Bạn đang ở đây

Kính thưa Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế,

Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng, Vụ phó Vụ Kế hoạch, Tài chính,

Tiến sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em,

Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình,

Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê và đại diện của các Bộ ngành khác,

Đại diện của các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế,

Đại diện các Sở Y tế tại 7 tỉnh thực hiện dự án,

Đại diện của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và và tổ chức xã hội Dân sự trong nước và quốc tế như…

Các đồng nghiệp từ Liên hợp quốc,

Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Tôi rất hân hạnh được có mặt tại đây ngày hôm nay tham dự Hội thảo Khởi động Dự án “Hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao tính công bằng trong chăm sóc Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và Kế hoạch hóa gia đình, tăng cường đáp ứng y tế cho các vấn đề mới nổi thông qua việc xây dựng và giám sát thực hiện các Luật và chính sách dựa trên bằng chứng và quyền con người”. Dự án này sẽ được Bộ Y tế thực hiện với sự trợ giúp kỹ thuật của Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt nam (UNFPA). Sự hợp tác này chính là một phần nội dung trong Kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc. Dự án sẽ góp phần bổ sung và củng cố những nỗ lực của các tổ chức khác thuộc Liên hợp quốc (đặc biệt là những nỗ lực của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi thực hiện các nội dung công việc trong trong hợp phần Y tế - một nội dung trong chương trình hợp tác chung đã được ký kết.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức năm 1994 tại Cairo (Việt Nam cũng là một quốc gia tham gia ký kết chương trình Hành động do Hội nghị đề ra) được coi là một cột mốc quan trọng trong lịch sử dân số và phát triển cũng như trong việc công nhận và thực hiện các quyền sinh sản và quyền chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ. Tại hội nghị, các quốc gia trên thế giới thống nhất rằng khái niệm dân số không chỉ đơn thuần đề cập tới việc xác định số liệu hay phương pháp tính toán tổng số dân mà quan trọng hơn, chúng ta cần đảm bảo rằng không có người dân nào bị bỏ lại phía sau và mọi người dân đều tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có chất lượng bao gồm các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện. Kể từ sau khi kết thúc Hội nghị Dân số và Phát triển (ICPD), rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt nam đã thực hiện đầu tư một nguồn lực đáng kể nhằm cải thiện việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản (SKSS) và Sức khỏe tình dục (SKTD). ICPD đã được đưa vào thành một nội dung trong chương trình nghị sự bao gồm xóa đói giảm nghèo, quyền của phụ nữ, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt nam.

Chúng ta đều tự hào nhận thấy Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có Mục tiêu 5 về Giảm tử vong mẹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt và sự bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD giữa các khu vực nông thôn và thành thị, giữa các vùng địa lý và giữa các nhóm dân số - đặc biệt là đối với nhóm dân số thiệt thòi. Một mặt chúng ta cần duy trì tốt những thành tựu đã đạt được, mặt khác chúng ta cần giải quyết những sự khác biệt và bất bình đẳng này, phản ánh trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, và trong bối cảnh chương trình nghị sự 2030, mục đích cuối cùng là đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Cho phép tôi nhấn mạnh vào ba nội dung chính trong buổi hội thảo ngày hôm nay:

Trước hết cho phép tôi đề cập tới vấn đề tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD cho nhóm dân số thiệt thòi:

Kết quả Điều tra giữa kỳ về Dân số và nhà ở thực hiện năm 2014 cho thấy số lượng thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi từ 10 đến 24, chiếm khoảng 22 triệu người trong tổng số 90 triệu người. Các kết quả cập nhật từ cuộc điều tra quốc gia về SKSS/SKTD cho thanh thiếu niên được thực hiện năm 2016 cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai hiện đại của thanh niên chưa lập gia đình hiện lên tới 30%. Có thể thấy công tác cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD cho VTN/TN vẫn là một khoảng trống trong các chính sách và chương trình can thiệp của Bộ Y tế trong nhiều năm qua.

Các con số ước tính cho thấy hàng năm tỷ lệ mang mang thai ngoài ý muốn của Việt nam hiện đang ở mức cao. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai không liên tục, tỷ lệ thất bại cao trong sử dụng các biện pháp tránh thai và nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện đại đang ở mức cao trong một số nhóm người chính là những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Lấp khoảng trống trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ SKSS/SKTD, đặc biệt cho thanh niên, sẽ giúp giúp mỗi người theo đuổi ước mơ, hoài bão và phát triển hết tiềm năng của mình. Đầu tư vào chăm sóc Sức khỏe và Phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp đất nước mang lại những lợi ích về kinh tế và xã hội lâu dài.

Vấn đề thứ hai mà tôi muốn đề cập tới là vấn đề: phòng ngừa ung thư cổ tử cung:

Ung thư cổ tử cung hiện nay là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chăm sóc SKSS/SKTD ở Việt Nam. Hàng năm, số ca tử vong có liên quan tới ung thư cổ tử cung tại Việt nam có thể dao động từ 2.500 tới 2.700 người. Điều này có nghĩa là ngày hôm qua có 10 ca tử vong liên quan tới ung thư cổ tử cung và hôm nay sẽ có thêm 10 người nữa tử vong do cùng một nguyên nhân liên quan tới ung thư cổ tử cung. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy nếu các em gái được tiếp cận với vắc xin HPV và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sớm một cách có hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể giảm đáng kể con số tử vong này.  Mặc dù vắc xin HPV đã được thí điểm thành công nhưng các vắc xin này hiện vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, hiện nay các chi phí liên quan tới tiêm vắc xin HPV và thực hiện xét nghiệm sàng lọc sớm về ung thư cổ tử cung hiện vẫn chưa được gói bảo hiểm y tế quốc gia chi trả. Đây chính là một rào cản lớn cần phải vượt qua nếu chúng ta muốn tránh được 10 ca tử vong cho phụ nữ Việt nam vào ngày mai, 10 ca vào ngày kia và nhiều ca tử vong do ung thư cổ tử cung – căn bệnh hầu như có thể phòng ngừa được - gây ra trong những ngày kế tiếp.

Vấn đề thứ ba tôi muốn nhấn mạnh là việc xây dựng các chính sách dựa trên bằng chứng:

Một trọng tâm nữa của dự án trong chu kỳ này là xây dựng và thu thập các bằng chứng có chất lượng để phục vụ cho công tác xây dựng các luật, chính sách và hướng dẫn về quyền và chăm sóc SKSS/SKTD. Liên quan tới vấn đề này, cho phép tôi lưu ý với quí vị rằng một mặt chúng ta đang nỗ lực cải thiện chất lượng của các thông tin/dữ liệu mà chúng ta xây dựng/thu thập, nhưng một vấn đề quan trọng hơn là chúng ta cần hết sức chú trọng tới việc sử dụng các bằng chứng đã được cập nhật trong công tác xây dựng và thực hiện các Bộ luật, chính sách và chương trình. Ngoài ra, với nhu cầu đa dạng của người dân như hiện nay, việc ban hành một chính sách áp dụng cho tất cả mọi nhóm dân số trong xã hội sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. Chính vì lý do này, chúng ta cần đảm bảo việc xây dựng các quy định luật pháp, các chính sách và các hướng dẫn cần có sự tham gia của người dân nhằm đáp ứng được nhu cầu của họ và kết quả của các quy định pháp luật và đầu tư có thể được thực hiện và giám sát một cách có hiệu quả tại các địa phương.

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Chúng ta có mặt tại đây ngày hôm nay để thảo luận những ưu tiên trong chương trình và các chiến lược thực hiện dự án cho giai đoạn 2017-2021, cho phép tôi nhấn mạnh với quí vị một số thông điệp sau:

  1. Cần tập trung xây dựng và giám sát việc thực hiện một cách thức tiếp cận dựa trên quyền trong cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD. Điều này sẽ mang lại cho người dân những dịch vụ có chất lượng hơn đồng thời giúp tất cả người dân đặc biệt là các nhóm dân số thiệt thòi như thanh niên và người di cư chưa kết hôn có thể đưa ra những quyết định cho chính mình sau khi đã được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan. Bộ Y tế cần đóng vai trò lãnh đạo trong công tác này.
  2. Để góp phần đạt được các mục tiêu về tài chính y tế bền vững và cải thiện độ bao phủ trong phổ cập chăm sóc y tế, chính phủ cần thực hiện các công việc thể hiện tham vọng cao hơn. Cần ban hành các cơ chế tài chính y tế thích hợp để cải thiện việc tiếp cận với việc tiêm vắc xin HPV, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung và các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD quan trọng khác.
  3. Cuối cùng, cần đảm bảo rằng các chính sách quốc gia được thực hiện và giám sát một cách có hiệu quả tại địa phương. UNFPA hiện đã và đang phối hợp cùng với UNICEF, WHO và các tổ chức khác của Liên hợp quốc thực hiện cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được tầm nhìn về tiếp cận phổ cập với một gói dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD có chất lượng tại tất cả các xã và các huyện trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận thống nhất và đa ngành khi giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe. Để có thể thực hiện được cách tiếp cận này, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự.

Cuối cùng, tôi xin được nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Y tế đã giành nhiều nỗ lực cùng phối hợp chặt chẽ với chúng tôi trong suốt một năm vừa qua trong hoạt động xây dựng ý tưởng Dự án, xây dựng và hoàn thiện Đề xuất Thực hiện Dự án và Văn kiện Dự án làm cơ sở đề chúng ta có thể cùng nhau tham dự Hội thảo Khởi động Dự án ngày hôm nay. Tôi mong muốn sẽ có cơ hội được hợp tác chặt chẽ với tất cả các quí vị để có thể góp phần đáp ứng một cách có hiệu quả hơn các nhu cầu và ưu tiên trong chăm sóc SKSS/SKTD cho người dân Việt nam đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững.

Cảm ơn quý vị đã giành thời gian tham dự buổi hội thảo ngày hôm nay.

Cảm ơn sự chú ý theo dõi của quí vị.

Xin chúc tất cả quí vị dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống.