Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Hội nghị triển khai Luật Thanh niên tại Đà Lạt

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Hội nghị triển khai Luật Thanh niên tại Đà Lạt

Tin tức

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Hội nghị triển khai Luật Thanh niên tại Đà Lạt

calendar_today 28 September 2020

Kính thưa ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;  

Kính thưa các đại biểu Ủy ban Nhân dân của 30 tỉnh thành miền Trung và miền Nam;

Kính thưa đại biểu của Sở Nội vụ các tỉnh;

Các đại biểu từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng;

Các bạn thanh niên

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Hôm nay tôi rất vinh dự có mặt tại thành phố Đà Lạt tham dự hội nghị phổ biến Luật Thanh niên sửa đổi, đã được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2020.

 

Ngày 10 tháng 9 năm 2020, tôi vinh dự được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn mời dự hội nghị phổ biến Luật Thanh niên sửa đổi cho các đại biểu của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan trung ương.

 

Luật Thanh niên sửa đổi 2020 tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, các bộ ngành và các tổ chức thanh niên giải quyết các vấn đề phát triển thanh niên trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ chuyên môn được giao ở cấp địa phương.

 

Luật cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ ở cấp trung ương và địa phương trong việc thực hiện Luật Thanh niên cũng như các sáng kiến ​​và hoạt động liên quan đến thanh niên hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030.

 

Chúng tôi đánh giá cao cam kết chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam ở các cấp đối với công tác thanh niên, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo Luật Thanh niên đã được phê duyệt được thực thi.

 

Để thực hiện được việc này, tôi muốn nêu ra một số vấn đề sau:

 

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Luật Thanh niên và các chính sách liên quan đến thanh niên, cũng như lồng ghép công tác thanh niên vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này đòi hỏi cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở  chuyên môn với sự điều phối của Sở Nội vụ và sự chỉ đạo  của Uỷ ban nhân dân tỉnh, để cùng xác định các ưu tiên về phát triển thanh niên của địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh nhằm giải quyết các ưu tiên  phát triển thanh niên với hiệu quả kinh tế. Trong cơ chế này, lãnh đạo UBND tỉnh cần hiểu về quyền của thanh niên một cách đây đủ và tính cần thiết của việc lồng ghép công tác thanh niên trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Thứ hai, Sở Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở cấp địa phương, hỗ trợ và tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa ra các quyết định của tỉnh về các chương trình phát triển thanh niên tại địa phương. Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức hiện nay của Sở Nội vụ ở nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu nguồn nhân lực để thực hiện công việc quan trọng này.

 

Sở Nội vụ cần thực hiện hiệu quả chức năng của mình trong việc điều phối các sở khác như Sở Y tế, Sở GD & ĐT và Sở LĐTBXH trong các kế hoạch phát triển thanh niên của tỉnh. Để làm được như vậy, Sở Nội vụ cần phải xem xét lại nguồn nhân lực hiện tại liên quan đến công tác thanh niên ở tỉnh và đảm bảo phân bổ đủ nguồn nhân lực. Các cán bộ được giao nhiệm vụ công tác thanh niên cần được đào tạo thường xuyên và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn.

 

Thứ ba,  Điều quan trọng chúng ta cần nhớ rằng tác động của Luật Thanh niên và các chính sách liên quan đến thanh niên cần được giám sát qua các chỉ số phát triển thanh niên quốc gia trong khuôn khổ phát triển thanh niên ASEAN bao gồm chỉ số phát triển thanh niên ASEAN. Do đó, việc thu thập số liệu, phân tích số liệu, báo cáo kịp thời và đầy đủ về sự phát triển của thanh niên từ các tỉnh là rất quan trọng cho việc ra quyết định dựa trên bằng chứng ở cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tiến bộ của Việt Nam về phát triển thanh niên đang được so sánh với các nước trong ASEAN và chúng tôi tin tưởng rằng với vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam hiện nay, Việt Nam có thể dẫn đầu và chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước trong khu vực.

 

Cuối cùng, chúng tôi đặc biệt mong muốn UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh đưa ra cơ chế đối thoại với thanh niên và thảo luận các vấn đề ảnh hưởng đến thanh niên ở tỉnh. Ở cấp quốc gia, Bộ Nội Vụ đã tạo các diễn đàn thảo luận với thanh niên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Thanh niên, và đây là một ví dụ điển hình. Chúng tôi tin tưởng rằng thanh niên Việt Nam có thể đóng góp đáng kể trong việc ra quyết định và cung cấp các giải pháp cụ thể, độc đáo và hiện đại phù hợp với họ ở cấp tỉnh và cộng đồng. Thanh niên Việt Nam có nhiều tiềm năng đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Kính thưa các quý vị,

 

Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Chúng ta có lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử Việt Nam và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Cần có đầu tư chiến lược ngay từ bây giờ cho thanh niên để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

 

Chúng ta biết rằng thanh niên không phải là một nhóm đồng nhất. Không có một giải pháp nào phù hợp cho tất cả thanh niên. Do đó, các tỉnh cần cố gắng đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các nhóm thanh niên đa dạng như thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nhập cư, phụ nữ và trẻ em gái và thanh niên đồng tính.

 

Tôi xin khẳng định rằng UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng thanh niên Việt Nam sẽ được phát huy hết tiềm năng của mình.

 

Cảm ơn các quý vị đã tham dự và chú ý lắng nghe.