Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực mạng, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực mạng, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Thông cáo báo chí

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực mạng, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

calendar_today 25 November 2024

Mr. Pio Smith - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
Mr. Pio Smith - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2024 - Vào Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25 tháng 11), đánh dấu khởi đầu của 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ông Pio Smith, kêu gọi hành động khẩn cấp để thu hẹp khoảng cách về giới trên không gian kỹ thuật số, yêu cầu các nền tảng công nghệ chịu trách nhiệm và đầu tư vào các chính sách toàn diện để chống lại bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến, tạo ra không gian mạng an toàn hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Internet đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta, mang đến những cơ hội chưa từng có về kết nối, học tập và trao quyền. Tuy nhiên, cuộc cách mạng ấy cũng có những mặt trái: mối đe dọa ngày càng phổ biến của bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ. Một nghiên cứu toàn cầu gần đây cho thấy gần 60% phụ nữ đã từng phải trải qua một hoặc nhiều hình thức gây hại trực tuyến. Đối với hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái, không gian số tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm gia tăng và trầm trọng hoá tình trạng bạo lực mà họ đã phải đối mặt ngoài đời thực.

Không thể bỏ qua những số liệu thống kê đáng báo động. Trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người từng phải trải qua bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời. Năm 2022, tỷ lệ phụ nữ bị giết hại đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm. Trên không gian mạng, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với quấy rối, theo dõi, lạm dụng hình ảnh và đe dọa bạo lực - những cuộc tấn công này thường lan sang thế giới thực với hậu quả tàn khốc.

Trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, những rủi ro này còn leo thang hơn nữa khi những kẻ buôn người khai thác công nghệ kỹ thuật số để lừa dối, kiểm soát và bóc lột những người phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương, dẫn đến tống tiền, đánh cắp danh tính và biến họ trở thành nô lệ tình dục. Nguyên nhân của những lỗ hổng này nằm ở sự bất bình đẳng trên không gian mạng. trình độ hiểu biết về công nghệ thấp và độ phổ biến của những thông tin sai lệch.

Hãy lắng nghe câu chuyện của Amara, là một phụ nữ trẻ đến từ Đông Nam Á, cô đã mất kế sinh nhai sau một cơn bão lớn gây ảnh hưởng đến cộng đồng nơi cô sinh sống, vì quá tuyệt vọng để kiếm kế sinh nhai, cô đã tìm kiếm công việc trên mạng xã hội, nơi những kẻ buôn người đóng giả làm người tuyển dụng, hứa hẹn cho cô một việc làm nhanh chóng ở nước ngoài. Gia đình Amara sau đó phải đối mặt với tình trạng tống tiền, gian lận danh tính và đe dọa về thể xác. Với sự giúp đỡ của mạng lưới hỗ trợ địa phương, cô đã may mắn trốn thoát và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống. Câu chuyện của Amara càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên không gian kỹ thuật, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng.

Trẻ em gái vị thành niên và những phụ nữ cần phụ thuộc vào nền tảng kỹ thuật số để lao động/làm việc là đối tượng dễ bị bạo lực mạng. Đặc biệt với cộng đồng LGBTQI+, các nhà hoạt động, phụ nữ da màu và phụ nữ khuyết tật, nguy cơ bị lạm dụng còn tăng gấp nhiều lần. Bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng có thể khiến phụ nữ mất đi sự nghiệp, sức khỏe và thậm chí là mạng sống. Tuy nhiên, chỉ vì hình thức bạo lực và thù hận này được thực hiện trên mạng, những hành động ấy thường bị bỏ qua một cách dễ dàng.

Không gian mạng đã trở thành một nền tảng quan trọng để đấu tranh cho bình đẳng giới, tuy nhiên, những người đấu tranh cho sự thay đổi lại trở thành mục tiêu của sự tấn công. 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới năm nay, với chủ đề “Hướng tới 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh: Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”, kêu gọi hành động cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng đang leo thang này. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm của Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, một khuôn khổ mang tính bước ngoặt để đạt được bình đẳng giới. Thế giới đã cùng đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại những thách thức to lớn và trong một số trường hợp, những thành quả ấy đang bị đảo ngược.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, trách nhiệm chung của chúng ta rất rõ ràng: không gian số cần phải trao quyền, không gây nguy hiểm. Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cơ quan chuyên trách về sức khỏe sinh sản và tình dục của Liên Hợp Quốc và Đại học Melbourne đã nêu bật tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Phụ nữ, trẻ em gái và những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ thường trở thành mục tiêu của tấn công. Những rào cản như trình độ hiểu biết về kỹ thuật số còn giới hạn và sự kỳ thị khiến những người bị bạo lực không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Chúng ta không thể dung thứ cho sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tín hiệu tích cực là chúng ta biết được những điều cần làm khi nhìn về phía trước.

Chúng ta phải tăng cường trách nhiệm giải trình đối với các nền tảng công nghệ. Các công ty công nghệ cần từng bước xây dựng để những hướng dẫn về đạo đức và nguyên tắc an toàn vào hệ thống của họ. Cần có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ dữ liệu được phát triển một cách có trách nhiệm, với các cơ chế báo cáo rõ ràng để bảo vệ người dùng khỏi bị lạm dụng.

Chúng ta cũng phải thu hẹp khoảng cách giới trong không gian mạng. Trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái các kỹ năng, hiểu biết về kỹ thuật số là điều cần thiết để khiến không gian trực tuyến trở thành một nơi an toàn. Các chương trình giáo dục có thể xoá bỏ những khuôn mẫu có hại, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ có thể tham gia đầy đủ vào thế giới kỹ thuật số.

Cuối cùng, chúng ta cần phải đảm bảo hỗ trợ, lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Cần có những hành động phản ứng kịp thời và phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh nhân đạo, để giải quyết nhu cầu về an toàn cả trực tuyến và ngoài đời thật. Điều này đòi hỏi luật pháp cần chặt chẽ hơn, các chương trình cần đạt được hiệu quả và cam kết đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều hiểu rằng họ không có lỗi khi bản thân là người bị bạo lực, bên cạnh đó, họ có quyền được lựa chọn những con đường để đạt được công lý hoặc nhận sự chữa lành. Những người bạo lực cần phải chịu trách nhiệm thông qua các khuôn khổ pháp lý đủ cứng rắn. Điều này vô cùng cần thiết để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, đảm bảo công lý cho những người bị bạo lực.

Dữ liệu là chìa khóa để đưa ra các chính sách hiệu quả. Bằng cách tiến hành nghiên cứu và tập hợp các nguồn lực, các quốc gia có thể phát triển các giải pháp cụ thể theo bối cảnh để giải quyết thực tế tại quốc gia ấy. Tại Diễn đàn liên chính phủ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh diễn ra gần đây, các quốc gia đã tái khẳng định cam kết tạo ra không gian số an toàn hơn. Các khoản đầu tư như 15 triệu đô la Mỹ từ Hoa Kỳ và 20 triệu đô la Mỹ từ Chính phủ Australia để chống lại bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến đã nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề này.

Tuần trước, Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã được tổ chức tại Bangkok, nơi các chính phủ, xã hội dân sự, thanh thiếu niên, khu vực tư nhân, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các chuyên gia đã cam kết đẩy nhanh các nỗ lực, bảo vệ quyền và chống lại bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến.

Nhưng chúng ta cần phải nhanh chóng gấp đôi nỗ lực.

Bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến không chỉ là vấn đề công nghệ. Điều ấy phản ánh sự bất bình đẳng sâu sắc hơn trong xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thay đổi những khuôn mẫu giới có hại, thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào công tác phòng ngừa và đảm bảo những người bị bạo lực nhận được hỗ trợ về pháp lý và phục hồi/chữa lành về tinh thần.

Trong 16 ngày chiến dịch hành động chấm dứt bạo lực giới này, tôi kêu gọi các chính phủ, công ty công nghệ và xã hội dân sự hãy hành động ngay. Chúng ta phải khiến những người bạo lực phải chịu trách nhiệm, đẩy nhanh các chiến lược phù hợp với từng quốc gia, lấy người bị bạo lực làm trung tâm và tăng khoản tài trợ cho các phong trào vì quyền phụ nữ.

Câu chuyện của Amara là lời nhắc nhở về những mối đe doạ trên không gian mạng. Một thế giới kỹ thuật số an toàn hơn, kiên cường hơn là điều có thể đạt được nhưng lại đòi hỏi nỗ lực phối hợp và nguồn lực đầy đủ. Hãy cùng nhau sử dụng tiếng nói và nền tảng của mình để thúc đẩy sự thay đổi, khiến Internet từ nơi nguy hiểm thành nơi trao quyền.

Cùng nhau, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể sử dụng không gian trực tuyến mà không hề sợ hãi.

--- HẾT ---

Thông tin thêm cho phóng viên/biên tập viên:

• Về Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Pio Smith:

Ông Pio Smith đảm nhận vai trò Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA, cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe sinh sản và tình dục vào tháng 10 năm 2023. Với tư cách là Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA, ông Smith giám sát hoạt động của UNFPA tại 36 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trước khi được bổ nhiệm, ông Smith là Chánh văn phòng của UNFPA, chịu trách nhiệm dẫn dắt và giám sát chiến lược, chính trị và hoạt động tại trụ sở chính của UNFPA ở New York từ năm 2018.

Trong suốt 18 năm sự nghiệp của mình tại Liên Hợp Quốc, ông Smith đã đảm nhiệm các vị trí quan trọng bao gồm làm Trợ lý đặc biệt cho hai Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và làm Chánh văn phòng cho Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký về Kế hoạch phát triển sau năm 2015. Ông cũng từng là Cán bộ chính sách tại Văn phòng đạo đức của Liên Hợp Quốc và tại Bộ phận quản lý của Ban thư ký Liên Hợp Quốc. Trước khi gia nhập Liên Hợp Quốc, ông Smith đã làm việc tại Bộ Nội vụ Vương quốc Anh về cải cách quy định và làm việc tại Hội đồng tập trung vào chính sách châu Âu của Vương Quốc Anh.

Ông Smith có bằng Thạc sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học Dublin City, Ireland và bằng Cử nhân Ngoại ngữ của Đại học Queen's Belfast, Bắc Ireland.

Là công dân Ireland, ông Smith đã kết hôn và có bốn người con.
Tải về hình ảnh của ông Smith tại đây.

• Về Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy.” UNFPA phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, thúc đẩy quyền sinh sản, giảm tử vong mẹ, thu thập và phân tích dữ liệu dân số chất lượng cao, giải quyết vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới, tận dung cơ hội của cơ cấu dân số vàng, thúc đẩy sự phát triển của thanh niên và đối phó với thách thức già hóa dân số.

Để có thêm thông tin về UNFPA, vui lòng truy cập: www.unfpa.org

Thông tin về UNFPA tại Việt Nam, vui lòng truy cập: https://vietnam.unfpa.org/vi

Liên hệ truyền thông