Bạn đang ở đây

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam;
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Phó Chủ tịch Hội Người Cao Tuổi Việt Nam;
Kính thưa Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH
Kính thưa ông Eduardo Klien, Giám đốc khu vực, Tổ chức HelpAge Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương;
Kính thưa các đại diện của Bộ LĐ-TB-XH, các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước;
Kính thưa các đồng nghiệp đại diện cho các cơ quan Liên Hợp quốc và các cơ quan báo chí;
Các đồng nghiệp Văn phòng UNFPA tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương;
Kính thưa toàn thể quý vị;

Xin chúc quý vị một buổi sáng tốt lành.
Tôi vô cùng hân hạnh được đại diện cho Quỹ Dân số LHQ (UNFPA)  khai mạc hội nghị quan trọng này với chủ đề Tác động của già hóa đối với kinh tế, đây là một chủ đề mang tính then chốt đối với khu vực của chúng ta, cũng như toàn cầu.

Già hóa dân số tại châu Á và Thái Bình Dương không phải là chủ đề mới. Nhiều người trong số chúng ta – như  chính phủ, tổ chức HelpAge, các tổ chức xã hội dân sự, UNFPA và các đối tác khác, đã hoạt động trong lĩnh vực này từ khá lâu.

Song, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trước những biến động nhân khẩu nhanh chóng, đưa ra những chiến lược chiến lược ứng phó các thách thức cũng như tận dụng các cơ hội của những thay đổi phức tạp này.

Châu Á – Thái Bình Dương hiện là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số trên 60 tuổi của toàn thế giới. Vào năm 2050, dự kiến có gần hai phần ba dân số cao tuổi - khoảng 1,3 tỉ  người- sống ở khu vực này, với tỉ lệ là cứ 4 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Ở khu vực Đông và Đông Nam Á , tỷ lệ này là 1 trên 3.

Phụ nữ hiện chiếm đa số, khoảng 54% số người cao tuổi tại châu Á – Thái Bình Dương. Song họ còn chiếm tỷ lệ cao hơn nữa là 61%, trong số người già nhất, từ 80 tuổi trở lên.
Tuổi thọ ngày càng tăng, tất nhiên, là một trong những thành tựu lớn nhất của loài người. Đó là thắng lợi của sự phát triển xã hội, kinh tế và công nghệ tại một khu vực mà cách đây không lâu có một bức tranh hoàn toàn khác về tuổi thọ trung bình.

Tuy nhiên, cùng thời điểm này, ở ngày càng nhiều nước, tốc độ tăng dân số đang chững lại.
Nhờ sự tiếp cận tốt hơn tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, tỷ lệ tử vong ở mẹ giảm và tỷ lệ sống sót ở trẻ em tăng lên. Các cặp vợ chồng vì thế cũng lựa chọn sinh ít con hơn so với trước đây.

Cấu trúc gia đình cũng đang thay đổi do biến động dân số cùng với với quá trình đô thị hóa và di cư, tác động tới hệ thống hỗ trợ gia đình truyền thống tại khu vực này. Trong những thập kỷ tới đây, bức tranh nhân khẩu học của các nước như Trung Quốc và Thái Lan sẽ trở nên giống với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số nước khác ở châu Âu hiện nay.

Kịch bản này vẫn tồn tại nhiều thách thức, song cũng  mở ra nhiều cơ hội. Những lựa chọn được thực hiện ngày hôm nay sẽ quyết định tương lai của các quốc gia trong vòng 30-40 năm nữa.
Tất nhiên, đây là một thách thức đối với chính phủ các nước trong việc xây dựng và áp dụng các chính sách công nhằm hỗ trợ dân số thuộc mọi nhóm tuổi, gồm cả người cao tuổi – đặc biệt là trong bối cảnh dân số biến động nhanh chóng.

Các chính phủ và các nhà lập chính sách có xu hướng quan tâm chủ yếu vào chi phí của việc giải quyết vấn đề già hóa dân số - những chi phí liên quan đến nhu cầu gia tăng về dịch vụ y tế, chăm sóc lâu dài, bảo trợ xã hội và chế độ hưu trí. Song chúng ta cần có tư duy chính trị, kinh tế-xã hội khác biệt, để có thể làm chuyển biến các thách thức và nhận biết các cơ hội đang thực sự tồn tại ngay trong bối cảnh già hóa dân số.

Trong thực tế, người cao tuổi có đóng góp vô cùng quan trọng cho gia đình, cộng động và lực lượng lao động. Việc đảm bảo rằng họ có khả năng tiếp tục đóng góp tích cực về xã hội và kinh tế, có cuộc sống ổn định và lành mạnh lúc tuổi già không chỉ là điều cần phải làm, mà chính là một quyết sách thông minh – cho nền kinh tế và cho xã hội.

Một số nước đã và đang thực hiện hoặc bắt đầu thực thi các chính sách nhằm đạt được mục tiêu này. Song tất cả các nước thực sự cần phải làm việc này – để đảm bảo các lợi ích kinh tế và xã hội được gặt hái, tăng cường và duy trì bền vững về lâu dài.

UNFPA cộng tác chặt chẽ với các chính phủ nhằm giúp xây dựng các chính sách ứng phó với các vấn đề già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phụ nữ. Tăng cường năng lực thu thập và phân tích số liệu cũng là một nội dung quan trọng của hoạt động này.

Đối tác chính của chúng tôi trong nỗ lực này là Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi (HelpAge) – một đối tác tin cậy và quý báu đã đồng hành cùng chúng tôi nhiều thập kỷ qua. UNFPA tự hào được chung tay với HelpAge trong phong trào toàn cầu bảo vệ quyền của người cao tuổi. HelpAge từ lâu luôn là người tiên phong trong các nỗ lực này – UNFPA trân trọng vai trò dẫn dắt của HelpAge.

Ngay từ năm 1994, Chương trình hành động của ICPD đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới già hóa. Cam kết đó được tái khẳng định mạnh mẽ trong Kế hoạch hành động Madrid 2002 ứng phó với già hóa dân số của các chính phủ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Hội nghị Dân số châu Á – Thái Bình Dương năm 2013 tổ chức ở Bangkok.

Năm 2017 sẽ đánh dấu lần đánh giá thứ ba việc thực hiện Kế hoạch Hành động Madrid, nhằm xem xét tiến độ đạt được trong việc thực hiện các quyền con người của người cao tuổi – bao gồm quyền được sống và có nhân phẩm và bảo trợ xã hội, được tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội thiết yếu và được hưởng thu nhập tối thiểu nhằm duy trì sự độc lập, tránh nghèo đói và hưởng tuổi già lành mạnh.

Việc đảm bảo một xã hội công bằng và tiến độ thực hiện Chương trình hành động Madrid có ý nghĩa then chốt nhằm đạt được các mục tiêu mà Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 đặt ra, với cam kết trung tâm là không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Trong sự nghiệp này, khu vực của chúng ta có tiềm năng trở thành khu vực dẫn đầu – hãy cùng nhau hành động để thành công, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Chúng tôi xin chúc mừng và cảm ơn HelpAge đã dẫn dắt chúng ta đến với nhau trong ngày hôm nay, và đã tạo cảm hứng cho chúng ta cùng hợp tác để gặt hái những lợi ích mà lợi thế già hóa mang lại cho toàn xã hội.

UNFPA xin chúc toàn thể quý vị những phiên hội nghị thành công tại Hà Nội trong tuần này và mong được cộng tác với quý vị trong những năm sắp tới.