Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án “Phòng chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác”

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án “Phòng chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác”

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án “Phòng chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác”

calendar_today 31 Tháng 5 2022

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ Khởi động dự án “Phòng chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác”

Kính thưa ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

Kính thưa đại diện từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Bộ VHTTDL, Bộ Y tế và các Bộ, ban, ngành khác;

Đại diện tổ chức trong nước và quốc tế;

Đồng nghiệp UNFPA cùng các cơ quan thông tấn báo chí;

 

Tôi rất vui mừng được có mặt tại đây hôm nay trong sự kiện khởi động dự án mới mang tên “Phòng chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại”, với tổng kinh phí triển khai gần 7 triệu USD trong 5 năm từ 2022 đến 2026.

 

Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất, tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam. Kết quả Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ (62,9%) đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế cũng như các hành vi kiểm soát từ chồng trong cuộc đời của mình. Nhưng hầu như tất cả phụ nữ (90,4%) từng bị chồng bạo hành thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các cơ quan cung cấp dịch vụ chính thống và gần một nửa số phụ nữ không bao giờ chia sẻ tình trạng của mình với bất kỳ ai, phần lớn vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối thêm. Do vậy, thật đáng buồn khi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn đang ẩn khuất trong xã hội Việt Nam.

 

Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), được ban hành và có hiệu lực cách đây 15 năm, đã cho thấy một số hạn chế, đòi hỏi phải tiến hành đánh giá và nghiên cứu công tác thực thi pháp luật để hoàn thiện và điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

 

Ngoài ra, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước khi sinh cũng là một vấn đề đáng báo động ở Việt Nam khi tỷ số giới tính khi sinh ước tính là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, cao thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả là khoảng 45.900 trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm tại Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia mới chu kỳ thứ 10 của UNFPA, chúng tôi sẽ hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam đưa ra sáng kiến ​​cải tiến theo hướng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy thay đổi nhận thức của xã hội và thay đổi hành vi. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ vận động nam giới và trẻ em trai tham gia giải quyết vấn đề nam tính độc hại và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và không bạo lực. Ngoài ra, dự án mới sẽ huy động sự tham gia của cộng đồng, tập trung vào trẻ vị thành niên và thanh niên, nam giới và trẻ em trai và các nhóm dễ bị tổn thương khác để họ thay đổi thái độ và thực hiện những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác.

 

UNFPA đã làm việc với Hội Nông dân Việt Nam trong những năm qua, và chúng tôi rất vui mừng trước sự nghiêm túc và quan tâm mà Hội Nông dân luôn dành cho việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như hỗ trợ những đối tượng này tại cộng đồng. Hội Nông dân có một mạng lưới rộng lớn trên toàn quốc và có thể khuyến khích nông dân Việt Nam tham gia vào các hoạt động xã hội. Chúng tôi tự tin rằng chúng ta có thể cùng nhau đạt được nhiều kết quả hơn nữa, và đó cũng chính là mục đích của mối quan hệ đối tác của chúng ta.

Thưa toàn thể quý vị,

Giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA cho giai đoạn 2022-2025 và là ưu tiên rõ ràng đối với chương trình quốc gia mới của UNFPA Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026. UNFPA sẽ mở rộng các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại ở Việt Nam.

Tôi đánh giá rất cao sự hợp tác và cam kết của Hội Nông dân cũng như của Bộ LĐTBXH, Bộ VHTTDL và Bộ Y tế trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chính nhờ sự hợp tác đã vun đắp trong nhiều năm qua, chúng ta sẽ có thể vươn tới một Việt Nam không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vì một Việt Nam tôn trọng quyền và lựa chọn của tất cả mọi người. Chúng ta sẽ cùng nhau hành động vì các Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam!

 

Cảm ơn tất cả các vị khách quý đã tham gia và lắng nghe!