Kính thưa các quý vị đại biểu.
Kính thưa đại diện của Chính phủ Việt Nam – nước chủ nhà đã thực hiện tổ chức Hội nghị lần thứ 9 này. Chúng tôi xin được nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn tới các bạn Việt Nam vì sự nồng hậu và lòng hiếu khách mà các bạn giành cho chúng tôi.
Tôi rất vinh dự được đại diện cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) có mặt tại phiên bế mạc của Hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương về Sức khỏe và Quyền Sinh sản và Tình dục lần thứ 9 cùng với quí vị ngày hôm nay với tư cách là Giám đốc điều hành mới của UNFPA. Đây là một trách nhiệm mà tôi có vinh dự được đảm nhận sau khi Tiến sĩ Babatunde Osotimehin đột ngột qua đời vào hồi đầu năm nay.
Cám ơn các quý vị đã ghi nhận những cống hiến của tiến sỹ Babatunde tại phiên khai mạc của hội nghị, người luôn hết mình ủng hộ và tuyên truyền cho những vấn đề quan trọng mà quí vị đã và đang thảo luận tại Hội nghị này trong vài ngày vừa qua. Đây là những vấn đề thuộc lĩnh vực sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục, có liên quan mật thiết tới những chuẩn mực xã hội, tới văn hóa, tới tôn giáo, luật pháp và công lý, tới sự công bằng trong cung cấp và tiếp nhận các dịch vụ.
Mặc dù đã có rất nhiều thảo luận diễn ra tại hội nghị quan trọng này, tôi vẫn mong muốn được đề cập đến nội dung Thúc đẩy công lý và công bằng trong chăm sóc Sức khỏe Sinh sản và Tình dục trên quan điểm của UNFPA.
Tôi xin được bắt đầu với việc “dự đoán tương lai”:
Chúng ta đang tạo dựng một tương lai như thế nào cho khu vực Châu Á và Thái Bình dương và cho toàn thế giới?
Câu hỏi này được đặt ra tại một thời điểm có tính chất rất quan trọng. Câu trả lời cho câu hỏi mang tính gợi mở này phần lớn phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ thực hiện việc chăm sóc cho 325 triệu trẻ em gái trong độ tuổi từ 10-19 ở khu vực Châu Á Thái bình dương này như thế nào.
Không chỉ riêng khu vực Châu á Thái bình dương mà toàn thế giới hiện đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững, nhằm tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân đồng thời đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại phía sau.
Đây cũng là thời điểm mà Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đang chuẩn bị bắt đầu thực hiện Kế hoạch Chiến lược mới, nhằm hoàn thành ba mục tiêu mang tính thay đổi cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và cho toàn thế giới. Ba mục tiêu mang tính thay đổi này bao gồm:
- Không có tử vong mẹ
- Mọi nhu cầu về Kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng
- Không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực giới
Ba mục tiêu này đều dựa vào nền tảng dữ liệu dân số cho phát triển. Ba mục tiêu này được đưa vào trong Chương trình nghị sự 2030 đồng thời cũng được thể hiện rõ trong Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức năm 1994. Tài liệu này hiện vẫn đang tiếp tục là kim chỉ nam cho các công việc và hoạt động mà chúng ta nhằm chuyển các chính sách từ văn bản thành hành động và có thể nói các nội dung này càng trở nên thiết thực với chúng ta hơn bao giờ hết.
Tục ngữ có câu “Trăng chuyển động từ từ nhưng vẫn tỏa sáng muôn nơi”. Mục tiêu thay đổi số một: Không có tử vong mẹ.
Trong vòng 50 năm qua, tỷ lệ phụ nữ tử vong do các nguyên nhân liên quan tới mang thai hoặc sinh nở đã giảm gần một nửa. Tuy nhiên trên phạm vi toàn cầu, hiện nay con số tử vong mẹ hàng năm vẫn lên tới hơn 300.000 ca. Con số này tính riêng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là 200 ca/ngày.
Con số này thực sự là một bi kịch vì chúng ta hoàn toàn có khả năng ngăn ngừa các ca tử vong mẹ. Sự có mặt của đội ngũ hộ sinh có kỹ năng, thực hiện tốt công tác cấp cứu sản khoa là các yếu tố hết sức cần thiết để thực hiện ngăn ngừa các ca tử vong mẹ.
Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh Việt Nam đã đạt được mục tiêu MDG5 trước thời hạn.
Tuy nhiên cần chú trọng tới giai đoạn trước khi người phụ nữ mang thai và sinh nở. Chúng ta cần nỗ lực đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự do quyết định việc có sinh con hay không và được tự do quyết định số con mình muốn sinh. Có kế hoạch sinh nở và dãn khoảng cách sinh chính là chìa khóa để có thể giúp chúng ta giảm tử vong mẹ một cách hiệu quả.
Những yếu tố này dẫn chúng ta tới Mục tiêu Thay đổi số 2: Mọi nhu cầu về Kế hoạch hóa gia đình đều được đáp
Hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai hoặc trì hoãn việc sinh con nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và hàng hóa/dụng cụ có chất lượng – bao gồm các biện pháp tránh thai hiện đại.
Trong số các phụ nữ có nhu cầu chưa được đáp ứng này, có 6,3 triệu là trẻ em gái vị thành niên có quan hệ tình dục hiện đang sinh sống tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Việc thiếu tiếp cận quyền và dịch vụ chăm sóc chất lượng cho đối tượng này sẽ tiếp tục dẫn đến các ca nạo phá thai không an toàn ở nữ thanh niên và vị thành niên. Hàng năm ước tính con số này lên tới 3,6 triệu ca.
Sẽ có hàng triệu ca nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục mới. Những căn bệnh này gây ra những tổn hại sâu sắc đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ em, của thanh niên và vị thành niên. Một số ví dụ về những tác động có hại này bao gồm: tử vong chu sinh, tử vong sơ sinh, ung thư cổ tử cung; vô sinh, các nguy cơ lây nhiễm HIV, các hậu quả về thể chất, tâm lý và xã hội vv. – những hậu quả này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của những người bị nhiễm bệnh.
Các yếu tố kinh tế chính là các nguyên nhân gây ra sự sao nhãng trong chăm sóc Sức khỏe sinh sản/Sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD). Ngoài ra một số chuẩn mực xã hội mang tính gia trưởng tồn tại trong văn hóa – ví dụ như sự cấm kỵ trong việc thảo luận về tình dục – cũng là những nguyên nhân gây ra sự yếu kém và sao nhãng này.
Đáp ứng các nhu cầu đa dạng trong chăm sóc SKSS/SKTD cho nam giới và các em trai vị thành niên sẽ góp phần giúp họ cải thiện SKSS/SKTD cho chính họ và bạn tình của họ. Không để ai bị bỏ lại phía sau là cách hữu hiệu để tăng cường chăm sóc SKSS/SKTD và thực hiện quyền cho tất cả mọi người.
Mục tiêu chuyển đổi thứ ba của UNFPA: Không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực giới là mục tiêu cấp bách và có tính thời sự. Diễn đàn UN đã đăng tải ý kiến của tôi về phong trào “#Metoo”.
Thứ nhất là vấn đề tỷ số giới tính khi sinh. Trên phạm vi toàn cầu, trung bình cứ 105 em trai sinh ra thì có 100 em gái – đây là tỷ số giới tính tự nhiên. Tuy nhiên do những hành vi lựa chọn giới tính mang tính định kiến, hiện nay ở một số quốc gia tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 120 em trai/100 em gái. Ở môt số tiểu khu vực, tỷ lệ này tăng vọt lên 128 em trai/100 em gái.
Tại thời điểm hiện nay chúng ta đang “thiếu” khoảng hơn 117 triệu phụ nữ - hiện tượng này chủ yếu phổ biến ở các nước như Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Hiện tượng này xảy ra có nguyên nhân chủ yếu là do sự mất cân bằng giới tính khi sinh – hệ quả của sự phân biệt đối xử về giới và sự ưa thích con trai.
Thứ hai, tình trạng bạo lực khi tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên, góp phần hạn chế các cơ hội vốn đã hiếm hoi của các em gái khiến các em không phát huy được hết khả năng của mình. Ở các quốc gia đang phát triển bao gồm khu vực Châu Á Thái bình dương, cứ ba em gái thì có một em phải kết hôn trước khi đủ 18 tuổi và cứ 9 em gái thì có một em phải kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi.
Hàng năm có khoảng 5,4 triệu trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên và điều này đe doạ tới sức khoẻ và hạnh phúc, đồng thời tước đi nhiều cơ hội trong cuộc sống của các em gái và con cái của của các em sau này. Thanh niên và vị thành niên chưa kết hôn nhưng có quan hệ tình dục cần được cung cấp đầy đủ thông tin và phương tiện để tránh thai và nạo phá thai không an toàn.
Một vấn đề nổi cộm nữa là bạo lực trên cơ sở giới. Ước tính rằng cứ ba phụ nữ thì có một người đã trải qua một hình thức bạo lực nào đó - có thể là bạo lực về thể chất, tình dục hoặc bạo lực về tình cảm trong cuộc đời của mình. Tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều ở một số quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương và Nam Á.
Và như quý vị đã biết, bạo lực giới có liên quan chặt chẽ tới các chuẩn mực/quy tắc thể hiện tư tưởng gia trưởng – một tư tưởng đã tồn tại một cách lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Những người sống sót sau tình trạng bạo lực có thể phải gánh chịu nhiều hậu quả về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản – ví dụ họ bị bắt buộc phải mang thai ngoài ý muốn, phải nạo phá thai không an toàn, gánh chịu bệnh lỗ rò phiền toái, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bao gồm HIV.
Tại Timor-Leste, gần một phần tư số trẻ em gái vị thành niên mang thai và sinh con khi các em ở độ tuổi 20. Khoảng 20% các em kết hôn tại thời điểm các em 18 tuổi. Mặc dù tình dục trước hôn nhân được coi là điều “cấm kị” nhưng phần lớn các ca mang thai ở tuổi thiếu niên/vị thành niên là các ca mang thai trước hôn nhân.
Tại một trong những cuộc hội thảo về trao quyền và nâng cao vị thế cho các bà mẹ tuổi thiếu niên ở Timor-Leste do Plan International – tổ chức đối tác của chúng tôi - phối hợp tổ chức, chúng tôi đã gặp Lucia – một cô bé có quan hệ tình dục với người giáo viên lớn hơn tuổi mình rất nhiều. Sau đó em rất ngạc nhiên khi biết mình mang thai. Lucia đơn giản không biết gì về tình dục cả. Gia đình em ép buộc em phải kết hôn trước khi đứa trẻ chào đời và theo lời cha mẹ em, việc kết hôn này là để “cứu vãn tình thế”.
Giống như nhiều quốc gia khác, phần lớn người dân ở Timor-Leste theo đạo Công giáo có một chương trình giáo dục toàn diện về tình dục. Tuy nhiên hiếm khi chương trình này được các giáo viên giảng dạy trên thực tế vì họ cảm thấy ngượng ngùng lúng túng khi giảng dạy về vấn đề này. Thậm chí một số giáo viên còn xé toàn bộ các trang giáo trình về nội dung này khỏi sách giáo khoa. Nếu không tiếp cận được đầy đủ với thông tin chứ chưa nói tới phương tiện và dịch vụ, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu tỷ lệ các em gái mang thai ở tuổi thiếu niên hiện đang ở mức cao đáng kể. Các chương trình của chúng ta cần phải cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời cần thiết cho thanh niên.
Bangladesh là một quốc gia Hồi giáo bảo thủ với tỷ lệ dân số trẻ cao đáng kể. Tại quốc gia này chúng tôi hiện đang thực hiện một dự án được UNFPA hỗ trợ - dự án “Đột phá của Thế hệ - Generation Breakthrough”. Dự án này thực hiện trao quyền và nâng cao vị thế cho các em gái và các em trai bằng cách dạy các em các nội dung về bình đẳng giới, dạy các em biết tôn trọng sự khác biệt, dạy các em sự bao dung, dạy các em nhận biết về các chuẩn mực tôn giáo và hệ tư tưởng gia trưởng có thể gây cản trở tới việc thực hiện các quyền và cản trở sự an toàn hạnh phúc của trẻ em gái và phụ nữ.
Dự án “Generation Breakthrough” đã có sự tham gia của các trường Công giáo và sự tham gia của các giáo sỹ trong việc truyền bá những kiến thức này. Thông thường sau khi giảng giải nội dụng, giảng viên sẽ sử dụng kinh Koran để củng cố những nội dung của bài học liên quan tới các nội dung về bình đẳng giới và quyền. Dự án thực hiện theo cách thức này đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực.
Cậu bé Mohammed năm nay 17 tuổi đã kể rằng mẹ của em thường phần cho em những miếng cá ngon nhất và nói với em rằng sau này em sẽ có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ vì thế em cần luyện trí óc sắc bén. Đứa em gái nhỏ của cậu thường chỉ được ăn đồ thừa.
Hiện nay Mohammed là một thành viên của dự án Generation Breakthourgh, đấu tranh tích cực cho bình đẳng giới, thực hiện tuyên truyền vận động để mọi người hiểu rằng trẻ em gái có quyền được làm bất kỳ điều gì mà trẻ em trai làm - đây cũng là một thông điệp được các trường dạy Giáo lý Hồi giáo địa phương luôn nhấn mạnh.
Thực hiện chăm sóc SKSS/SKTD và thực hiện các quyền về SKSS/SKTD chính là đang thực hiện quyền con người, đồng thời đây cũng là một vấn đề liên quan tới đảm bảo công bằng. Tại sao những người có khuynh hướng tình dục và giới tính đa dạng lại bị từ chối thực hiện các quyền này, hành vi của họ thường bị buộc tội hình sự và xã hội không đảm bảo sự an toàn cho họ?
Sự Kỳ thị và phân biệt đối xử trong các cơ sở chăm sóc y tế do các vấn đề liên quan tới giới tính, chủng tộc/dân tộc, do tình trạng sức khỏe tâm thần, do khuynh hướng tình dục và giới tính, tình trạng nhiễm HIV hoặc do quốc tịch, khiến cho nhiều người không được hưởng các quyền của mình là không thể chấp nhận được. Ngoài ra, sự thiếu tôn trọng các quyền của nhân viên y tế cũng gây ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe của chính họ. Rõ ràng Chính phủ cần phải chịu trách nhiệm đảm bảo để không xảy ra hiện tượng phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế.
Chúng ta có thể thấy những ví dụ điển hình về việc trao quyền và nâng cao vị thế trong cộng đồng cho người bán dâm, người tiêm chích ma túy và những người có xu hướng tình dục và giới tính đa dạng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Hiệp hội người bán dâm Aastha Parivaar tại Mumbai, Ấn Độ đã tập hợp được một số tổ chức dựa vào cộng đồng để thực hiện công tác tuyên truyền vận động cho việc chăm sóc sức khoẻ và thực hiện các quyền hợp pháp cho người bán dâm, bao gồm cả những người đang sống chung với HIV. Các hoạt động này đã góp phần tạo ra những sự thay đổi ở địa phương và những thay đổi này có thể được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Liên minh Châu Á - Thái Bình Dương về Sức khoẻ Tình dục Nam – còn được gọi là APCOM - có trụ sở tại Bangkok, là một tổ chức Xã hội dân sự khu vực hiện đang hợp tác với Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện công tác tuyên truyền vận động thực hiện các quyền và cải thiện sự an toàn hạnh phúc cho cộng đồng nam giới có quan hệ tình dục đồng giới thông qua phòng ngừa và điều trị HIV.
Đây chỉ là một vài câu chuyện về một số thách thức và cơ hội cho thấy các quy định Luật pháp, các chuẩn mực xã hội, văn hoá và tôn giáo có thể ảnh hưởng như thế nào tới chăm sóc SKSS/SKTD và thực hiện các quyền, tới sự bình đẳng của hàng tỷ con người trên trái đất. Mỗi câu chuyện là một ví dụ về sự kiên trì, về sự đoàn kết hợp tác, về việc không nhượng bộ hay từ bỏ trước mọi khó khăn thách thức.
Trong khi bất bình đẳng về kinh tế chia các quốc gia thành hai nhóm: Nhóm Có và nhóm Không có, bất bình đẳng trong chăm sóc SKSS/SKTD và các thực hiện các quyền về chăm sóc SKSS/SSKTD và bất bình đẳng giới chia con người thành hai nhóm: Nhóm Có thể và Nhóm Không thể.
Một phụ nữ hoặc một em gái vị thành niên nếu không được hưởng các quyền về chăm sóc SKSS/SKTD sẽ không thể mạnh khỏe, không thể có cơ hội hoàn tất các bậc học, không thể tìm được một công việc thỏa đáng bên ngoài phạm vi gia đình và không thể tự chủ về kinh tế cho tương lai của chính mình.
Bất bình đẳng trong chăm sóc SKSS/SKTD và trong thực hiện các quyền về chăm sóc SKSS/SKTD đã tước đi quyền của hàng triệu phụ nữ. Sự bất bình đẳng này cũng góp phần củng cố các hệ thống kinh tế xã hội trong đó cho phép một bộ phận dân số nào đó chiếm đặc quyền và vươn lên giữ vững vị trí trên cùng của xã hội nhưng lại đẩy phần lớn các bộ phận dân số khác rơi xuống đáy. Sự bất bình đẳng cướp đi quyền của các cá nhân đồng thời làm xói mòn nền móng phát triển của các quốc gia.
Tôi xin quay lại câu hỏi ban đầu: Chúng ta muốn tạo dựng một tương lai như thế nào cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ cần phải làm gì để tạo dựng được tương lai như vậy?
Tới thời điểm năm 2030, các em gái vị thành niên của ngày hôm nay sẽ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động – các em có thể là cán bộ lãnh đạo, có thể là những nhà phát minh, có thể là giáo viên hoặc làm nhiều nghề/công việc khác. Rất nhiều người trong số các em sẽ là những người mẹ hay những người chăm sóc cho những thế hệ tiếp sau. Đừng để ai trong số họ có thể bị bỏ lại phía sau. Hãy cho họ được trang bị kiến thức để chủ động tạo dựng tương lai cho chính bản thân mình.
Quý vị hãy tưởng tượng hình ảnh một cô gái đang đứng giữa ngã ba đường Một nhánh thể hiện cô gái này sẽ có nhiều khả năng phát huy hết tiềm năng của mình – được đi học, được học lên các bậc học cao hơn; tìm được công việc có thu nhập mà không bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; một giai đoạn vị thành niên được phép thảo luận các vấn đề về tình dục mà không gặp phải vấn đề cấm kỵ nào; khi trưởng thành có thể lựa chọn người kết hôn hoặc tựu do lựa chọn người bạn đời cùng chung sống với mình và có thể tận hưởng quan hệ tình dục mà không có tình trạng bạo lực gia đình; có thể sinh những đứa con khỏe mạnh tại thời điểm mình mong muốn và có thể lựa chọn số con mình mong muốn; có thể lựa chọn đầu tư cho tương lai hạnh phúc của con cái và có thể có sự đảm bảo cuộc sống khi về già.
Một nhánh khác thể hiện một con đường gập ghềnh hơn với những rủi ro mà cô gái có thể gặp phải như tảo hôn; phải bỏ học sớm; phải mang thai sớm và mang thai ngoài kế hoạch; sinh nở không an toàn; phải gánh chịu tình trạng bạo lực hoặc bị lạm dụng; có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV; chỉ tìm được các công việc không ổn định và công việc ở các khu vực tư nhân; sống một cuộc sống không yên lành trong gia đình và có thể bị đuổi khỏi cửa bất kỳ khi nào; một cuộc sống tuổi già hoàn toàn không được đảm bảo. Nếu cô gái bị khuyết tật hoặc sống tỵ nạn thì cô gái còn dễ bị tổn thương gấp nhiều lần.
Để các em gái vị thành niên trở thành lực lượng xung kích, chúng ta cần phải hỗ trợ các em để các em vượt qua những sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử trên một số mặt trận.
Thế giới của chúng ta đang ngày càng trở nên bất bình đẳng. Chúng ta không nên dừng bước cho tới khi nào có thể thay đổi điều này. Hãy thay đổi sự cân bằng quyền lực đồng thời tạo cơ hội và đảm bảo việc thực hiện các quyền, bao gồm cả quyền được chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục.
Hiện nay thanh niên và vị thành niên gồm 1,8 tỷ người đang chiếm tới 1/4 dân số thế giới. Họ được kết nối với nhau và với thế giới xung quanh dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Họ có nhu cầu và có những ước mơ không thể không được thực hiện.
Thanh niên và vị thành niên hiện nay đang đang sử dụng công nghệ hiện đại, sử dụng các hình thức truyền thông mang tính tức thời để tuyên truyền cho những thay đổi họ mong muốn đồng thời thực hiện các công tác vận động nhằm nâng cao nhận thức xã hội. Chúng ta hãy đừng từ bỏ nỗ lực! Phong trào #MeToo – một phong trào đang được thực hiện trên khắp thế giới nhằm đương đầu với nạn quấy rối và lạm dụng tình dục đang phổ biến trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta cần kiên trì và đừng từ bỏ nỗ lực!
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng cần được đề cập tới ở đây: chúng ta cần nâng cao khả năng giải quyết một số vấn đề thách thức về nhân khẩu học như già hoá dân số - đây là một vấn đề hiện đang chiếm được sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực. Để dân số khi về già được khỏe mạnh, cần chú trọng chăm sóc sức khỏe của họ ngay từ khi họ còn ở tuổi thanh niên và vị thành niên, khởi đầu là chú trọng đến việc mang thai an toàn và có kế hoạch. Đó là vòng đời, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác.
Bản thân tôi, tham gia công tác và các hoạt động của khu vực trong vòng 20 năm qua đã đem lại cho tôi niềm phấn khởi và tin tưởng vào hai năm sắp tới của chương trình nghị sự ICPD+25.
Chúng tôi thực sự mong muốn rằng các đại diện cho các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, tất cả các tổ chức tôn giáo, và đặc biệt là các bạn trẻ có mặt tại đây ngày hôm nay trong Hội nghị này sẽ dẫn dắt khu vực cùng chung tay và tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn, các thảo luận mang tính chiến lược. Hãy cùng tìm ra các cách thức hữu hiệu nhằm loại bỏ những quy định luật pháp, các quy phạm và thông lệ mang tính cản trở hoặc có hại. Hãy kiên trì theo đuổi và đạt được mục đích cải thiện công tác chăm sóc SKSS/SKTD và thực hiện các quyền về chăm sóc SKSS/SKTD cho tất cả mọi người dân.
Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng nên một tương lai mà trong đó không có tử vong mẹ, mọi nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng và không có sự tồn tại của bạo lực và các hành vi có hại cho phụ nữ và trẻ em gái. Nơi chúng ta có thể đạt được mọi mơ ước và hy vọng cho tương lai của khu vực châu Á- Thái Bình Dương và toàn thế giới, nơi mà không ai bị bỏ lại phía sau. Hãy đừng từ bỏ mọi cố gắng!
Xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị.