Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án mới của TCTK/UNFPA và công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án mới của TCTK/UNFPA và công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022

Statement

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án mới của TCTK/UNFPA và công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022

calendar_today 05 Tháng 5 2022

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK);

Đại diện Quốc hội, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác; 

Đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các đồng nghiệp tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan truyền thông;

Tôi rất vui mừng được có mặt tại đây hôm nay trong sự kiện khởi động dự án “Hỗ trợ Việt Nam sản xuất và sử dụng dữ liệu và bằng chứng có chất lượng về dân số phục vụ đánh giá, xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giám sát Các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Việt Nam” với tổng ngân sách 1,9 triệu USD trong 5 năm từ 2022 đến 2026, và cũng để công bố báo cáo hàng đầu của UNFPA với Việt Nam, Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022 với tựa đề “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch” được công bố trên toàn thế giới vào ngày 30 tháng 03 năm 2022.

Trước các quý vị đại biểu có mặt tại đây ngày hôm nay, tôi xin được gửi lời cảm ơn tới TCTK, đặc biệt là bà Hương, Tổng cục trưởng, vì những cam kết và cống hiến đối với dữ liệu cho quá trình phát triển của Việt Nam. Nhân dịp này, tôi xin chân thành chúc mừng TCTK nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập ngành thống kê Việt Nam vào ngày mai (6/5/1946-6/5/2022) – Chúc mừng sinh nhật TCTK! Tôi cũng xin cảm ơn các đối tác đồng thực hiện, bao gồm Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực của Bộ Tư pháp,  và Vụ Xã hội,  Ủy ban xã hội - Quốc hội vì đã hợp tác và nỗ lực thiết kế dự án mới này.

Thưa toàn thể quý vị,

Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng để tăng trưởng và phát triển. Cả nước đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, và Kế hoạch  hành động quốc gia  thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là các biến động về dân số liên quan đến các sự kiện sinh, chết và di cư. Trong bối cảnh này, số liệu thống kê chất lượng và đáng tin cậy là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình  đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững. 

Chương trình Nghị sự 2030 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có các  dữ liệu dân số chất lượng cao. Cam kết của chúng tôi là không để ai bị bỏ lại phía sau, có nghĩa là phải tính đến từng  người để có thể tiếp cận tới tất cả mọi người, kể cả những người bị thiệt thòi nhất. Dữ liệu có chất lượng, đáng tin cậy, nhất quán và có thể so sánh được là một yếu tố quan trọng để biến điều này thành hiện thực.

UNFPA hiện đang bắt đầu triển khai chương trình quốc gia lần  thứ 10 và TCTK là một trong những đối tác quan trọng nhất của UNFPA tại Việt Nam. Như chúng ta vẫn thường nói, những quốc gia có dữ liệu có chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế - xã hội ấn tượng. Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tươi đẹp hơn.

Thưa toàn thể quý vị,

Tôi xin phép chuyển sang phần thứ hai trong sự kiện ngày hôm nay, đó là công bố Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2022 với tựa đề “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch”. Báo cáo nêu rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng mang thai ngoài kế hoạch và những hậu quả nguy hại của tình trạng này đối với sự phát triển bền vững. Gần 25% phụ nữ trên thế giới không thể đưa ra quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của chính mình và gần 10% không thể đưa ra quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai.

Vậy câu hỏi ở đây là liệu trong số tất cả các bà mẹ mang thai trên thế giới, có phải gần một nửa các trường hợp mang thai là ngoài kế hoạch?

Những phụ nữ này hoàn toàn không có lựa chọn việc mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn sinh sản tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ. Đối với vấn đề này thì không có quốc gia nào là ngoại lệ. Tình trạng mang thai ngoài kế hoạch diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy chỉ có 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và  tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% ở những  phụ nữ chưa kết hôn. Vấn đề này dường như còn đang diễn ra  cấp bách ở những người chưa có gia đình, những đối tượng  có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình ước tính cao hơn 4 lần so với phụ nữ đã lập gia đình. 

Liên quan đến  khả năng ra quyết định về sinh sản và quan hệ tình dục của phụ nữ, Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 đã chỉ ra rằng trung bình có 84,8% phụ nữ Việt Nam tự quyết định về quan hệ tình dục và 70,4% tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ có 42,6% người dân tộc H'Mông và 61,4% phụ nữ không được đi học có thể tự ra quyết định về quan hệ tình dục. Đối với các quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ có 25,5% trẻ vị thành niên và 54,2% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 20-24 có thể tự ra quyết định. 

Đây là một nguyên nhân dẫn đến việc mang thai ngoài kế hoạch, đồng thời cũng là một phần của cuộc khủng hoảng vô hình đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khi mang thai ngoài kế hoạch, phụ nữ và trẻ em gái thường phải trì hoãn hoặc bỏ học, ngừng tham gia vào lực lượng sản xuất lao động, gây ra những ảnh hưởng tới thu nhập, sức khỏe và phúc lợi trong suốt cuộc đời của họ. Những hệ quả này còn xuyên suốt qua nhiều thế hệ.

Không chỉ hôm nay mà còn trong mọi ngày khác nữa, chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo địa phương ưu tiên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc tiếp cận phổ cập tới các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả và đảm bảo rằng mọi thanh thiếu niên - bao gồm cả trẻ em trai - đều nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp phòng tránh mang thai ngoài kế hoạch. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và tăng cường sự bình đẳng cho họ trên mọi lĩnh vực”.

Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 kêu gọi chấm dứt tình trạng các nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng, đạt mục tiêu bình đẳng giới và thúc đẩy quyền tự chủ về cơ thể. Chúng ta phải nhân đôi cam kết của mình để đạt được những mục tiêu này, và bổ sung các biện pháp ngăn ngừa mang thai ngoài kế hoạch vào các ưu tiên của chúng ta. 

Cảm ơn toàn thể quý vị đã tham gia và lắng nghe!