Kính thưa ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;
Kính thưa các đại Văn phòng chính phủ;
Kính thưa đại biểu của Sở Nội vụ 20 tỉnh và thành phố phía Nam;
Các đại biểu từ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh;
Các đại biểu các trường đại học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu;
Các đại biểu của Nhóm tư vấn thanh niên và các bạn thanh niên;
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Hôm nay tôi rất vinh dự được có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh, tham dự hội thảo tham vấn Chiến lược Quốc gia về phát triển Thanh niên giai đoạn 2021-2030.
Dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, cách đây vài tháng, Luật Thanh niên sửa đổi đã được thông qua và phổ biến cho các đại biểu của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành và 63 tỉnh thành cả nước. Chúng tôi đánh giá cao cam kết chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam ở các cấp đối với công tác thanh niên.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Nội vụ chỉ đạo công tác xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển thanh niên gia đoạn 2021-2030. Chúng tôi hy vọng rằng Chiến lược này sẽ cung cấp khung rõ ràng, cụ thể và các phương pháp tiếp cận phù hợp cho tất cả các bộ ngành và chính quyền địa phương cùng hành động và thực hiện Luật Thanh niên 2020 nhằm giải quyết quyền và nhu cầu của thanh niên, bao gồm cả nhu cầu về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Năm 2018, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã phê duyệt Chiến lược về thanh niên của Liên hợp quốc, trong đó nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ thanh niên dưới 30 tuổi. Trên cơ sở đó, UNFPA đã xây dựng chiến lược toàn cầu dành cho thanh niên mang tên “Cơ thể tôi, Cuộc sống của tôi, Thế giới của tôi”. Chiến lược đặt thanh niên cũng như tài năng, nguyện vọng, quan điểm và nhu cầu riêng biệt của thanh niên vào trọng tâm của phát triển bền vững. Chiến lược nêu ra một loạt các nguyên tắc xây dựng chương trình được áp dụng cho công tác về thanh niên vị thành niên của UNFPA, đồng thời đưa ra một tư duy mới và phương thức triển khai chương trình mới cùng với thanh niên và dành cho thanh niên.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học, cần tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển đất nước. Theo điều tra dân số năm 2019, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ dân số trẻ cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam với 20,4 triệu thanh niên trong độ tuổi 10-24, chiếm 21% tổng dân số. Cơ hội nhân khẩu học, được xác định lần đầu tiên vào năm 2007 và dự kiến kéo dài đến năm 2041, mang đến cho Việt Nam một cơ hội duy nhất để nuôi dưỡng thế hệ trẻ coi họ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và môi trường
Trong bối cảnh này, tôi muốn nêu một số vấn đề cần được xem xét để xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên trong giai đoạn mới.
Thứ nhất, Thanh niên là trung tâm: Chiến lược cần đặt thanh niên vào trọng tâm của sự phát triển bền vững quốc gia. Chiến lược cần bao gồm tất cả đối tượng thanh niên, vị thành niên và đề cao sự đa dạng của họ. Đối với đối tượng thanh niên dễ bị tổn thương như trẻ em gái, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên đồng tính và lao động trẻ nhập cư, chúng ta cần nhận ra nhu cầu đặc biệt của họ để không ai bị bỏ lại phía sau trong chương trình phát triển của Việt Nam.
Thứ hai, tất cả thanh niên và vị thanh niên cần có những lựa chọn dựa trên thông tin đầy đủ. Chiến lược phải đảm bảo tất cả thanh niên, vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái, được tiếp cận thông tin và chương trình giáo dục toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, cũng như các dịch vụ thân thiện với thanh thiếu niên để họ có thể đưa ra các quyết định và lựa chọn về cuộc sống của họ dựa trên sự hiểu biết đầy đủ, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Quan trọng là Chiến lược mới cần giúp những người trẻ tuổi tự bảo vệ mình khỏi việc mang thai ngoài ý muốn, bạo lực trên cơ sở giới và các hành vi có hại cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bao gồm cả HIV / AIDS, nhằm tạo điều kiện cho quá trình trở thành người lớn một cách an toàn. Phát triển bền vững chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho thanh niên vị thành niên để đảm bảo quyền và lựa chọn của họ.
Thứ ba, sự tham gia của thanh niên: Bằng chứng cho thấy hợp tác với thanh niên là một cấu phần thiết yếu cho sự thành công của bất kỳ chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên nào. Trong bối cảnh Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị rằng Chiến lược thanh niên trong gia đoạn mới cần đề ra nỗ lực đáng kể và thực hiện các hành động cụ thể để tạo môi trường thuận lợi và cơ chế năng động cho phép thanh niên tham gia. Điều này bao gồm nhu cầu thiết lập các diễn đàn sáng tạo nhằm khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Quan hệ đối tác: Bên cạnh vai trò trọng tâm của Chính phủ, Chiến lược phát triển thanh niên mới cần đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan, bao gồm các tổ chức do thanh niên lãnh đạo và hỗ trợ thanh niên, các cơ quan chính phủ các cấp, các lãnh đạo cộng đồng, xã hội dân sự, giới khoa học, khu vực tư nhân và các cơ quan truyền thông, đóng các vai trò thiết yếu và hoạt động như một Nhóm thống nhất.
Tôi xin khẳng định rằng Liên hợp quốc, và đặc biệt là Quỹ Dân số liên hợp quốc, hoàn toàn cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong việc tạo ra và duy trì các cơ hội và quyền cho thanh niên.
Sự đóng góp các quan điểm độc đáo và có giá trị, chuyên môn và sự hiểu biết về các vấn đề thanh niên của các đại biểu tham gia hội thảo, bao gồm cả thanh niên cần phải được khuyến khích để cuộc thảo luận được phong phú.
Chúng tôi rất mong phiên thảo luận ngày hôm nay đạt hiệu quả. Xin kính chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin cảm ơn!