Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại sự kiện Ngày Dân số Thế giới 2018

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại sự kiện Ngày Dân số Thế giới 2018

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại sự kiện Ngày Dân số Thế giới 2018

calendar_today 11 July 2018

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại sự kiện Ngày Dân số Thế giới 2018

Kính thưa:

Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế;

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng thường trực, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình;

Ông Võ Thành Đông, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình;

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình;

Đại diện các Bộ ngành, các cơ quan chính phủ, các Đại sứ quán, các tổ chức tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện của khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, đại diện các cơ quan truyền thông và đồng nghiệp từ các tổ chức Liên hợp quốc;

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa toàn thể quý vị, đặc biệt là các bạn trẻ tới tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày dân số thế giới 2018 hôm nay. 

Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á-Thái Bình Dương và UNFPA tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quan trọng nhất trong năm của UNFPA. Cho phép tôi được cám ơn Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, đã đồng tổ chức sự kiện ngày hôm nay. 

Ngày Dân số Thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 11/7 hàng năm,  mỗi năm tập trung vào một chủ đề dân số mà cả thế giới đều quan tâm trong thời gian đó. Và hôm nay chúng ta tổ chức Ngày Dân số thế giới 2018 với chủ đề toàn cầu: "Kế hoạch hóa gia đình là Quyền con người".

Kính thưa quý vị đại biểu,

Năm mươi năm trước tại Hội nghị Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Quyền con người được tổ chức ở Tehran ngày 13/5/1968, thế giới đã tuyên bố rằng "Các bậc cha mẹ có một quyền cơ bản để có thể quyết định một cách có trách nhiệm về số con và khoảng cách giữa các lần sinh". Đây là lần đầu tiên kế hoạch hóa gia đình được khẳng định là một quyền của con người. Tuyên bố Teheran nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi cá nhân đều có quyền đưa ra các lựa chọn của mình – trong đó bao gồm cả quyền lựa chọn của phụ nữ, vào thời điểm mà quyền của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới cũng lần đầu tiên được thảo luận trong chương trình nghị sự toàn cầu.

Năm 1994 tiếp tục đánh dấu một bước ngoặt lớn với Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức tại Cairo, Ai-cập. Chương trình Hành động ICPD không chỉ tái khẳng định kế hoạch hóa gia đình là một quyền cơ bản của con người, mà còn mở rộng quyền này bằng cách tuyên bố rõ ràng về các nội dung cụ thể về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục. Chương trình hành động ICPD là nền tảng cơ bản cho các hoạt động của UNFPA trên toàn thế giới, tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ năm 2016 đến nay, Khu vực Châu Á-TBD, bao gồm Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc gây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện được điều này cũng đồng nghĩa với việc hoàn thành Tuyên bố Tehran, Chương trình hành động ICPD cũng như các tuyên bố trước đó về quyền và lựa chọn, trong đó bao gồm Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền được công bố cách đây 70 năm.

Hiện nay, UNFPA đang thực hiện Kế hoạch Chiến lược mới nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 và tăng cường cam kết hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình Hành động ICPD. 

Kế hoạch Chiến lược của UNFPA nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề trong phát triển bền vững với mong muốn hoàn thành ba mục tiêu mang tính thay đổi cho khu vực Châu Á-TBD và cho toàn thế giới. Ba mục tiêu mang tính thay đổi này bao gồm:
•    Không có tử vong mẹ
•    Không có nhu cầu chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) 
•    Không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ ở các khu vực đang phát triẻn có nhu cầu tránh thai hoặc trì hoãn việc sinh con. Tại sao họ vẫn chưa được tiếp cận được với các thông tin, dịch vụ và hàng hóa có chất lượng – bao gồm cả các biện pháp tránh thai hiện đại?

Trong số các phụ nữ có nhu cầu chưa được đáp ứng này, có 6,3 triệu là trẻ em gái vị thành niên ở độ tuổi sinh hoạt tình dục đang sinh sống tại khu vực Châu Á-TBD. Nếu không đảm bảo được quyền tiếp cận tới thông tin và dịch vụ có chất lượng cho thanh niên và vị thành niên, ước tính hàng năm trong khu vực có tới 3,6 triệu ca phá thai không an toàn.

Thiếu thông tin và dịch vụ sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và cuộc sống của trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành. bao gồm: tử vong chu sinh, tử vong sơ sinh, ung thư cổ tử cung; vô sinh, các nguy cơ lây nhiễm HIV, các hậu quả về thể chất, tâm lý và xã hội vv. – những hậu quả này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của những người bị nhiễm bệnh.

Tiếp cận KHHGĐ tự nguyện trọng tâm để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và là yếu tố then chốt giúp giảm nghèo. Thực hiện tốt các quyền về chăm sóc Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên/vị thành niên có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới tới vào năm 2030.  Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. 

UNFPA khu vực châu Á-TBD và UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ các chính phủ để mọi người dân có thể được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Nhưng chúng ta không thể thực hiện được công việc này một mình. Các Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, các khối tư nhân và xã hội dân sự cần phải cộng tác cùng nhau để biến điều này thành hiện thực.

Và chúng ta cần các bạn trẻ, bao gồm các bạn trẻ có mặt tại đây ngày hôm nay tham gia một cách tích cực vào những nỗ lực này. Chúng ta vẫn thường nói “tuổi trẻ là tương lai” – nhưng liệu thực sự các bạn trẻ đã được tham gia vào công cuộc xây dựng tương lai của chính họ hay chưa? 

Điều này bao gồm giáo dục tính dục toàn diện từ độ tuổi trẻ sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để đảm bảo quyền sinh sản cũng như sức khỏe sinh sản và tình dục, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình.

Bằng việc cùng chung tay góp sức và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và khối xã hội dân sự trên toàn khu vực Châu Á – Thái bình dương cũng như toàn cầu, chúng ta sẽ tạo dựng được một tương lai mà trong đó KHÔNG có tử vong mẹ, KHÔNG có nhu cầu chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình, KHÔNG có bạo lực và các hành vi gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái. 

Đầu tư vào KHHGĐ ngày hôm nay là đầu tư vào sức khỏe và hạnh phúc của hàng triệu trẻ em gái, phụ nữ và các thế hệ trẻ mai sau. 

Xin cám ơn và xin gửi tới toàn thể quý vị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và chúc sự kiện ngày Dân số thế giới thành công tốt đẹp!