Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm tại New Zealand

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm tại New Zealand

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm tại New Zealand

calendar_today 22 September 2016

Kính thưa ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH);

Kính thưa ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội;

Kính thưa quý vị lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành trung ương và địa phương;

Kính thưa đại diện và các bạn đồng nghiệp đến từ các tổ chức xã hội và cộng đồng, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các đối tác trong lĩnh vực phát triển;

Thưa các vị khách quý đến từ New Zealand;

Cho phép tôi được gửi lời chào buổi sáng tốt lành đến tất cả quý  vị.

Hôm nay, tôi vinh dự có mặt trong phiên khai mạc hội thảo quốc tế về chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi từ hình sự hóa sang phi hình sự hóa mại dâm ở New Zealand. Trong buổi hội thảo ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về những bài học rút ra từ quá trình xây dựng, phê chuẩn và thực thi Luật về Nghề mại dâm năm 2003 ở New Zealand. Các vị diễn giả quốc tế đặc biệt của chúng ta ngày hôm nay đều là những nhân vật chủ chốt trong tiến trình phi hình sự hóa mại dâm ở New Zealand. Các vị đó là: bà Jan Logie (nghị sĩ Đảng xanh của New Zealand), bà Catherine Healy (từ tổ chức hỗ trợ người bán dâm của New Zealand),  thanh tra Jason Hewett (Cục cảnh sát New Zealand) và Tiến sỹ Annette Nesdale (đến từ Bộ Y tế New Zealand). Tôi xin trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã không quản đường xa đến đây để chia sẻ kinh nghiệm và tri thức với chúng ta.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Bộ LĐ-TB-XH và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã mời các chuyên gia xây dựng luật của các bộ, ngành chủ quản và cũng như của Ủy ban; các vị lãnh đạo và cán bộ một số địa phương, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện những người hành nghề mại dâm trong nước và giới truyền thông đến tham dự hội thảo này để cùng trao đổi về những bài học của New Zealand và gợi ý chính sách phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Đây cũng chính là hoạt động tiếp nối chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác liên ngành Việt Nam đến New Zealand vào tháng 12/2015 để tìm hiểu về tiến trình phi hình sự hóa mại dâm ở New Zealand.

Trong bất kỳ thời đại nào và xét chung trên toàn cầu, mại dâm đã trở thành một phần của rất nhiều xã hội và thái độ của xã hội đối với nghề này cũng đa dạng và khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và văn hóa. Hiện nay, khung pháp lý giải quyết mại dâm có 03 cách tiếp cận: hình sự hóa, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa. Theo phương thức hình sự hóa, toàn bộ hay một vài khía cạnh của mại dâm đều bất hợp pháp. Đây hiện là phương thức của Việt Nam. Hợp pháp hóa mại dâm thường đồng nghĩa với một hệ thống trong đó có các quy phạm pháp luật áp dụng cho quản lý nhà nước và kiểm soát mại dâm. Hợp pháp hóa có thể được thực hiện ở những khu vực được phép hành nghề mại dâm như ở Hà Lan. Mặt khác, phi hình sự hóa mại dâm là việc không tồn tại hoặc bãi bỏ các luật hình sự hoá hoạt động mua, bán dâm và các hoạt động liên quan đến mại dâm; cũng như các luật và chính sách quy định bắt buộc kiểm tra HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc bắt giữ người hành nghề mại dâm. Khi được phi hình sự hóa, ngành công nghiệp tình dục sẽ phải tuân thủ các quy định chung về lao động như sức khỏe, an toàn nơi làm việc và bảo vệ chống phân biệt đối xử như các ngành nghề khác. Đây là cách làm của New Zealand. Bằng chứng trên thế giới cũng cho thấy, từ góc độ nhân quyền và sức khỏe cộng đồng, phi hình sự hóa là cách tiếp cận hiệu quả nhất. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ sự khác biệt trong các cách tiếp cận trên.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định hoạt động mua, bán mại dâm cũng như các hoạt động có liên quan đều là bất hợp pháp, và “phòng và chống” là các phương pháp chính thống để xử lý mại dâm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn phụ nữ hành nghề mại dâm ở Việt Nam xuất thân từ nông thôn, lên thành thị kiếm sống phụ giúp gia đình, gặp phải đường cùng mới đi vào con đường mại dâm. Những phụ nữ này dễ bị tổn thương về mặt kinh tế và xã hội khi bị bạo hành, cưỡng hiếp, bóc lột, có thai ngoài ý muốn, nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Họ rất muốn được bảo vệ tránh khỏi bạo lực, HIV, bệnh lây qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn nhưng họ lại ngại nhờ đến sự giúp đỡ từ lực lượng cảnh sát và hệ thống y tế công cộng. Hơn thế nữa, những người hành nghề mại dâm gặp phải rào cản rất lớn trong việc tiếp cận dịch vụ pháp lý khi quyền của mình bị xâm phạm.

Tôi nhận thấy rằng đã có nhiều bước tiến trong chính sách và môi trường pháp lý hỗ trợ việc cải cách luật liên quan đến mại dâm ở Việt Nam. Trong năm 2012, chúng ta ghi nhận một bước tiến lớn trong lĩnh vực này; đó là việc thông qua Luật sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính, trong đó bãi bỏ quy định bắt giữ người hành nghề mại dâm, dẫn đến việc đóng cửa các Trung Tâm 05. Ngoài ra, vào tháng 11 năm 2013, bản Hiến pháp mới được thông qua càng bảo đảm các quyền con người cơ bản của mọi công dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc hình sự hóa mại dâm ở Việt Nam dẫn đến rủi ro cho bản thân người hành nghề mại dâm.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy hình sự hóa mại dâm làm cho người hành nghề mại dâm khó bảo vệ mình khỏi HIV và bạo lực. Hình sự hóa đẩy người hành nghề mại dâm vào tình trạng luôn phải trốn tránh và hiểm nguy bị lạm dụng từ phía khách hàng, những kẻ chăn dắt, tú bà, bảo kê và cảnh sát. Mặt khác, kinh nghiệm từ New Zealand cũng cho thấy việc phi hình sự hóa mại dâm không làm bùng phát ngành công nghiệp này, hay làm gia tăng số lượng người hành nghề mại dâm. Ngoài ra, New Zealand cũng không tìm thấy chứng cứ thể hiện sự thay đổi rõ rệt về các chuẩn mực đạo đức và xã hội do phi hình sự hóa mại dâm. Hơn thế nữa, theo Tuần san Y khoa Lancet năm 2014, phi hình sự hóa có thể ngăn ngừa đến 46% số ca nhiễm HIV mới ở phụ nữ hành nghề mại dâm trong thập kỷ tiếp theo.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã và đang hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ để sửa đổi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm theo tinh thần của bản Hiến pháp đề cao nhân quyền và các hiệp định và thỏa thuận quốc tế khác mà Việt Nam có cam kết thực hiện. Vào cuối năm 2015, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ đoàn công tác cán bộ nhà nước cấp cao của Việt Nam đến New Zealand sau khi nước này có những thay đổi tích cực trong khung pháp lý về mại dâm, chuyển đổi từ hình sự hóa sang phi hình sự hóa. Để tiếp nối chuyến công tác trên, hội thảo quốc tế được tổ chức ngày hôm nay nhằm chia sẻ kinh nghiệm của New Zealand với đông đảo các nhà làm luật và những người vận động chính sách sẽ tham gia cải cách luật về hoạt động mại dâm ở Việt Nam.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Để bắt đầu buổi hội thảo, tôi muốn đưa ra 03 vấn đề chính cần được xem xét trong quá trình xây dựng các chương trình và chính sách liên quan đến mại dâm:

Thứ nhất, quyền con người cần phải là trọng tâm trong các cuộc thảo luận và quyết sách liên quan đến người hành nghề mại dâm. Kinh nghiệm các nước cho thấy cách nhìn nhận đây là “tệ nạn xã hội” sẽ làm gia tăng bóc lột, bạo hành, lạm dụng, thành kiến xấu và phân biệt đối xử với người hành nghề mại dâm. Thành kiến xấu và phân biệt đối xử là những trở ngại chính ngăn cản người người hành nghề mại dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội và được bảo vệ khỏi bạo lực. Hệ thống pháp luật mới cần đảm bảo rằng quyền của người hành nghề mại dâm được bảo vệ và phổ biến rộng rãi, không chỉ vì họ mà còn vì bạn bè, bạn đời, bố mẹ họ, các thành viên trong cộng đồng và xã hội, theo tinh thần Hiến pháp 2013 của Việt Nam.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của xã hội dân sự và các tổ chức cộng đồng, bao gồm các tổ chức của chính những người hành nghề mại dâm, thực thi và giám sát các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Cần phải đảm bảo rằng những người hành nghề mại dâm và các tổ chức của họ phải có tiếng nói trong việc xây dựng và thực thi chính sách nhằm đem lại hiệu quả cao hơn cho các chính sách và chương trình này. Cần phải tạo ra môi trường và cơ chế cho người hành nghề mại dâm và các tổ chức xã hội dân sự tham gia một cách có ý nghĩa vào cuộc đối thoại chính sách các cấp. Nhân cơ hội này, tôi xin nồng nhiệt chào đón 15 đại diện của Mạng lưới những người hành nghề mại dâm Việt Nam đã đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo ngày hôm nay.

Cuối cùng, việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát, các cơ quan y tế, giáo dục, các cơ quan về vấn đề xã hội và pháp lý, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa những người ra quyết định chính sách và cộng đồng chịu ảnh hưởng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi hiệu quả các chính sách và chương trình liên quan đến mại dâm. Cụ thể hơn, để chính sách quốc gia thực sự được chuyển thành những thay đổi xã hội tích cực ở cấp địa phương, chúng ta cần sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương.

Thay mặt cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Phó chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, đại diện Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y Tế, Bộ Công An, Bộ Tư pháp, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng, các đối tác và cơ quan truyền thông. Quỹ Dân số Liên hợp quốc cùng với các đối tác phát triển, luôn cam kết tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng một môi trường thuận lợi cho các đạo luật và chính sách tập trung vào quyền con người ở Việt Nam để đảm bảo “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Xin cảm ơn và chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!!!