Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Hội thảo Quốc gia về Tảo hôn

Bài phát biểu của bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Hội thảo Quốc gia về Tảo hôn

Tuyên bố

Bài phát biểu của bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Hội thảo Quốc gia về Tảo hôn

calendar_today 25 October 2016

Kính thưa bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội;
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế;
Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng/ Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc;
Kính thưa các đại diện từ các bộ, ngành chính phủ, các tổ chức xã hội và các viện nghiên cứu; các cơ quan đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; các đồng nghiệp Liên hợp quốc và đại diện các cơ quan truyền thông;

Trước tin, tôi xin gửi tới toàn thể các quý vị lời chào trân trọng nhất!

Thay mặt cho Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam (Quỹ Dân số LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ và Cơ quan Phụ nữ LHQ), tôi xin bày tỏ niềm vinh dự có mặt trong hội thảo quốc gia lần đầu tiên về chủ đề tảo hôn để thảo luận về các cơ hội, những khoảng trống và những thách thức trong việc chấm dứt hiện tượng tảo hôn tại Việt Nam. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức sự kiện quan trọng này.

Ngày 11 tháng 10 năm nay – ngày Quốc tế Trẻ em gái - với chủ đề " Các tiến bộ của trẻ em gái chính là các tiến bộ hướng tới những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs): Phong trào Thu thập và Phân tích dữ liệu toàn cầu về trẻ em gái " là một lời kêu gọi hành động nhằm tăng cường đầu tư cho công tác thu thập và phân tích số liệu tập trung vào trẻ em gái, liên quan tới trẻ em gái và có phân tách giới.

Hội thảo của chúng ta được tổ chức vào đúng thời điểm tròn một năm sau khi công bố Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tăng cường công tác thu thập và phân tích số liệu về trẻ em gái cũng như giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của trẻ em gái đóng vai trò hết sức quan trọng giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.  Việc phê chuẩn các Mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm mục tiêu xóa bỏ tảo hôn, sẽ đem lại cho chúng ta một cơ hội mang tính lịch sử - đó chính là cơ hội giúp trẻ em gái có một tương lai tốt đẹp hơn.

Thưa toàn thể các quý vị,

Năm nay, hơn 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi trên toàn thế giới sẽ bắt đầu giai đoạn bước vào tuổi vị thành niên. Đáng buồn thay, hàng triệu trong số các em sẽ bị ràng buộc với các trách nhiệm của những người trưởng thành bất chấp việc các em có được thông báo và được hỏi ý kiến hay không.

Mỗi ngày, gần 48.000 trẻ em gái, trong đó nhiều em mới có 10 tuổi, bị ép buộc hôn nhân.

Mỗi ngày, hơn 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con.

Các cô dâu trẻ em mà bỏ lỡ các cơ hội về giáo dục sẽ rất dễ bị bạo lực thể xác và tình dục, cũng như sinh con trước khi các em thật sự có chuẩn bị về mặt thể chất hoặc tinh thần. Chu kỳ bạo lực bắt đầu từ giai đoạn các em còn là trẻ con, sẽ tiếp tục kéo dài sang giai đoạn phụ nữ và cứ thế lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thưa toàn thể quý vị,

Chính phủ Việt Nam đã ban hành luật và chính sách để giải quyết tình trạng tảo hôn, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Trẻ em (2016) và Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn 2015-2025. Tuy nhiên, ở cấp độ cộng đồng, các chuẩn mực truyền thống và phong tục vẫn cho phép nữ giới dưới 18 tuổi kết hôn nếu có sự đồng ý của cha mẹ và đây được coi là một yếu tố liên quan tới văn hóa địa phương.

Tảo hôn rất đa dạng và thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, và chính chúng ta vẫn còn những suy nghĩ mặc định về hiện tượng này. Vì thế, chúng ta cần phải chắc chắn rằng chúng ta có số liệu. Ở Việt Nam, kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15-19 đã kết hôn là 10,3% vào năm 2014. Tuy nhiên, tảo hôn không chỉ xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Bằng chứng cho thấy tỷ lệ tảo hôn cũng cao ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Theo hệ thống dữ liệu hành chính của Việt Nam, ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn là trên 50%. Trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (33%), tiếp theo là người Thái (23%).

Tảo hôn cũng ảnh hưởng đến trẻ em trai nhưng ở mức thấp hơn so với trẻ em gái. Tảo hôn liên quan chặt chẽ đến các cấp độ phát triển kinh tế-xã hội thấp. Các tỉnh có Chỉ số Phát triển con người cao hơn thì thường có tỷ lệ tảo hôn thấp hơn.

Ở những nơi thường xảy ra tảo hôn thì hiện tượng này được coi như là một chuẩn mực xã hội. Kết hôn với nữ giới dưới 18 tuổi bắt nguồn từ và làm trầm trọng thêm hiện tượng phân biệt giới tính, dẫn tới việc sinh con sớm, sinh nhiều con và ưu tiên cơ hội giáo dục cho trẻ em trai hơn là trẻ em gái. Tảo hôn được coi là một cách thức để kiểm soát vấn đề tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Tảo hôn cũng là một cách thức để tồn tại về mặt kinh tế khi các gia đình gả chồng cho con gái thì sẽ sớm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Thưa toàn thể quý vị,

Trong bối cảnh này, tôi muốn làm nổi bật một số thông điệp chính cho cuộc thảo luận của chúng ta.
Thứ nhất, bình đẳng giới đã được đặt ở trung tâm của các Mục tiêu phát triển bền vững vì các. Mục tiêu về Bình đẳng giới không chỉ được xây dựng là một mục tiêu riêng (mục tiêu 5), mà còn được lồng ghép trong các mục tiêu khác. Điều này có nghĩa là đầu tư vào bình đẳng giới cần phải được ưu tiên trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp và phát triển nông thôn đến y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng. Tất cả các cơ quan chính phủ cần phải đảm bảo rằng việc lập kế hoạch, ra quyết định, xây dựng chính sách, lên ngân sách và công tác giám sát của họ phải phản ánh nhu cầu của phụ nữ và nam giới và đảm bảo lợi ích cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Thứ hai, tảo hôn không thể giải quyết được mà không trao quyền cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những trẻ em gái. Trao quyền ở đây bao gồm việc cải thiện tiếp cận thông tin và cơ hội để tiếp tục đi học, xây dựng kỹ năng sống cho các em, cung cấp không gian an toàn để các em có thể học, chơi và kết bạn, cung cấp thông tin và dịch vụ về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, phòng chống và HIV, cải thiện sinh kế và phúc lợi xã hội cho các em. Điều này bao gồm cả phòng ngừa và ứng phó. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng các em gái đã kết hôn cũng có nhiều lựa chọn và cơ hội. Vì thế, việc bảo đảm tất cả thanh niên, vị thành niên có những lựa chọn về tương lai của chính mình là một điều vô cùng quan trọng.

Thứ ba, cũng cần thay đổi suy nghĩ và thái độ của người dân, bao gồm cha mẹ, người lớn tuổi, những lãnh đạo tôn giáo và những bên liên quan khác về những rủi ro và hậu quả của tảo hôn; cần thúc đẩy các quyền của trẻ em gái, và tìm ra các giải pháp tập thể, do cộng đồng làm chủ nhằm ngăn cản và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn.

Thứ tư, việc giải quyết bất bình đẳng và phân biệt đối xử đòi hỏi phải tiến xa hơn nữa so với mức trung bình. Để làm như vậy, chúng ta cần phân tách dữ liệu tốt hơn, cần hiểu biết hơn về tác động của các hình thức phân biệt đối xử về quyền của các nhóm phụ nữ khác nhau, cũng như cần những hành động thích hợp hơn thông qua pháp luật, chính sách, chương trình và những thay đổi trong các chuẩn mực xã hội và định kiến giới. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép giới trong các khung luật pháp và chính sách về quyền của các đồng bào dân tộc thiểu số và ngược lại, cũng như sự thừa nhận các hoàn cảnh đặc biệt của phụ nữ dân tộc thiểu số trong chính sách, pháp luật.

Thưa qúy vị,

Giải quyết tình trạng tảo hôn là một phần quan trọng trong công việc của Liên Hợp Quốc để duy trì bình đẳng giới và quyền của trẻ em, vị thành niên và thanh niên. Chúng tôi hỗ trợ giúp thiết lập các mối quan hệ đối tác và các hoạt động vận động chính sách để nâng cao nhận thức về tảo hôn, bao gồm các nguyên nhân và hậu quả của tình trạng này. Chúng tôi cũng làm việc với chính phủ và các đối tác ở tất cả các cấp để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, pháp luật và đối thoại nhằm đề cao nhân phẩm và quyền của các trẻ em gái đã kết hôn cũng như các trẻ em gái chưa kết hôn. Và bằng cách tạo ra dữ liệu và xây dựng các cơ sở bằng chứng, chúng tôi cung cấp thông tin cho các chính sách và chương trình của chính phủ, dựa trên nhu cầu và tình trạng thực tế của trẻ em gái và những người trẻ tuổi nhằm ngăn ngừa và ứng phó với những rủi ro của hiện tượng tảo hôn.

Tảo hôn là một vấn đề phức tạp - không có một can thiệp duy nhất nào có thể giải quyết được vấn đề, mà đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận đa ngành, đa bên. Quy mô của vấn đề đòi hỏi tất cả chúng ta - chính phủ, các đối tác phát triển quốc tế, Liên Hợp Quốc, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng cùng nhau hành động. Tất cả chúng ta cần phải chung tay để trả lại cho trẻ em sự lựa chọn, giấc mơ, tương lai và tuổi thơ.

Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị và tôi rất mong chúng ta sẽ có những phiên thảo luận hiệu quả. Cuối cùng, xin chúc toàn thể quý vị sức khỏe và hạnh phúc.