Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của bà Naomi Kitahara tại Hội thảo Quốc tế về già hóa năng động, sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật số trong chăm sóc Người cao tuổi trong khu vực ASEAN

Bài phát biểu của bà Naomi Kitahara tại Hội thảo Quốc tế về già hóa năng động, sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật số trong chăm sóc Người cao tuổi trong khu vực ASEAN

Tuyên bố

Bài phát biểu của bà Naomi Kitahara tại Hội thảo Quốc tế về già hóa năng động, sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật số trong chăm sóc Người cao tuổi trong khu vực ASEAN

calendar_today 19 November 2021

  • Kính thưa Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế;
  • Tiến sĩ Suwit Wibulpolprasert, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Già hóa Năng động và Sáng tạo ASEAN
  • Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế
  • Đại diện các Bộ, ngành và Cơ quan Chính phủ Việt Nam;
  • Đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam;
  • Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA);
  • Đại diện các Cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức trong nước và quốc tế;
  • Các đại diện và quý vị đại biểu từ các nước thành viên ASEAN đang tham gia hội thảo trực tuyến;
  • Đại diện các cơ quan truyền thông;

 

Xin kính chào toàn thể các Quý vị đại biểu!

 

Tôi xin gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam với vai trò là Phó chủ tịch Trung tâm Già hóa Năng động và Sáng tạo ASEAN đã mời Quỹ dân số LHQ (UNFPA) đồng tổ chức sự kiện Hội thảo Quốc tế về Già hóa năng động, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi trong khu vực ASEAN ngày hôm nay.

 

Chúng tôi vô cùng vinh dự khi được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho buổi hội thảo quốc tế này cùng với Chính phủ Nhật Bản và Viện Nghiên cứu Mitsubishi. Buổi hội thảo mang lại cho các quốc gia thành viên ASEAN cơ hội tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để người cao tuổi trở thành một phần thiết yếu trong quá trình phát triển bền vững của quốc gia và hướng tới tuổi già năng động và khỏe mạnh trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số.

 

Thưa toàn thể quý vị,

 

Ngày nay, già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu và là một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất về nhân khẩu học trên thế giới. Số lượng người cao tuổi đang ngày càng gia tăng ở hầu như mọi quốc gia. Năm 2020 đã ghi nhận gần 727 triệu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% dân số trên toàn thế giới. Con số này sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 với hơn 1,5 tỷ người, chiếm 16% dân số trên toàn cầu.

 

Khu vực ASEAN có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% dân số trên toàn khu vực. Dự kiến đến năm 2050, số lượng người cao tuổi sẽ chiếm gần 17% tổng số dân ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam có 7,4 triệu người cao tuổi, chiếm 7,7% tổng dân số. Dự kiến đến năm 2036, từ một quốc gia “đang già hóa”, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia “dân số già” với số lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 21,3 triệu người, tương đương gần 1/5 tổng dân số cả nước.

 

Đối với các nhóm dân số già, phụ nữ cao tuổi chiếm đa phần so với nam giới cao tuổi. Năm 2019, tỷ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi từ 60-64 chiếm khoảng 54%, còn nhóm tuổi từ 80 trở lên chiếm 65%. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta cần lưu ý đến xu hướng “nữ hóa dân số cao tuổi”

 

Ngoài ra, chúng ta cũng không thể bỏ qua vấn đề “nữ hóa sự nghèo đói”. Phụ nữ làm những công việc được trả lương thấp hơn so với đàn ông mặc dù thời gian làm việc và trình độ học vấn của hai giới tương đương nhau. Đồng thời, khoảng thời gian mà phụ nữ dành ra để làm việc nhà lại nhiều gấp đôi so với đàn ông. Đặc biệt, theo Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2021, phụ nữ dành ra trung bình 30 giờ mỗi tuần để làm việc nhà trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

 

Già hóa dân số vừa đem lại cơ hội, vừa đưa ra thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Xu hướng này có thể tạo ra nhiều thị trường mới, chẳng hạn như bảo hiểm y tế, tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, du lịch, v.v. Tuần vừa qua, UNFPA đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam về những cơ hội phát triển dịch vụ kinh doanh cho người cao tuổi, với sự hỗ trợ về mặt tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại diện đến từ các công ty trong và quốc tế, và tất cả đều đồng thuận rằng thị trường dịch vụ trong nước dành cho người cao tuổi rất hứa hẹn đối với 20 triệu “khách hàng tiềm năng” tính đến năm 2035. Diễn đàn đã tìm ra những chiến lược quốc gia có thể áp dụng cho khu vực tư nhân nhằm tối đa hóa lợi ích của xu hướng già hóa dân số, đồng thời “thu được Vàng từ nền kinh tế Bạc”

 

Già hóa dân số cũng chỉ ra những thách thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là mảng chăm sóc sức khoẻ. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm đòi hỏi điều trị suốt đời như huyết áp cao, bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn hệ thống, v.v. Tình trạng này trở nên đặc biệt tồi tệ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trên thế giới, hệ quả mà đại dịch gây ra đã bộc lộ nhiều yếu kém, nhất là về năng lực cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng và khẩn cấp, gây ảnh hưởng đến những bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất.

 

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam đã hứng chịu làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 trong năm nay cùng nhiều tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người cao tuổi và khiến chúng ta phải quan tâm đến sức khỏe và quyền của người cao tuổi trong xã hội. Trong khi vi-rút có thể lây lan giữa người dân ở mọi lứa tuổi, người cao tuổi và người có bệnh lý nền là đối tượng có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn.

 

Thưa quý vị,

 

Già hóa dân số cùng với số hóa là một phần của các Xu Thế Lớn trên thế giới mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Công nghệ số liên tục thay đổi cách chúng ta tiếp cận thông tin y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Đại dịch COVID-19 càng làm nổi bật các xu thế đó: tiếp cận số đã trở thành yếu tố xã hội mang tính quyết định của ngành y tế. Việc người cao tuổi biết sử dụng công nghệ số có thể sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ hơn bao giờ hết.

 

Ứng dụng công nghệ có thể đảm bảo cung cấp thông tin y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi một cách liên tục, đặc biệt là những người có bệnh lý nền. Truyền thông kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự cô đơn và tăng cường kết nối xã hội, một vấn đề ngày càng thu hút sự quan tâm của các chính sách trong bối cảnh đại dịch COVID-19, do các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội đã tác động đến dân số cao tuổi và đẩy họ đến tình trạng bị cô lập và tách biệt khỏi xã hội.

 

Trong bối cảnh đó, UNFPA tự hào được chia sẻ với Bộ Y tế kinh nghiệm của UNFPA trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ từ xa cho người cao tuổi thông qua hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Y tế. “S-Health” là ứng dụng di động đầu tiên dành cho người cao tuổi ở Việt Nam. Quý vị sẽ được biết thêm thông tin về ứng dụng này vào cuối buổi hôm nay, song tôi muốn nhấn mạnh rằng, “S-Health” được phát triển để thúc đẩy già hoá năng động và lành mạnh nhờ sự hợp tác giới trẻ Việt Nam. UNFPA ủng hộ hướng tiếp cận dựa trên vòng đời và liên thế hệ đối với quá trình già hóa để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, cũng như chuẩn bị cho lớp dân số trẻ bước sang tuổi già một cách năng động và lành mạnh.

 

Chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ. Mặc dù không có chính sách nào đủ toàn diện để có thể giải quyết tình trạng già hóa dân số nhưng chúng ta cần phải đầu tư vào các chính sách hướng tới tương lai, dựa trên quyền và cải thiện quan hệ giới, tập trung vào nhu cầu của người dân ở mọi độ tuổi trong cuộc đời. Bằng cách đó, các quốc gia trong cộng đồng ASEAN có thể hy vọng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, nơi không một ai bị bỏ lại phía sau trên con đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Xin cảm ơn sự quan tâm và tham gia của quý vị!