Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Bjorn Andersson, Giám Đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị Thanh niên, APCRSHR9

Bài phát biểu của Ông Bjorn Andersson, Giám Đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị Thanh niên, APCRSHR9

Tuyên bố

Bài phát biểu của Ông Bjorn Andersson, Giám Đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị Thanh niên, APCRSHR9

calendar_today 27 November 2017

Kính thưa các bạn đồng nghiệp, thưa các quí vị đại biểu.

Tôi rất hân hạnh được thay mặt Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) có mặt tại Hội nghị này cùng với quý vị ngày hôm nay. Cho phép tôi nhân cơ hội này được gửi tới quí vị lời chào của Giám đốc Điều hành mới được bổ nhiệm của UNFPA - Tiến sĩ Natalia Kanem. Bà Natalia Kanem sẽ có mặt tại đây cùng với chúng ta vào cuối tuần này.

Đây thực sự là một niềm vinh dự khi chúng ta được chứng kiến thật nhiều các bạn thanh niên từ rất nhiều các quốc gia trên thế giới đang tham gia và thực hiện các công việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với thanh niên: đó là các công việc liên quan tới chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục và thực hiện các quyền cho thanh niên và vị thành niên.

Cho phép tôi nhân cơ hội này được gửi lời cảm ơn tới Hội Y tế Công cộng Việt nam đã phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị khác tổ chức Hội nghị Thanh niên lần này. Cám ơn các đơn vị tổ chức đã có những nỗ lực nhằm đảm bảo sự tham gia và đóng góp tiếng nói của thanh niên và vị thành niên vào Hội nghị quan trọng này. Chúng ta cần nghe được nhiều ý kiến của thanh niên và vị thanh niên hơn nhằm mục đích tăng cường công tác tuyên truyền vận động tại tất cả các quốc gia trong khu vực đồng thời cần khuyến khích thanh niên và vị thành niên hành động vừa với tư cách là những người đồng hành/đối tác vừa là những người có vai trò lãnh đạo.

Chủ đề của Hội nghị lần này chính là một thông điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng: Không ai bị bỏ lại phía sau! Bình đẳng trong chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục. Chủ đề lần này gắn kết chặt chẽ với những cam kết và tầm nhìn được đưa ra trong Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức năm 1994 – một chương trình được coi là kim chỉ nam cho các hoạt động của Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Chủ đề này cũng hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Cả chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững đều cam kết đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Khái niệm bình đẳng mà tôi muốn đề cập với quý vị có ý nghĩa như sau: đảm bảo rằng những người trước đây bị bỏ lại phía sau sẽ được ưu tiên hàng đầu để họ có thể vững bước tiến lên phía trước trong tương lai.

Thế kỷ 21 mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Nhóm dân số trẻ đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Rất nhiều quốc gia hiện đang sở hữu rất nhiều tiềm năng và cơ hội để gặt hái những lợi tức nhân khẩu học. Trong thời đại kết nối và thời đại của truyền thông xã hội, giới trẻ có thể dễ dàng kết nối với nhau, kết nối với thế giới xung quanh một cách đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây.

Điều này mở ra những cơ hội mới, những chân trời mới mà thế hệ của tôi cho dù sinh sống tại các quốc gia phát triển hay các quốc gia đang phát triển cũng khó có thể hình dung và mơ ước được.

Tuy nhiên, để các quốc gia có thể tận dụng và gặt hái được nhiều lợi tức nhân khẩu học đồng thời để giúp thanh niên và vị thành niên có thể phát huy được hết tiềm năng tuyệt vời của mình, chúng ta cần phải hành động một cách nhanh chóng, cần thực hiện đầu tư một cách chiến lược và tổng thể cho thanh niên và vị thành niên và quan trọng hơn trước tiên chúng ta cần chú trọng đầu tư vào những người hiện đang bị bỏ lại phía sau.

Yêu cầu này đồng nghĩa với việc chúng ta cần thực hiện đầu tư một cách khôn ngoan vào những lĩnh vực quan trọng/trụ cột để mang lại hạnh phúc và sự thịnh vượng cho mỗi người dân. Cụ thể hơn chúng ta cần đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục đồng thời gắn kết với việc tạo ra các cơ hội việc làm nhằm tạo thu nhập cho người dân. Công tác đầu tư này cần được thực hiện ngay từ những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời của một con người.

Tuy nhiên, những đầu tư vào y tế và giáo dục thường có xu hướng giảm khi trẻ em bước sang tuổi vị thành niên và thậm chí có xu hướng giảm nhiều hơn khi vị thành niên bước sang tuổi trưởng thành.

Thiếu sự đầu tư – đặc biệt là đầu tư vào chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục và quyền – trong những giai đoạn quan trọng của cuộc sống đối với thanh niên và vị thành niên sẽ gây ra những tác động tiêu cực trong lĩnh vực y tế và giáo dục; trong các cơ hội việc làm và triển vọng tương lai của thanh niên và vị thành niên; xét ở góc độ tổng thể hơn, việc thiếu đầu tư này sẽ gây các tác động bất lợi tới sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Các bằng chứng từ các quốc gia trong khu vực cho thấy thanh niên và vị thành niên đang bị bỏ lại phía sau, đặc biệt trong những lĩnh vực như chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục và quyền. Lý do khiến họ chưa được quan tâm thường liên quan tới những Luật hoặc quy định mang nặng tính hạn chế/ngăn cấm. Các Luật và quy định này hạn chế thanh niên và vị thành niên tiếp cận với các thông tin và các dịch vụ thiết yếu. Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này thường liên quan tới các chuẩn mực hoặc các phong tục văn hóa-xã hội. Đã tới lúc chúng ta cần xem xét lại và thay đổi lại các chuẩn mực và phong tục này để đảm bảo rằng mỗi người dân và mọi người dân đều sẽ có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Trong phần sau của bài trình bày, tôi sẽ tiếp tục mở rộng những vấn đề vừa đề cập với quý vị. Bây giờ, cho phép tôi trao đổi với quí vị một vài số liệu thống kê mang ý nghĩa rõ ràng tại khu vực Châu á Thái Bình Dương.

Mặc dù chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong y tế và khoa học kỹ thuật trong thế kỷ 21, với những bằng chứng và kiến thức được tích lũy trong nhiều năm qua, chúng ta có thể đưa ra những nhận định sau:

  • Ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, mỗi năm có khoảng 10.000 trẻ em gái vị thành niên tử vong do các biến chứng liên quan tới thai nghén;
  • Hàng năm có 5.2 triệu trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên. Ở một số quốc gia, tỷ lệ trẻ em gái mang thai ở độ tuổi vị thành niên đang gia tăng mặc dù tỷ lệ này đang có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu.
  • Có khoảng 6,3 triệu trẻ em gái vị thành niên hiện có quan hệ tình dục nhưng chưa được đáp ứng các nhu cầu về phương tiện tránh thai. Con số này tương đương với 24% tổng số trẻ em gái vị thành niên đã kết hôn và tương đương với 50% tổng số em gái vị thành niên có quan hệ tình dục nhưng chưa kết hôn;
  • Hiện có 510.000 thanh niên và vị thành niên đang sống chung với HIV. Chỉ tính riêng khu vực  Châu Á Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới hàng năm là 90.000 ca. Rất nhiều người trong số họ thuộc các nhóm quần thể đích như nhóm nam quan hệ tình dục với nam, nhóm dân số thanh niên/vị thành niên chuyển giới, thanh niên và vị thành niên bán dâm hoặc thanh niên/vị thành niên sử dụng ma túy.

Tại sao lại có những vấn đề trầm trọng như vậy? Chúng ta cần hết sức trung thực khi đưa ra những câu hỏi nghi vấn cho chính bản thân mình.

Chẳng hạn, chúng ta cần hỏi xem những chính sách và chương trình hiện nay trong lĩnh vực sức khoẻ sinh sản/sức khoẻ tình dục và quyền cho thanh niên và vị thành niên trên nhiều phương diện đã thực sự mang lại lợi ích cho họ chưa hay là đang tạo nên sự bất lợi cho họ?

Chúng ta đã tiếp cận với những vấn đề gây tác động và ảnh hưởng đến thanh niên và vị thành niên từ góc độ lăng kính của bình đẳng giới thực sự cùng với việc ttrao quyền và nâng cao năng lực cho họ hay chưa?

Liệu chúng ta có đang cho phép chế độ gia trưởng đã tồn tại lâu năm cùng với các cấu trúc văn hoá-xã hội có hại khác gây cản trở tới quá trình và những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được hay không?

Đối với tất cả những câu hỏi quan trọng và phức tạp này, chúng ta cần đưa ra những câu trả lời trực tiếp và trung thực nhất.

Trên thực tế, mỗi trẻ vị thành niên trong số 1,2 tỷ vị thành niên trên toàn thế giới hiện nay đều sẽ phải trải qua giai đoạn dậy thì  - giai đoạn sinh học khởi đầu khi trở thành vị thành niên.

Một số em được chuẩn bị một cách kỹ càng cho giai đoạn này, các em sẽ tiếp tục được theo học các bậc học cao hơn, sẽ được cung cấp các thông tin và kỹ năng cần thiết để có được các hành vi tình dục an toàn và thoải mái. Các em cũng có cơ hội để lựa chọn người bạn đời đồng hành với mình; có thể quyết định thời điểm lập gia đình; có thể có cơ hội tìm kiếm các công việc thỏa đáng đồng thời có thể đóng những vai trò quan trọng tại cộng đồng.

Tuy nhiên có rất nhiều thanh niên và vị thành niên đặc biệt là nữ thanh niên và trẻ em gái vị thành niên hoàn toàn không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một giai đoạn mới đầy thử thách này trong cuộc sống của mình. Các em phải bỏ học từ sớm, không được giáo dục gì về giới tính, phải kết hôn khi độ tuổi còn quá trẻ, thậm chí phải sinh con khi chính bản thân các em còn ở trong tuổi trẻ con.

Sự bất bình đẳng giới cộng với chế độ gia trưởng và các yếu tố văn hóa xã hội có  hại khác khiến cho thế giới của một em gái vị thành niên ngày càng thu nhỏ ngay tại giai đoạn các em ở tuổi dậy thì. Chính những yếu tố này khiến các em phải rời bỏ ghế nhà trường, phải tảo hôn và sinh con sớm và chỉ có những cơ hội hiếm hoi để theo đuổi sự nghiệp và công việc cho mình.

Cũng cần lưu ý rằng những sự kỳ thị và phân biệt đối xử kéo dài đồng nghĩa với việc chúng ta chưa tiếp cận được và chưa thực hiện đầu tư thỏa đáng vào các nhóm dân số trẻ (thanh niên và vị thành niên) bên lề xã hội. Các nhóm dân số này bao gồm thanh niên và vị thành niên sinh sống tại các vùng sâu vùng xa, thanh niên/vị thành niên sinh sống tại các khu ổ chuột tại các khu vực đô thị, vị thành niên khuyết tật, thanh niên/vị thành niên di cư và thanh niên/vị thành niên là con em các dân tộc thiểu số, thanh niên/vị thành niên thuộc các nhóm dân số chủ chốt.

Sự cam kết của chúng ta chưa đủ mạnh và chúng ta chưa thực hiện đầu tư đúng mức nhằm đảm bảo rằng tất cả vị thành niên đặc biệt là các em gái có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của mình.

Xin quí vị lưu ý rằng không phải chúng ta không biết cần phải làm gì. Chúng ta đã xây dựng được các giải pháp và các giải pháp này đã được Ủy ban Lancet về các vấn đề Sức khoẻ và Hạnh phúc cho vị thành niên minh chứng rõ ràng.

Chúng ta hiểu rõ rằng nếu các em gái được tiếp tục đi học, mỗi năm học thêm của các em sẽ giúp giảm tỷ lệ mang thai ở độ tuổi vị thành niên ở mức 9 ca sinh/1.000 trẻ sinh sống.

Bằng việc áp dụng các phương thức tiếp cận đa ngành, chúng ta có thể thấy tình trạng tảo hôn trên toàn cầu hiện đã giảm. Trong giai đoạn này, chúng ta cần tập trung nỗ lực để có thể tiếp cận với các cộng đồng nghèo nhất tại các khu vực nông thôn nhằm mục đích xóa bỏ tình trạng tảo hôn.

Chúng ta đã có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy công tác giáo dục giới tính toàn diện từ bậc tiểu học với trọng tâm là bình đẳng giới sẽ giúp các em trai và các em gái có được các kỹ năng giao tiếp tốt hơn và có sự tôn trọng đối với nhau, sẽ giúp các em tạo lập được sự tự trọng cần thiết đồng thời giúp các em hiểu vấn đề cần tôn trọng sự khác biệt.

Giáo dục giới tính toàn diện sẽ truyền đạt các thông tin quan trọng, xây dựng và củng cố các kỹ năng ra quyết định để thanh niên và vị thành niên có thể thực hiện các lựa chọn an toàn và đồng thuận, hoặc có thể đưa ra các quyết định liên quan tới thời điểm có quan hệ tình dục. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi một cách trung thực xem công tác giảng dạy giáo dục giới tính toàn diện đã được thực hiện tốt ở tất cả các trường tại tất cả các quốc gia hay chưa?

Kính thưa các quí vị đại biểu.

Chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng rằng: chúng ta sẽ không đạt được các tiến bộ trong giảm bất bình đẳng giới (bao gồm giảm bạo lực giới) đồng thời không đạt được các tiến bộ trong giảm tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV nếu chúng ta không thực sự có những cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục giới tính toàn diện.

Tất cả những điều này cho chúng ta thấy một nhu cầu rõ ràng rằng chúng ta cần xây dựng và thực thi các luật và các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo rằng thanh niên/vị thành niên được chăm sóc tốt về Sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục đồn thời đảm bảo rằng các quyền về chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục của họ được thực hiện đầy đủ.

Các luật và chính sách hỗ trợ này cần thừa nhận tiềm năng ngày càng lớn mạnh của thanh niên và vị thành niên, cho phép họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/sức khỏe tình dục mà không cần phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Một số quốc gia trong khu vực đã hoàn tất cá công tác này nhưng hiện nay còn rất nhiều quốc gia trong khu vực chưa xây dựng được các luật và chính sách nói trên. Thậm chí có một số quốc gia trước đây đã đạt được những thành tựu dù còn hạn chế nhưng tình hình hiện nay của họ cho thấy họ đang chững lại hoặc thậm chí tụt hậu – điều này sẽ đe dọa tới những thành tựu mà họ đã đạt được.

Kính thưa các quí vị.

Chúng ta cần thực hiện quyền cho tất cả vị thành niên thông qua việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, giáo dục giới tính toàn diện và các dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục cho họ vì đây là một công việc cần thiết để đảm bảo sự công bằng đồng thời đảm bảo rằng mỗi vị thành niên sẽ có cơ hội được phát huy hết tiềm năng của mình để chính bản thân họ có thể xây dựng một cơ sở vững vàng làm tiền đề cho cuộc sống tương lai của mình.

Ngoài ra, cho phép tôi lưu ý quí vị tới một số quan điểm tranh luận với cơ sở tương đối vững vàng - xét theo góc độ kinh tế - liên quan tới các vấn đề tôi vừa trình bày ở trên.

Đầu tư vào chăm sóc sức khoẻ sinh sản/sức khỏe tình dục cho vị thành niên có thể mang lại lợi ích với chi phí hiệu quả hơn gấp 12 lần hoặc cao hơn so với mức đầu tư ban đầu.

Có thể lấy ví dụ đối với việc cung cấp vắc xin phòng chống ung thư cổ tử cung HPV. Tỷ số chi phí/lợi ích của việc tiêm phòng HPV có thể lên tới 22. Với tỷ số này, tại sao tất cả các quốc gia trong khu vực không thực hiện một chương trình quốc gia về cung cấp vắc xin HPV cho thanh niên và vị thành niên trước khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục?

Chỉ với mức đầu tư khoảng 5 đô la mỗi đầu người mỗi năm có thể giúp chúng ta cải thiện sức khoẻ cho thanh niên và vị thành niên và sẽ cứu được mạng sống của 12,5 triệu thanh niên và vị thành niên, có thể giúp ngăn ngừa hơn 30 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, giảm sự lan tràn tình trạng khuyết tật và mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cao gấp 10 lần chi phí bỏ ra – đây là một mức lợi tức đầu tư cao đáng kể.

Cuối cùng, chúng ta cần khuyến khích thanh niên và vị thành niên đảm đương công tác lãnh đạo và khuyến khích sự tham gia của họ trong công tác xây dựng và thực hiện các chương trình. Hãy bỏ qua những cách thức và việc làm mang tính chiếu lệ, hãy ngừng áp dụng cách thức nói chuyện với thanh niên và vị thành niên theo cách nói chuyện bề trên hay kẻ cả và đừng nói với họ những câu chuyện không thành thật. Hãy thực sự cùng chung tay hợp tác với nhau một cách công bằng để cùng nhau vững bước trên con đường hướng tới tương lai.

Kính thưa các quý vị đại biểu. Cho phép tôi đưa ra một số kết luận trong phần trình bày của mình.

Cùng chung tay hợp tác và thực hiện đầu tư vào thanh niên và vị thành niên – bộ phận dân số chiếm tỷ lệ cao nhất trong lịch sử dân số thế giới từ trước tới nay – chính là một cách thức hiệu quả nhất để giúp các quốc gia đang phát triển đương đầu với những khó khăn thách thức mới xuất hiện.

Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững không chỉ đưa ra cam kết “không bỏ rơi ai lại phía sau” mà chương trình này còn mong muốn chúng ta cùng nỗ lực phấn đấu để tiếp cận và hỗ trợ với những người đang ở vị trí tụt hậu nhất. Chúng ta đã xác định được rõ ràng những thanh niên/vị thành niên ở vị trí tụt hậu này thuộc những nhóm dân số nào nhưng khoảng cách để chúng ta có thể đạt được mục tiêu còn rất xa.

Hãy cùng chung tay tìm ra các cách thức giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên để thanh niên và vị thành niên được hưởng sự công bằng mà họ đáng được hưởng nếu chúng ta thực sự muốn đạt được mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và thực hiện các công việc với tư cách là cơ quan đối tác quan trọng nhất trong công tác này cho quốc gia của quí vị.

Xin chân thành cảm ơn sự theo dõi của quí vị.