Kính thưa:
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Ông Jan Wilhelm Grythe, Quyền đại biện lâm thời, Đại sứ quán Na Uy;
Các đại biểu đến từ các bộ ngành và tổ chức Chính phủ;
Đại biểu đến từ các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các đồng nghiệp Liên Hợp Quốc và các cơ quan thông tấn báo chí.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thay mặt cho Quỹ dân số Liên Hợp Quốc UNFPA tại Việt Nam, tôi rất vinh dự được công bố một báo cáo quan trọng của UNFPA Việt Nam, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 với tiêu đề “Trái với ý muốn của tôi: Xóa bỏ những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái và gây bất bình đẳng”.
Hãy hình dung một bé gái mới 12 tuổi. Em rất thích tới trường. Cô giáo nói em rất có khiếu học môn Toán. Rồi một ngày nọ, khi em thức dậy, cha mẹ bảo em hãy mặc bộ trang phục đẹp nhất. Trong vòng vài tiếng đồng hồ nữa, em sẽ phải cưới một người hàng xóm gấp ít nhất ba lần tuổi em. Em sẽ không bao giờ được đi học nữa.
Giờ hãy hình dung tiếp về một cô bé khác. Cô bé này mới 16 tuổi. Cũng vào một ngày nọ, cô bé phát hiện mình chuẩn bị trải qua một nghi thức. Vài tiếng sau, bộ phận sinh dục của cô bị cắt bỏ bởi một người phụ nữ đã làm điều này với tất cả các cô bé khác trong làng.
Và cuối cùng là một cô bé mới 4 tuổi. Cô bé tình cờ nghe thấy cha mẹ than phiền họ khổ sở thế nào vì không có con trai. Họ coi con gái mình chỉ là một gánh nặng.
Theo Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới của UNFPA, chúng ta không cần phải hình dung ra những cảnh tượng này, bởi lẽ chúng hiện hữu trong đời thực. Và đây chỉ là ba trường hợp diễn ra trong số hàng chục ngàn trường hợp như thế trong một ngày. Chúng xảy ra mỗi ngày. Trên toàn thế giới.
Báo cáo của chúng tôi đã chỉ ra rằng có ít nhất 19 thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; những thực hành này bị cả thế giới lên án là hành vi xâm hại và vi phạm quyền con người. Tuy nhiên, trong số này, có ba thực hành vẫn ngang nhiên xảy ra ở nhiều khu vực, đó là:
- Cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM);
- Tảo hôn;
- Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Tổn thất đối với con người là vô cùng to lớn.
Năm nay trên toàn thế giới, hơn 4 triệu trẻ em gái sẽ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục.
Ngày hôm nay, 33.000 trẻ em gái sẽ bị ép kết hôn.
Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới và tư tưởng ưa thích con trai, xem nhẹ con gái tồn tại hàng thập kỷ đã dẫn tới sự thiếu hụt dân số lên tới 140 triệu trẻ em gái.
Khi số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới, các vấn đề xã hội có thể nảy sinh, làm trầm trọng hơn các hình thức bạo lực trên cơ sở giới như hiếp dâm, cưỡng ép quan hệ tình dục, bóc lột tình dục, buôn bán người và tảo hôn.
Đặc điểm chung của những hành vi có hại này là chúng đều xuất nguồn từ sự bất bình đẳng giới và mong muốn kiểm soát cơ thể và cuộc sống của phụ nữ.
Những tổn hại đối với từng cá nhân mỗi người phụ nữ và trẻ em gái đã rất nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà thế giới và các thế hệ trong tương lại phải gánh chịu thậm chí còn tồi tệ hơn.
Một khi sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái giảm sút, một khi họ không được tiếp cận với giáo dục và tiềm năng của họ bị hạn chế, cả nhân loại cũng bị ảnh hưởng.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Trước khi tôi nhường lời cho đồng nghiệp của tôi từ văn phòng UNFPA trình bày về nội dung nổi bật của báo cáo và ý nghĩa của báo cáo đối với Việt Nam, tôi xin phép tổng kết báo cáo này bằng ba từ:
Thứ nhất, tôn trọng: Hãy thể hiện sự tôn trọng đối phụ nữ và trẻ em gái bằng cách thay đổi những thái độ và hành vi lâu nay đang chối bỏ quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như coi họ như những món hàng hóa. Điều này giúp ta triệt bỏ nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất bình đẳng và tôn trọng sự tự chủ của phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ hai, bảo vệ: Chúng ta phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc ban hành và thực thi những quy định luật pháp chống lại những tập tục như tảo hôn, cắt bỏ bộ phận sinh dục ở nữ, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cũng như thay đổi thái độ và chuẩn mực xã hội và văn hóa. Cha mẹ cần hiểu được những hậu quả dài hạn của những thực hành này và đứng lên chống lại chúng.
Và cuối cùng, thực thi. Các chính phủ cần thực hiện trách nhiệm của mình dựa theo những hiệp định về quyền con người yêu cầu chấm dứt nạn tảo hôn, cắt bỏ bộ phận sinh dục ở nữ, và lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới.
Ba từ - tôn trọng, bảo vệ và thực thi - có thể mang tới thay đổi cùng những kết quả thực tế cho phụ nữ và trẻ em gái.
Kính thưa các vị khách quý,
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 đã được công bố trên toàn thế giới vào ngày 30 tháng Sáu năm 2020. Còn hôm nay, chúng ta chính thức công bố báo cáo này tại Việt Nam, trong đó tập trung vào vấn đề liên quan mật thiết nhất đến Việt Nam là vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Báo cáo đã đề cập cụ thể về tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, và Nê-pan.
Trong nhiều thập kỷ qua, bình đẳng giới tại Việt Nam đã có những bước tiến, và UNFPA tự hào là một phần của quá trình này. Tuy nhiên, lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới là một thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái, và tình trạng này vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Tâm lý “ưa thích con trai”, một truyền thống không lấy gì làm tốt đẹp chính là sản phẩm của hệ thống định kiến giới luôn đặt nam giới và trẻ em trai ở địa vị xã hội cao hơn phụ nữ và trẻ em gái, cũng như ưa thích trẻ em trai hơn trẻ em gái.
Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua “tỷ số giới tính khi sinh”, và tỷ số này của Việt Nam thể hiện sự mất cân bằng rất lớn. Tình trạng này được phát hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng. Đến năm 2019, theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số này ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” hoặc “bình thường” dao động khoảng 105-106 bé trai trên 100 bé gái.
Các bằng chứng cho thấy nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là do tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái, hay nuôi cấy phôi trước để xác định và lựa chọn được luôn giới tính, hay “lọc tinh trùng” phục vụ thụ tinh trong ống nghiệm. Vì lẽ này, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái. Thực trạng này cần phải được thay đổi, đó cũng là nội dung chính trong buổi trao đổi của chúng ta hôm nay.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Na Uy vì đã hợp tác với UNFPA Việt Nam trong việc thay đổi chuẩn mực văn hóa xã hội của tư tưởng ưa thích con trai hơn con gái và việc lựa chọn giới tính dựa trên định kiến giới. Cũng trong bối cảnh này, sự hiện diện của Đại sứ quán Na Uy trong buổi lễ của chúng ta thể hiện sự đoàn kết và cam kết thay đổi thực trạng này tại Việt Nam. Sau cùng, tôi xin cảm ơn tất cả các quý vị đã chung tay giải quyết vấn nạn đầy thách thức này.
Chúng ta hãy cùng đồng lòng chung sức vì một xã hội bình đẳng giới tại Việt Nam. Mỗi người trong chúng ta đều đóng vai trò quan trọng, và chỉ sự đoàn kết mới có thể giúp chúng ta xóa bỏ tư tưởng ưa thích con trai và tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cũng giống như Mục tiêu phát triển bền vững đã đề cập “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta cũng sẽ không để bất kỳ trẻ em gái nào bị bỏ lại phía sau.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã quan tâm và tham gia sự kiện này.