Kính thưa:
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y Tế;
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế;
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DSKHHGD;
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn
Đại diện của bộ Y Tế, Tổng cục DSKHHGD, các bộ ban ngành, các tổ chức chính phủ, các đại sứ quán, các cơ quan tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và các đồng nghiệp Liên Hợp Quốc;
Kính thưa quý vị đại biểu,
Xin chào tất cả các bạn và đặc biệt xin chào các bạn trẻ đại diện cho thanh thiếu niên Việt Nam đã có mặt ở đây với chúng tôi ngày hôm nay. Tôi rất vinh dự được thay mặt UNFPA Việt Nam, phát biểu trước các bạn trong buổi lễ kỷ niệm ngày Dân số Thế giới năm 2016. Đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Y tế, Tổng cục Dân số và Kế hoạch gia đình, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Trung ương Đoàn, đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm ngày hôm nay.
Ngày Dân số Thế giới được tổ chức trên toàn cầu nhằm thu hút sự quan tâm của thế giới tới một số vấn đề dân số nổi bật của thời đại chúng ta. Chủ đề mà Liên Hợp Quốc chọn cho năm nay là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Thế giới của chúng ta hiện nay có nhóm dân số trẻ đông nhất từ trước tới nay. Trong tổng dân số 7,3 tỷ người thì có tới 1.8 tỷ người trẻ trong độ tuổi 10-24. Điều đó có nghĩa là thế giới có 1,8 tỷ tiềm năng không giới hạn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng Việt Nam đang trải qua thời kỳ “Cơ cấu Dân số Vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử của Việt Nam. Nhóm dân số trẻ từ 10 đến 24 tuổi chiếm gần 40 phần trăm dân số. Thời kỳ Cửa sổ nhân khẩu học là cơ hội duy nhất giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi dân số và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà Việt Nam hoàn toàn ủng hộ với tư cách là quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.
Kính thưa quý vị đại biểu
Khi quyền của trẻ em gái được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, cộng đồng quốc tế đã ủng hộ nhiệt tình và khẳng định rằng đầu tư vào trẻ em gái đem lại lợi ích vô cùng lớn lao.
Đảm bảo rằng trẻ em gái, cũng giống như trẻ em trai, được thực hiện quyền của mình như quyền được phát biểu ý kiến và quyền được lắng nghe, được đi học, không phải làm quá nhiều việc trong gia đình, có kỹ năng và cơ hội để tham gia vào các dịch vụ công cộng và có công việc ổn định. Điều này không chỉ cần thiết cho cuộc sống của các em, mà còn là nền tảng quan trọng về sức khoẻ, cuộc sống hạnh phúc của gia đình và cộng đồng cũng như cả quốc gia.
Khi trẻ em gái được hỗ trợ để có thể đưa ra quyết định trong cuộc sống và được hưởng quyền của chính mình, không những các em sẽ có sức khoẻ tốt hơn, mà còn sinh ra những đứa con khoẻ mạnh hơn; các em có thể đóng góp tới sự phát triển của đất nước, với tư cách là những người lao động có trí tuệ, những chuyên gia kinh tế, những doanh nhân giúp đất nước tận dụng được thời kỳ Cơ cấu dân số Vàng và giúp tăng trưởng kinh tế.
Một số thách thức đáng lo ngại ở cấp toàn cầu mà trẻ em gái vị thành niên trên thế giới đang phải đối mặt, như là còn có rất nhiều phụ nữ trình độ học vấn thấp hoặc hầu như không được tham gia vào quá trình ra quyết định ở cấp quốc gia, hoặc những hủ tục có hại như cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và kết hôn khi còn quá trẻ.
Việt Nam đã ghi nhận quyền của phụ nữ và đã có những đầu tư về giáo dục và y tế cho tất cả mọi người. Chúng ta đều nhìn thấy sự cam kết này và các đầu tư đều thể hiện rõ trong nhiều chỉ số phát triển.
Trong bối cảnh như hiện nay, tăng cường đầu tư hơn nữa cho trẻ em gái vị thành niên cần phải là một ưu tiên hàng đầu, để Việt Nam có thể tận dụng được lợi ích từ những đầu tư trước đây, giúp tiếp tục xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh và công bằng cho tất cả mọi người.
Thông điệp nổi tiếng của UNFPA "Không bỏ ai lại phía sau" cần phải được áp dụng ở đây: chúng ta cần phải gia tăng nỗ lực để chấm dứt nạn tảo hôn trong một số nhóm dân tộc ít người và một số hủ tục có hại khác như lựa chọn giới tính khi sinh, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em gái và cả trẻ em trai.
UNFPA, trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, ở cấp toàn cầu cũng như ở Việt Nam, đang vận động cho những cam kết và đầu tư để trẻ em gái được tiếp cận đầy đủ tới giáo dục giới tính toàn diện, cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng bao gồm các phương tiện tránh thai và tiêm vắc xin phòng chống ung thư cổ tử cung cho các trẻ em gái vị thành niên. Và không kém phần quan trọng, đóp là tạo điều kiện cho các em được đi học, dù các em sống ở nông thôn hay thành thị, có thai hay không, kết hôn hoặc vẫn còn độc thân.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tôi rất vui mừng khi thấy có rất nhiều các đại diện của thanh thiếu niên Việt Nam ở giữa chúng ta ngày hôm nay. Những người trẻ tuổi có quyền có tiếng nói của mình. Việc thanh niên tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, là rất quan trọng. Để giúp giới trẻ trở thành một phần của cơ chế điều phối các vấn đề thanh thiếu niên tại Việt Nam, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ là mời họ đến tham dự với chúng ta. Chúng ta cần phải đưa các đại diện thanh niên cùng ngồi thảo luận trực tiếp khi quyết định đang được đề ra.
Để có được sự tham gia đầy đủ của những người trẻ tuổi, cần phải có sự tôn trọng và đoàn kết giữa các thế hệ, sự hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội ở các thời điểm khác nhau trong cuộc sống, cũng như nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng cho giới trẻ, tạo ra quan hệ đối tác bền vững mà tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Điều này bao gồm những kiến thức kinh tế, xã hội của giới trẻ và những giải pháp mà các em đưa ra, với tư cách là những công dân của đất nước. Sự tham gia của các em không chỉ dẫn đến những quyết định tốt hơn, mà còn thúc đẩy sự phát triển của giới trẻ và những cam kết của họ để trở thành những người xây dựng tương lai của Việt Nam.
Tôi khuyến khích các bạn trẻ ở đây ngày hôm nay, các bạn nữ và các bạn nam, các bạn đại diện cho tương lai của Việt Nam, hãy nói lên tiếng nói của các bạn, nói lên những nhu cầu và thực tế cuộc sống của các bạn theo những cách thức sáng tạo và hiệu quả nhất. Đối với chúng tôi và những người khác, tôi khuyến khích mọi người chú ý lắng nghe những gì giới trẻ nói. Sự chia sẻ và đoàn kết giữa các thế hệ đóng vai trò then chốt giúp phá bỏ định kiến và đảm bảo rằng người trẻ tuổi, cũng như người lớn tuổi đều là đối tác bình đẳng để tạo ra sự thay đổi tích cực giúp xây dựng một xã hội, công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người.
Kính thưa các vị khách quý,
Chương trình nghị sự 2030 kêu gọi chúng ta không được phép để cho bất kỳ ai tụt lại phía sau. Chương trình này sẽ thành công khi mà chúng ta xây dựng:
• Một thế giới mà trẻ em gái được thực hiện các hoài bão và khát vọng của mình, dù em sinh ra ở bất kỳ nơi đâu.
• Một thế giới mà các trẻ em gái được tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khoẻ sinh sản và có kiến thức và sự tự tin cần thiết để đưa ra được những quyết định đúng đắn trong cuộc sống.
• Một thế giới mà trẻ em gái có thể bước vào giai đoạn trưởng thành đầy tự tin bởi vì em ấy được giáo dục tốt và không bị bạo lực, được đối xử tôn trọng và bình đẳng như các trẻ em trai, dù em sinh ra ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ giới tính nào, có những đặc điểm riêng biệt nào thì quyền con người của các em cần được đảm bảo và tôn trọng.
UNFPA, làm việc với Chính phủ, các đại diện phát triển, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để tìm ra các biện pháp để hỗ trợ Việt Nam đảm bảo sức khoẻ, phát triển và quyền của giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên. Chúng tôi cam kết hướng tới một thế giới mà tiềm năng mỗi người trẻ được phát huy, quyền và sự khác biệt của các bạn trẻ được tôn trọng.
Xin cảm ơn các quý vị đại biểu và các bạn trẻ đã quan tâm và tích cực tham gia sự kiện quan trọng này. Chúc quý vị mạnh khỏe và chúc cho sự kiện ngày Dân số thế giới của chúng ta thành công rực rỡ!