Bạn đang ở đây

Kính thưa:
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên;
Ông Nguyễn Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ;
Ông Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên trung ương;
Đại diện Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM;
Các bạn thanh niên, đặc biệt là các nhóm thanh niên đoạt giải cuộc thi sáng kiến SKSS/SKTD;

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thay mặt Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tôi xin cảm ơn Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương/Đoàn Thanh niên đã tổ chức sự kiện thú vị ngày hôm nay. Tôi đánh giá cao sự hợp tác của Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương trong việc điều phối hoạt động của các nhóm đoạt giải từ cuộc thi sáng kiến thanh niên trong việc tăng cường tiếp cận chăm sóc SKSS/ SKTD trong 11 tháng vừa qua.

Nhân dịp này, tôi cũng xin cám ơn các nhóm thanh niên cho những nỗ lực và các thành tựu các bạn đã đạt được trong thời gian qua.

Tôi cũng xin cám ơn các đồng nghiệp đến từ Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đã tham gia sự kiện với chúng tôi ngày hôm nay, cũng như những nỗ lực của Quý vị trong việc tăng cường tiếp cận chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh niên; và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình SKSS/SKTD thân thiện với thanh niên ở Việt Nam.  

Kính thưa quý vị đại biểu,

Việt Nam đã rất thành công trong việc đạt được hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn của năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống trong các lĩnh vực phát triển xã hội, bao gồm các vấn đề liên quan tới thanh niên. Ví dụ, vẫn còn 1/3 nhóm thanh niên vẫn còn gặp rào cản trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS/SKTD. Một số nhóm cụ thể như thanh niên di cư và thanh niên người dân tộc ít người còn chưa được tiếp cận đầy đủ tới thông tin và dịch vụ SKSS/SKTD.  Thanh niên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với chương trình giáo dục mà họ mong muốn, có công ăn việc làm phù hợp hoặc có công việc ngay sau khi tốt nghiệp.  Để hướng tới nỗ lực trên toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, thì những thách thức này cần phải được giải quyết với nguyên tắc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội đầy năng động ở Việt Nam, các giá trị, khuynh hướng và hành vi liên quan đến tình dục của thanh niên Việt Nam cũng thay đổi một cách nhanh chóng. Thanh niên kết hôn muộn hơn nhưng có quan hệ tình dục trước hôn nhân nhiều hơn so với trước đây. Ngày càng có nhiều thanh niên chuyển tới sống ở các khu đô thị để học tập và làm việc. Do đó, chúng ta cần có các chương trình can thiệp phù hợp hơn để có thể đáp ứng được nhu cầu SKSS/SKTD của thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, phần lớn thanh, thiếu niên còn thiếu các thông tin và kỹ năng sống để có thể thương lượng các mối quan hệ an toàn và có sự đồng thuận, và đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ SKSS và SKTD. Giáo dục giới tính tại các trường học vẫn còn hạn chế. Tôi xin đưa ra một ví dụ về một bài báo gần đây có đưa tin về một cặp đôi trẻ tuổi đã phải nhập viện do trong lần đầu quan hệ các em đã dùng túi ni lông, thay cho sử dụng bao cao su.

Các chương trình SKSS/ Kế hoạch hóa gia đình mới chỉ tiếp cận tới nhóm thanh niên đã kết hôn và chưa có các chương trình quốc gia cụ thể đáp ứng nhu cầu của nhóm thanh niên chưa kết hôn. Chính vì vậy, giới trẻ đối mặt với nhiều vấn đề như có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm HIV.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong bối cảnh này, cho phép tôi được nhấn mạnh ba thông điệp chính:

Thứ nhất, Đảm bảo sự tham gia của thanh niên vào việc thiết kế và phân tích các chính sách ảnh hưởng tới họ sẽ giúp các chính sách và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu thực tế của thanh niên. Các bằng chứng cho thấy cộng tác cùng với thanh niên làm một cấu phần quan trọng giúp xây dựng một cách thành công các chương trình giành cho giới trẻ.

Thứ hai, các chương trình, hoạt động can thiệp phải hướng tới các nhóm thanh niên khác nhau. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng những người trẻ tuổi từ tất cả các thành phần khác nhau trong xã hội, bao gồm những người trẻ dễ bị tổn thương, có cơ hội như nhau để tham gia vào cuộc đối thoại chính sách và thực hiện các chương trình có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Với mục tiêu này, chúng tôi rất vui khi thấy hai trong số sáu sáng kiến được lựa chọn hỗ trợ thanh niên khuyết tật.

Cuối cùng, tôi xin được đề nghệ Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự tham gia của thanh, thiếu niên và lôi cuốn các bạn trẻ vào các đối thoại chính sách. Cả Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ đã thu được rất nhiều kết quả trong các hoạt động có sự tham gia của thanh, thiếu niên trong thời gian qua, và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ còn làm được nhiều hơn nữa trong thời gian tới. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực này. Cộng tác cùng với nhau sẽ giúp mục tiêu của chúng ta trong việc phổ cập tiếp cận SKSS/ SKTD sớm trở thành hiện thực.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Ngày hôm nay chúng ta sẽ kết thúc gần một năm thực hiện sáng kiến của các nhóm thanh niên về tiếp cận SKSS/ SKTD cho thanh, thiếu niên Việt Nam. Video clip mà chúng ta sắp xem sẽ khẳng định rằng thanh niên không chỉ là những người hưởng lợi,  mà họ còn là các tác nhân tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội.  Khi mà họ có cơ hội và được trao quyền thì họ có đủ khả năng để có thể đóng góp tới việc cải thiện tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS/ SKTD. Chúng ta, những người nhiều tuổi hơn, cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi và cộng tác cùng với thanh, thiếu niên để giúp họ nhận ra khả năng của mình.

Xin cám ơn sự tham gia và xin chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.