không chỉ thuyết phục bố mẹ cho mình quay lại trường học, mà “khi phát hiện ra kế hoạch của bố mẹ cho tôi đi kết hôn, tôi đã phản đối và đã ngăn chặn được điều đó”.

Chinara Kojaeva ở Georgia thoát khỏi tình trạng kết hôn trẻ em không phải một lần mà đến hai lần. Cô nói “Lần đầu khi họ muốn tôi kết hôn là khi tôi mới 14 tuổi”. “Khi tôi 17 tuổi, họ gần có được điều họ muốn. Nhưng cuộc sống của tôi không phải do họ quyết định. Tôi thích dành thời gian và thực hiện các bước đi của riêng mình. ”

UNFPA làm việc với các đối tác và cộng đồng trên toàn thế giới để giáo dục và trao quyền cho trẻ em gái, đồng thời nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự nguy hại của kết hôn trẻ em.

Chương trình Toàn cầu Thúc đẩy Hành động Chấm dứt Kết hôn Trẻ em của UNFPA-UNICEF hoạt động ở 12 quốc gia có tỷ lệ kết hôn trẻ em cao. Từ năm 2016 đến 2019, khoảng 7,2 triệu trẻ em gái đã được trao quyền thông qua Chương trình Toàn cầu và hơn 30 triệu người đã được tiếp cận thông qua các thông điệp truyền thông, đối thoại cộng đồng và các biện pháp vận động chính sách khác.

Nhiều trẻ em gái đã trở thành những người vận động cho chính quyền lợi của mình. Một số trẻ em gái đã tìm kiếm - và dành lại - công lý. Ở Madagascar, đất nước mà cứ hai trong số năm trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi (và 13% phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi kết hôn trước 15 tuổi), Narindra Solonjanahary* đã đệ đơn khiếu nại mẹ cô vì đã ép cô kết hôn năm 15 tuổi, và người chồng bạo hành của cô, người này gấp ba lần tuổi cô và đã kết hôn để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính. Ngay từ sớm, Solonjanahary đã bí mật tìm đến các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại một trung tâm thanh thiếu niên để tránh mang thai sớm và biết được rằng việc ép buộc trẻ em gái chưa đủ tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật. Chồng cô bị kết án 10 năm tù; mẹ cô nhận mức án ba năm tù treo. Cô nói: “Mẹ tôi đã cầu xin sự tha thứ và làm cho những bà mẹ khác nhận thức được quyền của trẻ em gái khi phải đối mặt với vấn đề này”. Cô đã trở lại trường học và trở thành một cán bộ giáo dục đồng đẳng tại trung tâm thanh thiếu niên, giúp các trẻ em gái khác thoát khỏi số phận của mình.

Cô bé Ruth* 14 tuổi, ở miền Bắc Uganda, cũng đang nâng cao nhận thức về thực hành có hại trong khuôn khổ câu lạc bộ Trao quyền và Sinh kế cho vị thành niên do UNFPA hỗ trợ dành cho trẻ em gái vị thành niên. Khi cô từ chối yêu cầu của mẹ về việc kết hôn với một người đàn ông 35 tuổi, đổi lại việc người này tặng hai con dê và một khoản tiền, Ruth bị đổi khỏi nhà và cô đã chuyển đến nhà của một người cố vấn trong câu lạc bộ. Ruth cho biết “Ước mơ của tôi là trở thành phi công. Tôi sẽ học hành chăm chỉ”. “Tôi sẽ trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ để chống lại nạn kết hôn trẻ em, hiếp dâm, mang thai ở tuổi vị thành niên và bạo lực trên cơ sở giới”.

* Tên nhân vật đã thay đổi để bảo đảm quyền riêng tư và sự bảo vệ

Bài viết này đã được xuất bản vào ngày 1 tháng 2 năm 2020. Bài viết đang được phát hành lại với thông tin mới và dữ liệu cập nhật.