Kính thưa Thứ Trưởng Trần Văn Thuấn,
Thưa đại diện các cục, vụ có liên quan của Bộ Y Tế, các Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự;
Xin chúc các quý vị có một buổi sáng tốt lành,
Tôi vô cùng vinh dự được có mặt tại đây ngày hôm nay để phát biểu đề dẫn cho hội thảo về Giá trị của Chuẩn đoán y tế tại Việt Nam với tiêu đề “Sáng lọc tốt hơn sẽ giúp việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn tại Việt Nam”. Xin cảm ơn Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN đã tạo cơ hội cho tôi được tham dự sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.
Mỗi năm, hàng triệu người đã tử vong do những căn bệnh mà thực tế đã chứng mình là có thể phòng ngừa được nếu sử dụng thuốc phòng chống để ngăn không cho những căn bệnh đó xảy ra, hoặc giúp ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng do căn bệnh đó gây nên.
Tôi xin phép được đưa ra đây một ví dụ cụ thể đó là ung thư cổ tử cung trong bối cảnh của Việt Nam. Ngày nay, ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những lo lắng về sức khỏe người dân và tiếp tục đe dọa đến an sinh và hạnh phúc của phụ nữ nói riêng và mọi người dân nói chung. Báo cáo năm 2018 cho biết ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư thứ sáu phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ tại Việt Nam với gần 4.200 ca mới và 2,420 ca tử vong. Dự báo, nếu không có bất cứ can thiệp nào, khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2070.
Nghiên cứu cho thấy sau 60 tuổi, phụ nữ có nguy cơ ung thư xâm lấn cao. Đây là mối quan tâm lớn về sức khỏe tại Việt Nam khi tốc độ già hóa đang tăng nhanh. Hiện tại, 12,8% dân số Việt Nam là người từ 60 tuổi trở lên và Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ giai đoạn “già hóa” bắt đầu từ năm 2011 sang “dân số già” vào năm 2036. Phụ nữ Việt Nam chịu tác động khác nhau do quá trình già hóa dân số này vì phụ nữ sống lâu hơn nam giới và thực tế là số phụ nữ cao tuổi cũng như số phụ nữ thuộc nhóm dân số nghèo đang gia tăng. Theo thời gian, sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung đang tác động đến quá trình già hóa dân số. Vì vậy cần thiết phải có chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung lâu dài ở phụ nữ để chuẩn bị cho một quốc gia với dân số già.
Thưa các Quý vị,
Trên toàn cầu, số phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung nhiều hơn tổng số phụ nữ tử vong vì HIV, bệnh lao và sốt rét. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong cao do ung thư cổ tử cung có thể giảm được thông qua giải pháp tiếp cận tổng thể bao gồm phòng chống, chuẩn đoán sớm, sàng lọc hiệu quả và điều trị. Chúng ta đều biết rằng vắc-xin chống viêm nhiễm do vi-rút papilloma ở người (HPV) đã có từ năm 2006. Bằng chứng từ những nghiên cứu quốc tế cho thấy ung thư cổ tử cung, một vấn đề sức khỏe cộng đồng có thể được loại bỏ hoàn toàn nếu có sự kết hợp chiến lược giữa việc tiêm đầy đủ vắc-xin HPV cho trẻ em gái tuổi vị thành niên với việc tăng cường sàng lọc nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cùng với phác đồ điều trị phù hợp cho mọi phụ nữ. Rất đáng tiếc là hiện nay tỷ lệ tiêm vắc-xin HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung ở Việt Nam vẫn còn thấp. Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trong năm 2021 cho thấy chỉ có 12% phụ nữ và trẻ em gái tuổi từ 15 đến 29 được tiêm vắc-xin HPV và chỉ có 28% phụ nữ tuổi từ 30 đến 49 được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Một nghiên cứu điều tra mới do văn phòng UNFPA tại Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy việc tiêm vắc-xin HPV, khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và phác đồ điều trị phù hợp có thể đem lại những kết quả đáng kể về góc độ chăm sóc sức khỏe và kinh tế của Việt Nam. Tùy theo qui mô triển khai, các can thiệp sàng lọc, tiêm vắc xin và điều trị có thể giúp giảm tới 300,000 ca tử vọng ở phụ nữ do ung thư cổ tử cung ở Việt Nam. Với 1 đô la chi phí đầu tư cho các can thiệp này có thẻ mang lại 5-11 đô la nếu tính đến lợi ích kinh tế và từ 8-20 đô la nếu tính cả lợi ích kinh tế và xã hội.
Thưa các quý bị đại biểu,
Việt Nam đã có một hệ thống chăm sóc y tế ban đầu cấp cơ sở rất tốt với gần 90% dân số được hưởng bảo hiểm y tế và Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia rất hiệu quả. Tuy nhiên, bảo hiểm ý tế hiện tại chỉ thanh toán phần chữa bệnh mà không thanh toán các dịch vụ phòng bệnh như sàng lọc ung thư cổ tử cung. Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng chỉ bao gồm các vắc-xin cơ bản cho trẻ em trong đó không có một số vắc-xin mới như vắc-xin HPV. Những rào cản về tài chính và chính sách, trên thực tế, đã hạn chế việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sàng lọc tin cậy và tiên tiến. Cùng với chính phủ và các đối tác phát triển, UNFPA đã đưa ra những giải pháp chính sách cho chính phủ để có thể đưa vắc-xin HPV vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2026 sử dụng ngân sách quốc gia.
Trong khuôn khổ hợp tác đối tác với MSD, một công ty dược phẩm quốc tế, UNFPA đang hỗ trợ việc đưa vắc-xin HPV tới một số tỉnh chọn lọc (ví dụ như Quảng Ninh) sử dụng ngân sách của tỉnh. Để có thể đạt được mục đích này, UNFPA hỗ trợ xây dựng tài liệu tập huấn dành cho những cán bộ cung cấp vắc-xin và tài liệu truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em gái vị thành niên, cho cha mẹ, giáo viên và cộng đồng. Hiện chúng tôi đang hỗ trợ quá trình mua sắm vắc-xin HPV chất lượng quốc tế nhưng với giá ưu đãi cho Việt Nam.
Liên quan đến sáng lọc ung thư cổ tử cung, UNFPA đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y Tế để xây dựng hướng dẫn quốc gia, bộ tập huấn và kế hoạch cấp tỉnh. Chúng tôi cũng hỗ trợ nghiên cứu phân tích tình hình ghi nhận các sàng lọc ung thư cổ tử cung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sàng lọc trong cả nước cũng như tư vấn cho những nhà hoạch định chính sách hỗ trợ công tác sàng lọc.
Tại hội thảo ngày hôm nay, tôi được biết là các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các tổ chức vận động chính sách sẽ cùng chia sẻ quan điểm của mình, đưa ra những ý kiến và kiến nghị liên quan đến các công nghệ và dịch vụ sáng lọc hướng tới việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân Việt Nam. Tôi tin rằng thảo luận ngày hôm nay cũng sẽ tìm tòi những cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo việc cung cấp, khả năng tiếp cận với kinh phí phù hợp và sử dụng các công nghệ và dịch vụ phòng chống có chất lượng cho mọi người dân Việt Nam, ưu tiên đặc biệt tới nhóm dân số dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Đó là phụ nữ dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật, và thanh thiếu niên.
Không người chồng nào sẽ bị mất vợ. Không ai sẽ bị mất đi người chị/em của mình. Không một người làm cha, làm mẹ nào sẽ mất đi con gái của mình và không một đứa trẻ nào sẽ mất đi mẹ của mình chỉ vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Chúng ta phải cùng nhau kiến tạo một “xã hội cho mọi người ở mọi lứa tuổi” mà trong đó mọi người dù ở đâu đều có thể được hưởng thụ một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và quyền của mỗi người đều được tôn trọng.
Cám ơn sự lắng nghe của các quý vị!