Kính thưa:
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH);
Các đại diện từ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ LĐ-TB-XH; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và các tổ chức chính trị, xã hội;
Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam;
Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam;
Các cơ quan phát triển quốc tế, đại diện các tổ chức Liên Hợp Quốc, các cơ quan truyền thông;
Kính thưa quý vị đại biểu;
Trước tiên tôi xin được cám ơn tất cả các quý vị đại biểu đã tới tham dự Lễ phát động tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ngày hôm nay.
Thay mặt cho LHQ tại Việt Nam, tôi xin được cám ơn sự hợp tác và đánh giá cao sự cam kết và vai trò của Bộ LĐ-TB-XH trong việc điều phối và triển khai tháng hành động được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa công tác bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Kể từ năm 2012, Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch 16 ngày hành động cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động hưởng ứng chiến dịch toàn cầu mà Tổng thư ký LHQ khởi xướng năm 2006 có tên là "Unite" nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các chiến dịch được tổ chức hàng năm này cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ban ngành, các tổ chức xã hội và các cơ quan phát triển quốc tế.
Vào tháng 10 năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia vì Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và ghi nhận ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm là Tháng Hành động quốc gia về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Một lần nữa, điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ và nỗ lực to lớn của Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề hết sức quan trọng này.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ, nhưng thực trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất và chưa được giải quyết trên thế giới.
Trên toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người là đối tượng bị đàn ông lạm dụng – mà những lạm dụng lại chính là người thân của nạn nhân - có thể là cha, chồng, bạn trai, chú bác, quản lý, sếp hay đồng nghiệp tại nơi làm việc…
Tại Việt Nam, theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010, 58 phần trăm phụ nữ nói rằng họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ.
87 phần trăm cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.
10 phần trăm cho biết họ đã bị tấn công tình dục bởi chồng của họ.
Tuy nhiên 87 phần trăm nạn nhân không tìm đến sự giúp đỡ do việc thiếu các dịch vụ có sẵn. Nhiều người sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nữa.
Các số liệu này là bằng chứng rõ ràng cho chúng ta thấy rằng Chính phủ cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời, cần thiết phải tạo ra một môi trường thuận lợi để nạn nhân bị bạo lực không cảm thấy xấu hổ hoặc phải chịu áp lực mà phải giữ im lặng hoặc không dám nói ra. Thông thường trong các trường hợp bị bạo lực, người phụ nữ không dám nói hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý bởi vì họ phải cố giữ hình ảnh "gia đình hạnh phúc" trong mắt mọi người, và phải hy sinh quyền và nhân phẩm của chính bản thân mình. Điều này thực sự không phải là hạnh phúc thật sự của người phụ nữ và chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ này.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Chúng ta thường nhìn nhận bạo lực giới là 'vấn đề của người phụ nữ', nhưng tôi muốn nói với quý vị rằng nó cũng là "vấn đề của nam giới"! Với việc những người đàn ông chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thì chính họ cũng là một yếu tố quan trọng của giải pháp giúp chấm dứt bạo lực. Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc về nam tính cho thấy chúng ta có thể thay đổi thái độ và hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, mà những hành vi này dẫn tới bạo lực giới và lựa chọn giới tính do phân biệt giới.
Chúng ta cần tất cả mọi người thay đổi cách suy nghĩ.
Nếu chúng ta muốn giảm bạo lực, xung đột và chiến tranh, nếu chúng ta muốn các mối quan hệ giới một cách có ý nghĩa, chúng ta cần phải hiểu được nam giới và vấn đề nam tính một cách đầy đủ hơn, chúng ta sẽ phải xã hội hóa trẻ em trai và trẻ em gái khác nhau, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại khái niệm về nam giới và nữ giới là gì; chúng ta sẽ phải phát triển các quan hệ đối tác giữa trẻ em trai/đàn ông và trẻ em gái/phụ nữ.
Phụ nữ và nam giới phải đoàn kết cùng nhau hướng tới sự bình đẳng giới và hành động xóa bỏ bạo lực.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Ngày 25 tháng 11 hàng năm đánh dấu kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, với chuỗi 16 ngày hành động nhằm nâng cao nhận thức chống bạo lực trên cơ sở giới.
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để phát động tháng hành động và chiến dịch chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chiến dịch này sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không có sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng tất cả trẻ em trai và nam giới ở Việt Nam sẽ đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ.
Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề cần phải được ưu tiên đối với mỗi người đàn ông và phụ nữ.
Từ ngày hôm nay cho đến ngày 15/12, chúng ta sẽ đưa chiến dịch đến các trường học, sân vận động bóng đá, các trường đại học, các tỉnh thành và thông qua các phương tiện truyền thông.
Đại hội đồng LHQ đã thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)vào tháng 9 năm ngoái cho giai đoạn 2016-2020, trong đó có một Mục tiêu riêng về Bình đẳng giới, và nhiều kết quả đầu ra liên quan tới giới và thu thập số liệu và các chỉ số phân tách theo giới. Để các Mục tiêu phát triển bền vững có thể tạo ra tác động tích cực và có ý nghĩa, chúng ta cần phải hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Cùng nhau, chúng ta có thể biến Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn và công bằng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Cám ơn quý vị đã lắng nghe và xin chúc sự kiện và chiến dịch của chúng ta thành công rực rỡ.