Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam tại hội thảo về cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Bài phát biểu của Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam tại hội thảo về cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Statement

Bài phát biểu của Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam tại hội thảo về cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

calendar_today 03 November 2023

UNFPA Representative in Viet Nam
Ông Matt Jackson, Trưởng Đạo diện của UNFPA tại Việt Nam

 

  • Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
  • Các cán bộ cấp cao thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 
  • Đại diện chính quyền địa phương các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, và các Trung tâm dịch vụ một cửa – Ngôi nhà Ánh Dương;
  • Các đơn vị truyền thông báo đài.

 

Tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, vì đã tổ chức buổi Hội thảo ngày hôm này. Tôi rất vui khi được gặp lại Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà. Gần đây, tôi và Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã có cơ hội gặp gỡ tại một sự kiện được tổ chức tại Đại học FPT nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với tác hại của bạo lực trên cơ sở giới (BLG) sử dụng công nghệ. Qua đó tôi được biết rằng Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã tích cực đấu tranh nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong nhiều năm qua.

 

Tôi rất vinh dự khi nhận được lời mời đến thăm Hà Tĩnh, một tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Tĩnh, và tôi được biết ngoài rất nhiều di tích lịch sử và văn hóa, Hà Tĩnh còn là quê hương của nhiều anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa của Việt Nam, tiêu biểu như Đại thi hào Nguyễn Du. Trước khi đến Việt Nam, tôi đã xem bộ phim “Kiều” sản xuất năm 2021, được dựa trên tác phẩm “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du, nên tôi nghĩ rằng việc được đến Hà Tĩnh sớm như vậy trong nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam là một cơ hội thật tuyệt vời.

 

Tất nhiên, ngoài cụ Nguyễn Du, còn có rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác đã sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, vì vậy tôi rất mong được tìm hiểu thêm về vùng đất Hà Tĩnh - một địa danh đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

 

Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm và bài học trong việc xây dựng và vận hành các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phòng ngừa và ứng phó với BLG. Tôi hy vọng rằng điều này có thể hỗ trợ cho công tác xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành cấp quốc gia, nhằm giải quyết một cách toàn diện và nhất quán vấn đề BLG trên toàn bộ đất nước Việt Nam.

 

Tôi rất mong được lắng nghe những quan điểm và đề xuất của quý đại biểu cho công tác xây dựng cơ chế quan trọng này, nhằm đảm bảo chúng ta có thể hỗ trợ tốt hơn cho những người bị BLG trong cả thế giới thực lẫn trên không gian mạng.

 

Thưa toàn thể Quý vị,

 

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra tại khắp mọi nơi: gia đình, trường học, nơi làm việc, công viên, phương tiện giao thông công cộng, sân thể thao, và ngày càng phổ biến hơn trên không gian mạng.

 

Tính trên phạm vi toàn cầu thì chỉ trong năm vừa qua, cứ 5 phụ nữ thì có gần 1 người đã từng bị bạo lực thể chất hoặc tình dục bởi bạn tình hiện tại hoặc trong quá khứ. 85% phụ nữ trên thế giới cho biết họ đã từng chứng kiến bạo lực trên không gian mạng, gần 40% trong số họ chính là người bị bạo lực, và vấn đề này vẫn đang tiếp tục gia tăng.

 

Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ 2 năm 2019, có đến 63% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-64 cho biết từng phải chịu các hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần trong đời. Một nửa trong số những phụ nữ bị bạo lực lựa chọn giữ im lặng, và hơn 90% người bị BLG không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào.

 

Tôi đã đề cập đến cuộc thảo luận gần đây tôi và Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã tham dự cùng với 400 sinh viên tại Đại học FPT ở Hà Nội. Chúng tôi đã trao đổi về những cách mà các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen-Z có thể áp dụng nhằm phòng ngừa, ứng phó và bảo vệ bản thân khỏi các hành vi BLG sử dụng công nghệ. Sau buổi thảo luận, chúng tôi đã kết luận rằng bạo lực trên không gian mạng cũng là bạo lực, và việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ là không còn có thể chần chừ được nữa. Đảm bảo rằng mọi người có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại là điều vô cùng quan trọng.

 

Tuy vậy, chúng ta cũng đã đạt được nhiều tiến bộ đáng mừng. Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua nhiều khuôn khổ chính sách và pháp lý khác nhau. Việc phê chuẩn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 chính là quyết tâm chính trị cao nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm loại bỏ BLG. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng nếu tiếp cận một cách đơn lẻ thì sẽ không thể kết thúc được vấn đề BGL. Do đó, việc xây dựng một cơ chế cấp quốc gia sẽ giúp đảm bảo sự phối hợp hài hòa giữa các ngành và các bên liên quan.

Tôi đã được chứng kiến cơ chế vận hành này trong chuyến công tác đầu tiên của tôi với  vai trò là Trưởng đại diện UNFPA khi đến thăm Trung tâm dịch vụ một cửa tại tỉnh Quảng Ninh. Tôi quả thực đã rất ấn tượng khi thấy rằng quan hệ hợp tác giữa UNFPA, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan chính phủ và các đơn vị tài trợ đã thành công trong việc triển khai một dịch vụ quan trọng và cần thiết như vậy. Với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản về hoạt động phối hợp liên ngành, chúng tôi đã thực sự thực hiện được nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm.

 

Tôi cũng đã gặp Giám đốc Trung tâm dịch vụ một cửa và được ông chia sẻ rằng bí quyết mang lại thành công của Trung tâm chính là sự phối hợp với các cơ quan chính phủ. Giám đốc Trung tâm cũng chia sẻ với tôi những khuyến nghị để cải thiện hơn nữa các dịch vụ, và tôi đã mang theo những khuyến nghị đó trong chuyến thăm gần đây tới Trung tâm dịch vụ một cửa tại Đà Nẵng. Rõ ràng các Ngôi nhà Ánh Dương rất cần sự phối hợp liên ngành và đầu tư nhiều hơn để có thể tiếp tục hoạt động, phát triển và hỗ trợ những người bị BLG.

 

UNFPA cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia và cấp địa phương, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và để không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng tất cả những người bị BLG có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời và chất lượng cho dù họ sống ở bất cứ đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Mục tiêu chung của chúng ta là tầm nhìn về một Việt Nam nơi mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể sống một cuộc sống không có bạo lực và lạm dụng. Xin trân trọng cảm ơn.