Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác Việt Nam-UNFPA

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác Việt Nam-UNFPA

Statement

Bài phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác Việt Nam-UNFPA

calendar_today 11 July 2017

Kính thưa bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế

Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình

Bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam

Bà Maria Jesus Figa Lopez-Palop, Đại sứ nước Cộng hòa Tây Ban Nha tại Việt Nam

Bà Ms. S. Hasanthi Urugodawatte Dissanayake, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy sỹ tại Việt Nam

Ông Doron Lebovich, Phó Trưởng đoàn, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam;

Ông Kamal Malhotra, Đại diện Thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam

Đại diện các Bộ ngành, các cơ quan chính phủ, các Đại sứ quán, các tổ chức tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện của khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, đại diện các cơ quan truyền thông và đồng nghiệp từ các tổ chức Liên hợp quốc;

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa toàn thể quý vị

Tôi rất vinh hạnh được chào đón quý vị tại đây ngày hôm nay trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Chính phủ Việt Nam. Thật khó có thể gửi lời cảm ơn tất cả các tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tới các hoạt động của Quỹ Dân số LHQ trong bốn mươi năm qua. Tuy nhiên tôi trân trọng một số đối tác lâu năm của Quỹ Dân số LHQ, đó là: Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc Hội, Bộ Y tế và Tổng Cục Dân số và KHHGĐ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục Thống kê,  Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội Vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quỹ dân số LHQ đã hợp tác trong thời gian qua, các tổ chức xã hội đặc biệt trong lĩnh vực quyền phụ nữ, các tổ chức LHQ, các tổ chức song phương đã, đang và tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh của chúng tôi.

Trong suốt 40 năm qua, mối quan hệ hợp tác của Quỹ Dân số LHQ với Việt Nam đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện theo thời gian, đồng hành với các giai đoạn phát triển của Việt Nam, song song với các thỏa thuận và sáng kiến đổi mới của LHQ có liên quan tới sứ mệnh của Quỹ Dân số LHQ trong lĩnh vực dân số và phát triển, quyền và SKSS/SKTD, và bình đẳng giới. Cho phép tôi được đề cập rất ngắn gọn một số mốc và kết quả quan trọng:

Năm 1977, Chương trình hợp tác đầu tiên giữa chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số LHQ được xây dựng. Đến nay, Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số LHQ đã cùng đồng hành và thực hiện 9 chương trình hợp tác, với thời gian 5 năm cho mỗi chương trình và với tổng số gần 100 dự án. Các dự án này được triển khai ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương (tại 12 tỉnh trên toàn quốc). Quỹ Dân số LHQ đã hỗ trợ tài chính cho Việt Nam với tổng số tiền lên tới 190 triệu đô la, và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho chính phủ và các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường tiếp cận của người dân tới các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng, đẩy mạnh hoạt động thu thập dữ liệu dân số và phát triển có chất lượng cao, giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới, xây dựng năng lực quốc gia trong xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách dựa trên bằng chứng về các lĩnh vực trên.

Với mục tiêu không để bà mẹ nào phải tử vong khi sinh và mỗi lần mang thai đều được mong đợi, Quỹ Dân số LHQ chia sẻ niềm tự hào với những thành tựu đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của phụ nữ và nam giới về các biện pháp tránh thai và cải thiện sức khoẻ bà mẹ. Đây chính là cơ sở giúp Việt Nam hoàn thành tốt Mục tiêu 5 trong các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.

Để ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, năm 1999 Liên Hợp Quốc đã trao giải thưởng về “Dân số và Phát triển” cho Việt Nam. Đây chính là bằng chứng khẳng định sự thành công của mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số LHQ.

Nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết mang tính lâu dài trong vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, Quỹ Dân số LHQ luôn chú trọng tới chương trình nghị sự về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Quỹ Dân số LHQ đã thành công trong việc hỗ trợ Chính phủ giải quyết các nguyên nhân sâu xa gây ra bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới và ứng phó với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Thêm vào đó, Quỹ Dân số LHQ đã hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đối tác thông qua việc xây dựng một cơ chế phối hợp quốc gia trong phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức của người dân và đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự.

Sứ mệnh của Quỹ Dân số LHQ còn bao gồm lĩnh vực Dân số và Phát triển. Các dữ liệu và bằng chứng về dân số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển. Nếu không có các dữ liệu chính xác về dân số, các nhà hoạch định chính sách sẽ không biết cần đầu tư vào trường học, bệnh viện và đường xá ở những khu vực cần nhất, đồng thời họ cũng không biết các nhóm dân số nào cần được đầu tư hỗ trợ nhiều nhất. Kể từ những năm 1980, UNFPA bắt đầu hỗ trợ Tổng cục Thống kê thực hiện tất cả các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, và các cuộc điều tra quốc gia  khác (ví dụ như hai cuộc điều tra quốc gia về di cư nội địa năm 2004 và năm 2015, và điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014). Kết quả từ các cuộc điều tra này đã góp phần cung cấp các dữ liệu có chất lượng và đáng tin cậy phục vụ cho các công tác hoạch định chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của quốc gia, đẩy mạnh công bằng xã hội đồng thời đảm bảo quyền con người. Kết quả của các nghiên cứu chuyên đề từ các cuộc điều tra này đã giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về nhu cầu của các nhóm dân cư đặc biệt. Thông qua việc phân tích các số liệu dân số, mà nhu cầu và tiềm năng của phụ nữ, thanh niên, vị thành niên, người di cư, người cao tuổi cũng như việc hiểu thấu đáo hơn về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ hội dân số vàng, già hóa dân số đã giúp đưa ra các hành động ứng phó kịp thời thông qua việc ban hành các chính sách phù hợp, hướng tới mục tiêu thời đảm bảo thực hiện các quyền con người cho các nhóm dân cư đó.

Thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Quỹ Dân số LHQ và Chính phủ Việt Nam, năng lực quốc gia về xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách cũng được tăng cường. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng các Chiến lược quốc gia về Chăm sóc Sức khỏe, Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, hai bộ luật quan trọng về Bình đẳng Giới và Phòng chống Bạo lực Gia đình, Chiến lược quốc gia và Chương trình Hành động về Bình đẳng giới và trong Chiến lược Thống kê Việt Nam.

Trong vòng một thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng về các động thái dân số Việt Nam, đặc biệt là những thay đổi trong cơ cấu dân số. Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng – một thời kỳ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội hiếm có. Tuy nhiên cùng lúc đó Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức khi dân số đang già hóa một cách nhanh chóng, như áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội và nền kinh tế. Tuổi thọ tăng cao mặc dù là một thành quả, nhưng đi kèm với mức sinh thấp, dưới mức sinh thay thế ở một số khu vực, không hứa hẹn sự phát triển dài hạn. Nhằm góp phần đưa ra các giải pháp ứng phó thích hợp, UNFPA đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, và các bên liên quan khác để xây dựng Luật Dân số trên cơ sở đảm bảo các quyền cho con người và áp dụng mô hình tiếp cận theo vòng đời nhằm giải quyết những thách thức về phát triển và nhân khẩu học mới xuất hiện.

Khi chúng ta cùng hướng tới một tương lai mà ở đó cấu trúc Một LHQ cho phép các tổ chức LHQ mở rộng phạm vi hoạt động của mình, kết hợp chặt chẽ với nhau hơn để cùng đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030; khi Việt Nam định hình là một nước có thu nhập trung bình, mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Quỹ Dân số LHQ và Việt Nam sẽ vẫn linh hoạt và sẵn sàng đáp ứng hỗ trợ kỹ thuật cho chính phủ, các tổ chức tư nhân, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển.

Với 40 năm đồng hành cùng Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Quỹ Dân số LHQ và chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển trong tương lai. Hôm nay tôi vinh hạnh được có mặt tại đây cùng với quý vị để khẳng định một lần nữa về cam kết của Quỹ Dân số LHQ tiếp tục “mang đến một thế giới mà mọi lần mang thai đều được mong muốn, mọi ca sinh đều an toàn và tất cả tiềm năng của thanh niên và vị thành niên đều được phát huy”.

Ngày hôm nay, tôi rất vui mừng được chào đón rất nhiều đại biểu đã đồng hành với Quỹ Dân số LHQ trong vòng 40 năm qua. Trong số đó, một số các vị đã nghỉ hưu, nhưng rất nhiều vị còn rất trẻ. Một trong những đại biểu trẻ tuổi nhất trong ngày hôm nay là bé Tường Anh, bé gái 10 tuổi được phỏng vấn vào năm 2016 trong trong Báo cáo Tình Trạng Dân số Thế giới của Quỹ Dân số LHQ có chủ đề đầu tư cho trẻ em gái. Bé gái 10 tuổi ngày hôm nay sẽ sang tuổi 24 khi Chương trình Phát triển mới của LHQ - Chương nghị sự 2030 của LHQ và Các Mục Tiêu Phát triển Bền vững - gặt hái thành công vào năm 2030. Chương trình Phát triển này nhằm đạt mục tiêu về một thế giới mà tất cả mọi người đều có cơ hội phát huy tiềm năng của mình – một thế giới mà không ai bị bỏ lại phía sau.

Thay mặt cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc và toàn thể cán bộ hiện tại và trước đây của tổ chức, tôi xin chân thành cảm ơn sự cống hiến và làm việc tận tụy để sự kiện kỷ niệm 40 năm hợp tác thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn và xin chúc các quí vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin cảm ơn!