Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo về các vấn đề dân số mới nổi dành cho các đại biểu dân cử khu vực phía Nam

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo về các vấn đề dân số mới nổi dành cho các đại biểu dân cử khu vực phía Nam

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo về các vấn đề dân số mới nổi dành cho các đại biểu dân cử khu vực phía Nam

calendar_today 21 September 2020

Kính thưa ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (PCSA);

Các đại biểu của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;

Đại diện từ các Bộ ngành và các tỉnh;

Các đồng nghiệp tại Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và các cơ quan truyền thông;

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Tôi rất vinh dự được khai mạc hội thảo này cùng Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức buổi hội thảo này để chia sẻ và thảo luận với các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân về các vấn đề chính liên quan đến dân số, xu hướng nhân khẩu học và những tác động đối với sự phát triển bền vững.

 

Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các đại biểu dân cử đã có mặt tại đây ngày hôm nay. Những đóng góp và vai trò của quý vị trong việc tăng cường xây dựng và triển khai các chính sách và chương trình quốc gia là điều vô cùng quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm đến năm 2025, để bảo vệ quyền của tất cả mọi người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kính thưa các vị khách quý,

Tôi xin nêu một số vấn đề quan trọng về biến động dân số, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, bình đẳng giới và phát triển thanh niên cần được Quốc hội quan tâm sâu sát trong những năm tới.

Số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học, mở ra “cánh cửa cơ hội mới” khi số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người ở độ tuổi phụ thuộc. Điều này cho thấy đây là một cơ hội tuyệt vời về “lợi tức dân số”, tạo điều kiện và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Để tận dụng cơ hội tăng trưởng có một không hai này, chúng ta cần phải có các chính sách phù hợp để phát triển con người, đặc biệt là giới trẻ, về các lĩnh vực y tế, giáo dục, bình đẳng giới và việc làm. Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã cam kết và nỗ lực thông qua Luật Thanh niên sửa đổi. Việt Nam đang tập trung đầu tư vào phát triển thế hệ trẻ trong khu vực và trên toàn cầu, và việc Quốc hội tiếp tục hỗ trợ phân bổ ngân sách và giám sát chương trình sẽ thúc đẩy chương trình phát triển thanh niên đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030.

 

Đồng thời, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế rằng dân số Việt Nam đang già đi, thậm chí già đi nhanh chóng. Người cao tuổi chiếm 11,9% tổng dân số và tỷ lệ nghèo trong nhóm này là 9%, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước là 4,4%. Các nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, phải được đáp ứng, điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Covid-19. Cơ chế bảo trợ xã hội cho người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không nên bỏ qua thực tế rằng xã hội già hóa cũng có thể mang lại cơ hội kinh doanh mới cho ngành y tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và còn hơn thế nữa. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta có vô vàn cơ hội để tất cả mọi người, dù già hay trẻ, có thể phát triển và đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Kính thưa các vị khách quý,

 

Kết quả cuộc Tổng điều tra cho thấy những tiến bộ trong dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam, và tỷ lệ các ca sinh có nhân viên y tế chuyên môn cao hỗ trợ là 95,4%. Tỷ lệ tử vong ở mẹ năm 2019 là 46 trên 100.000 ca sinh sống, giảm 1/3 so với năm 2009. Việt Nam có nhiều khả năng đạt được mục tiêu về tỷ lệ tử vong ở mẹ sớm hơn dự kiến ​​theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Tuy nhiên, như đồng nghiệp của tôi, Tiến sĩ Dương Văn Đạt sẽ trình bày với quý vị ngày hôm nay, Covid-19 đang đe dọa tình trạng sức khỏe bà mẹ và có khả năng số ca tử vong mẹ vào năm 2020 sẽ gia tăng đáng kể do hậu quả tiêu cực của Covid-19. Chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này và cần phải có những biện pháp can thiệp tức thì nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến thai sản ở phụ nữ Việt Nam.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Một vấn đề nghiêm trọng khác vẫn chưa được giải quyết trong những năm gần đây, đó là lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hàng năm, ước tính có 40.800 bé gái thiếu hụt do tâm lý ưa thích có con trai, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và lựa chọn giới tính trước sinh. Điều này được chứng minh qua số liệu của Tổng điều tra dân số năm 2019, trong đó tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai trên 100 bé gái so với tỷ lệ sinh học tự nhiên là 105. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng cao nhất thế giới. Tại sao hàng năm, các bé gái ở Việt Nam không có cơ hội chào đời chỉ vì các em là con gái? Tại sao các bé gái không được sinh ra chỉ vì mang giới tính nữ? Việt Nam đã làm rất tốt khi đưa ra các khung pháp lý và chính sách để ngăn chặn và nghiêm cấm thực hành có hại nói trên, nhưng chúng ta vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn và trên phạm vi toàn quốc để thực hiện nghiêm túc các khung pháp lý và chính sách này nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Năm 2019, Điều tra quốc gia lần thứ 2 do UNFPA hỗ trợ về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam đã được thực hiện. Như bà Quỳnh Anh – đồng nghiệp của tôi sẽ trình bày với quý vị ngày hôm nay, nghiên cứu đã chỉ ra tính chất phức tạp phổ biến của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam. Sau 9 năm kể từ cuộc điều tra đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ, tỷ lệ bạo lực ở Việt Nam chỉ giảm nhẹ. Cứ 3 phụ nữ ở Việt Nam thì vẫn có gần 2 người từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ người chồng trong thời gian sống. Và tình trạng bạo lực đối với phụ nữ bị che giấu rất nhiều - phụ nữ hiếm khi nói ra hoặc tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Hầu hết tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục đều không tìm kiếm sự trợ giúp. Điều này thật đáng lo ngại.

 

Như chúng tôi đã đề cập, Chương trình quốc gia mới về Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đang được xây dựng, nhưng chúng ta cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chương trình quốc gia này với ngân sách được phân bổ đầy đủ. Theo Điều tra quốc gia, bạo lực đối với phụ nữ đã khiến Việt Nam thiệt hại ước tính khoảng 1,8% GDP vào năm 2018. Con số này quả thực rất lớn. Chúng ta phải thay đổi tư duy để nói không với bạo lực đối với phụ nữ; không ai được phép có bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với vợ của mình; và không ai được phép bạo lực hay xâm hại con gái mình và trẻ em gái.

 

Kính thưa các vị khách quý,

 

Chúng ta chỉ còn 10 năm nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Nếu không giải quyết các vấn đề về biến động dân số, sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục, bình đẳng giới và phát triển thanh niên, chúng ta sẽ không thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải cùng nỗ lực tạo ra một xã hội bình đẳng và tất cả các cặp vợ chồng, mỗi người dân Việt Nam phải được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con mà họ mong muốn, như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994

 

 

UNFPA đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu sau:

  • Không có trường hợp tử vong ở mẹ;
  • Không có trường hợp không được đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình;
  • Không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đã đến lúc chúng ta thực hiện cam kết để không bỏ ai lại phía sau. Với tư cách là đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử, quý vị có đặc quyền đại diện cho người dân Việt Nam và đưa tiếng nói của nhân dân vào quá trình xây dựng chính sách và đưa ra quyết định cho đất nước. Và do đó, tất cả quý vị đều có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đây không chỉ là việc đúng đắn mà còn là việc sáng suốt cần làm.

 

Cảm ơn quý vị và tôi mong rằng ngày hôm nay, chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận thật hiệu quả.