Kính thưa TS. Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, MTTQ Việt Nam;
Kính thưa các vị khách quý từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trung ương và địa phương, các đại diện đến từ Bộ Y tế;
Kính thưa các đại biểu từ các tỉnh thành; các nhà nghiên cứu trong nước, các đồng nghiệp Liên hợp quốc và đại diện đài báo;
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thay mặt cho UNFPA Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quan trọng ngày hôm nay về mối liên hệ của các vấn đề dân số đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Buổi đối thoại này là cơ hội tuyệt vời cho tất cả chúng ta để thảo luận các vấn đề cơ bản liên quan tới các vấn đề dân số, biến đổi nhân khẩu học và phát triển bền vững, giúp chúng ta xác định định hướng cho chính sách dân số của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhân dịp này, tôi cũng xin được chúc mừng Mặt trận Tổ quốc đã vừa được Quốc hội thông qua Luật mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giờ đây, vai trò của MTTQ trong việc thu thập ý kiến nhân dân về các vấn đề chính sách quan trọng của đất nước đã có được cơ sở pháp luật vững chắc.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Việt Nam đang trải qua những biến đổi nhân khẩu học một cách đáng kể. Số liệu từ các cuộc điều tra dân số quốc gia cho thấy mức sinh đã liên tục giảm và đạt mức dưới mức sinh thay thế trong gần 10 năm qua, kể từ năm 2005. Một đặc điểm nổi bật khác của nhân khẩu học Việt Nam là vấn đề già hóa dân số. Mặc dù Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, quốc gia này đã chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” từ năm 2011, kết quả của việc mức sinh và mức chết đều giảm và tuổi thọ cao hơn. Việt Nam là một trong số các quốc gia già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực.
Sự thay đổi nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam cần phải có cách tiếp cận mới về chính sách dân số, không chỉ dừng lại ở kế hoạch gia đình hoặc các khía cạnh y tế. Việt Nam đang ở giai đoạn cần phải đưa ra quyết định để đạt được phát triển bền vững.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Cho phép tôi được nêu 3 thông điệp chính sau:
Thứ nhất, xu hướng giảm Tổng tỷ suất sinh TFR là rõ ràng và không thể đảo ngược lại cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa. Chính sách kiểm soát này thậm chí sẽ có tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Như đã nói ở trên, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, đã đến lúc Việt Nam cần phải chuyển trọng tâm của chính sách dấn số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển.
Thứ hai, chính sách và luật dân số trong thời gian tới cần phản tôn trọng và bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản. Điều này có nghĩa là mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con và họ phải có đủ thông tin và phương tiện để thực hiện quyền này. Điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển và các công ước về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Thứ ba, người cao tuổi cần được coi là nguồn lực kinh tế quan trọng cho phát triển. Việt Nam cần kiến tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi, áp dụng tuổi nghỉ hưu linh hoạt, và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một cách thức để đảm bảo thu nhập và phúc lợi cho họ. Chúng ta cũng cần phải xem xét các khía cạnh liên quan đến giới vì có nhiều phụ nữ cao tuổi hơn nam giới cao tuổi và nhu cầu của phụ nữ cao tuổi khác với nam giới cao tuổi.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả chính sách dân số cho những năm tiếp theo vì nó sẽ giúp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Tôi muốn đảm bảo với quý vị rằng UNFPA luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp bằng chứng dựa trên các kinh nghiệm quốc tế liên quan tới các chính sách dân số. Chúng tôi cam kết sẽ giúp quý vị đưa ra quyết định đúng đắn cho người dân Việt Nam, quyết định này sẽ giúp người dân Việt Nam được hưởng quyền con người, bao gồm cả các quyền sinh sản và tình dục và quyền được lựa chọn sinh sản.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự tham gia và chú ý của các quý vị đại biểu. Tôi mong rằng buổi thảo luận của chúng ta sẽ diễn ra sôi nổi và hiệu quả. Kính chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.