Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Diễn đàn doanh nghiệp về cơ hội phát triển dịch vụ kinh doanh cho người cao tuổi tại Việt Nam

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Diễn đàn doanh nghiệp về cơ hội phát triển dịch vụ kinh doanh cho người cao tuổi tại Việt Nam

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Diễn đàn doanh nghiệp về cơ hội phát triển dịch vụ kinh doanh cho người cao tuổi tại Việt Nam

calendar_today 11 November 2021

Kính thưa Ngài Công sứ Okabe của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam;
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; 
Các quan chức từ các Bộ ngành Chính phủ;
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp; 
Đại diện các phòng thương mại trong nước và quốc tế; 
Đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam; 
Đại diện cộng đồng quốc tế tại Việt Nam; 
Các vị khách quý; và các cơ quan truyền thông địa phương;

Xin kính chào quý vị đại biểu!
Ngày hôm nay, tôi rất vui mừng được có mặt tại diễn đàn doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển ngành dịch vụ kinh doanh cho người cao tuổi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bình thường mới ở Việt Nam. Tôi xin cảm ơn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì đã tổ chức sự kiện này. UNFPA rất vui mừng được cùng tham gia hỗ trợ thảo luận giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho một thị trường tiềm năng chưa được khai thác.

Nhân dịp này, tôi cũng xin trân trọng cám ơn Chính phủ Nhật Bản đã tin tưởng và hỗ trợ UNFPA thông qua tài trợ tổ chức diễn đàn doanh nghiệp đặc biệt này trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến trình quốc gia thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tại Việt Nam”.

Đại dịch COVID-19 và hậu quả mà nó để lại trên toàn cầu đã bộc lộ sự yếu kém trong việc cung cấp những dịch vụ quan trọng trong các tình huống khủng hoảng và khẩn cấp, gây ảnh hưởng đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đang tồn tại. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 trong năm nay ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam đã gây tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người cao tuổi và điều này càng khiến chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến sức khỏe và quyền của người cao tuổi trong xã hội. Mặc dù vi-rút corona có thể lây lan cho người dân ở mọi lứa tuổi, người cao tuổi và người có bệnh lý nền là đối tượng có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. 

Trong khi đó, dân số Việt Nam đang già hoá nhanh chóng do tỷ lệ tử vong và mức sinh giảm. Năm 2020, nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% tổng dân số và ước tính đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ quốc gia có dân số “già hóa” sang quốc gia có “dân số già”, trong đó người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 14% tổng dân số. Theo ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lượng người cao tuổi cần được chăm sóc hàng ngày sẽ tăng từ 4 triệu người vào năm 2019 lên khoảng 10 triệu người vào năm 2030. Điều này cho thấy nhu cầu chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, nhưng đồng thời mang lại cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với những người cao tuổi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình trạng bình thường mới.  

Thực tế cho thấy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi còn hạn chế, việc tổ chức diễn đàn doanh nghiệp lần đầu tiên này là hết sức kịp thời. Sự kiện sẽ không chỉ cung cấp một bức tranh tổng thể về tình hình già hóa dân số ở Việt Nam như một xu hướng lớn toàn cầu, mà còn tìm ra những chiến lược quốc gia có thể áp dụng cho khu vực tư nhân để tối đa hóa lợi ích của già hóa dân số và “tìm Vàng trong nền kinh tế Bạc.” Đây là cơ hội để doanh nghiệp đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. 

Tôi xin chúc diễn đàn thành công. Tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến thảo luận cũng như khuyến nghị của quý vị đại biểu về các bước thực hiện tiếp theo nhằm đảm bảo ưu tiên người cao tuổi trong quá trình Việt Nam nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo và trong nỗ lực phát triển.

Xin cảm ơn sự quan tâm và tham gia của quý vị!