Kính thưa Phó giáo sư Tiến sỹ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam (DSI);
Kính thưa các đại biểu đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục thống kê, các bộ ngành và các viện nghiên cứu;
Kính thưa các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và các cơ quan Liên hợp quốc;
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Xin kính chúc các quý vị một buổi sáng tốt lành;
Thay mặt cho Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Viện Chiến lược phát triển Việt Nam (DSI) đã tổ chức buổi hội thảo quan trọng này. Cuộc hội thảo này là cơ hội tuyệt vời cho tất cả chúng ta để chia sẻ và thảo luận các vấn đề về dân số và tác động của nó tới sự phát triển bền vững. Đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình theo dõi và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 (SEDP) mới được phê duyệt gần đây.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Ở Việt Nam, các dữ liệu từ cuộc tổng điều tra và điều tra dân số cho thấy đất nước đang trải qua quá trình thay đổi nhân khẩu học một cách rõ rệt: mức sinh và mức - chết giảm; quá trình di cư nhanh chóng với quy mô lớn dẫn tới những thay đổi nhanh chóng về phân bổ dân số giữa khu vực nông thôn và thành thị; và sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với lực lượng dân số trẻ hùng hậu, nhưng đồng thời, Việt Nam cũng đang trong quá trình già hóa nhanh chóng. Trên thực tế, theo Báo cáo Triển vọng dân số thế giới của Liên hợp quốc, tỷ lệ phụ thuộc già (tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc vào dân số đang ở độ tuổi lao đông) được dự kiến sẽ tăng từ 9.6 tới 21.7 trong thời gian từ 2015 tới 2035. Sự thay đổi nhân khẩu học này có tác động lớn tới hệ thống bảo trợ xã hội, y tế, thị trường lao động, v.v. Chính phủ cần chuẩn bị để chủ động ứng phó với sự thay đổi dân số trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Các yếu tố dân số có ảnh hưởng ngày càng to lớn tới sự phát triển của quốc gia và việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương. Nhân dịp này, cho phép tôi được nhấn mạnh tới năm vấn đề cơ bản quan trọng đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong thời gian tới:
Thứ nhất, như quý vị đã biết, các dữ liệu cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong việc đạt được các mục tiêu dân số của mình. Tỷ lệ sinh ở Việt Nam đạt mức sinh thay thế và được duy trì ổn định trong thập kỷ vừa qua. Điều này có nghĩa là Chính phủ giờ đây có thể chuyển trọng tâm từ kiểm soát dân số sang dân số và phát triển hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, bình đẳng, và dân chủ. Nói một cách cụ thể hơn, Chính phủ cần phải đảm bảo rằng các biến dân số được lồng ghép một cách hiệu quả vào các kế hoạch phát triển quốc gia và các ngành như kế hoạch phát triển về giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở, cải cách kinh tế, an sinh và bảo trợ xã hội. Đồng thời, cần phải chú ý hơn tới các vấn đề về bất bình đẳng và khác biệt giữa các vùng miền và nhóm dân cư đang ngày càng gia tăng, và đi cùng với các hình thức nghèo đói và dễ bị tôn thương mới. Như chúng ta đã chứng kiến trong quá trình giám sát việc thực hiện Các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), những tiến bộ đạt được ở cấp quốc gia thường không cho thấy được những khác biệt ở cấp địa phương.
Thứ hai, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với tỷ trọng thanh niên cao nhất chưa từng có trong lịch sử của quốc gia. Cơ cấu dân số vàng mang lại cho Việt Nam cơ hội duy nhất. Chỉ khi chúng ta biết đón nhận cơ hội này thì chúng ta mới có thể biến cơ hội thành lợi tức nhân khẩu học. Thế hệ dân số trẻ hơn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam và những người trẻ tuổi này đại diện cho một tỷ trọng lớn lực lượng lao động đang ngày càng gia tăng, tại thời điểm này và trong tương lai. Vì vậy, đầu tư vào giáo dục và sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên là điều quan trọng nhất đối với i năng trưởng và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng thanh niên nhận được những hỗ trợ họ cần, và trưởng thành trong môi trường thân thiện với thanh niên để trở thành những chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước.
Thứ ba, nâng cao năng suất lao động luôn là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Sự gia tăng về năng suất lao động và tạo việc làm cho tất cả các nhóm trong độ tuổi lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường là định hướng quan trọng nhất để thúc đẩy hơn nữa ảnh hưởng tích cực của những thay đổi trong cơ cấu tuổi dân số đối với sự phát triển kinh tế. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh dân số già hóa của Việt Nam.
Thứ tư, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với một số quốc gia láng giềng. Trong khi chúng ta đang tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng, Việt Nam cũng cần phải lên kế hoạch để ứng phó với việc già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình đang tăng lên chắc chắn là điều mà mỗi gia đình và toàn xã hội đều vui mừng đón nhận; tuy nhiên việc này cũng tạo ra những thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh khi xu hướng người cao tuổi sống một mình hay các cặp vợ chồng cao tuổi không có con cái hỗ trợ đang tăng lên.
Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng mối liên hệ giữa dân số và phát triển ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới. Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong Chương trình hành động sau năm 2014 của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), và chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030. Bên cạnh đó, những thách thức liên quan tới dân số và phát triển đan xen với các vấn đề khác liên quan tới nghèo, hình thái tiêu dùng, bất bình đẳng và việc dễ bị tổn thương. Khi con người là trung tâm của sự phát triển, quyền, nhu cầu và lợi ích của họ cần phải được đặt ở vị trí trung tâm của các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển của chúng ta. Vì vậy, các vấn đề về dân số và phát triển được phát hiện và dự báo từ các nghiên cứu và khảo sát cần được lồng ghép vào quá trình lập kế hoạch phát triển ở cả cấp quốc gia và địa phương.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
UNFPA tại Việt Nam đánh giá rất cao Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra định hướng tổng thể đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ cung cấp bằng chứng về mối liên hệ giữa dân số và phát triển để lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng năng lực quốc gia để cung cấp và sử dụng bằng chứng tin cậy về việc lập kế hoạch phát triển từ lâu vẫn là ưu tiên thể chế hàng đầu của UNFPA và các đối tác phát triển khác.
Trong bối cảnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (SEDP) giai đoạn tiếp theo (2016-2020), việc sẵn có và sử dụng các thông tin dân số có thể so sánh, đáng tin cậy và có chất lượng để xây dựng kế hoạch dựa trên bằng chứng đã trở nên ngày càng quan trọng hơn, không chỉ đối với việc lập kế hoạch để phát triển, mà còn đối với quá trình giám sát sự tiến bộ, đánh giá kết quả và điều chỉnh kế hoạch và chiến lược khi cần thiết.
Xin chân thành cảm ơn sự tham gia và chú ý lắng nghe của quý vị. Tôi xin chúc tất cả các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.