Bạn đang ở đây

Hôm nay, tôi rất vinh dự được chứng kiến trực tuyến sự kiện ra mắt của Mạng lưới đối tác phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam, với các thành viên là đại diện của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước và quốc tế cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

UNFPA vui mừng được đóng góp vào việc thành lập Mạng lưới kết nối các bên có liên quan để trao đổi thông tin, tham vấn trong ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ sự cảm kích đối với những hỗ trợ và tin tưởng của Chính phủ Nhật Bản dành cho UNFPA thông qua việc tài trợ thành lập Mạng lưới thông qua Dự án “Giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhằm đạt Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam”.

 

Cách đây khoảng 2 tháng, tôi có vinh dự được tham gia trực tuyến diễn đàn doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và quy tụ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để thảo luận về cách thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc phát triển ngành dịch vụ cho người cao tuổi trong bối cảnh COVID-19 cũng như bình thường mới ở Việt Nam. Tại diễn đàn này, Báo cáo về Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam đã được trình bày với kết quả nghiên cứu cho thấy thị trường dịch vụ trong nước dành cho người cao tuổi rất hứa hẹn với 20 triệu “khách hàng tiềm năng” vào năm 2035. Và sự ra đời của Mạng lưới hôm nay là một trong những kết quả của diễn đàn nói trên. Tôi xin chúc mừng Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam về thành công này.

 

Thực tế cho thấy ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi có nhiều triển vọng sẽ phát triển thêm ở một loạt lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ cơ bản và nâng cao, du lịch, pháp lý, tài chính, bảo hiểm… Già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng lên. Năm 2020, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% dân số và ước tính đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ nước “già hóa” sang nước có “dân số già” với 14% dân số từ 65 tuổi trở lên. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ước tính số lượng người cao tuổi cần được chăm sóc hàng ngày sẽ tăng từ 4 triệu người vào năm 2019 lên khoảng 10 triệu người vào năm 2030. Điều này cho thấy lợi ích tiềm năng to lớn dành cho khu vực tư nhân trong việc tối đa hóa lợi nhuận từ quá trình già hóa dân số.

 

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành chăm sóc người cao tuổi, Mạng lưới đối tác phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam sẽ thu thập và phản ánh các ý kiến đóng góp đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác trong và ngoài nước về tiềm năng phát triển dịch vụ, thu hút đầu tư và liên kết triển khai hoạt động.

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Bất chấp những nỗ lực trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn COVID-19, đại dịch vẫn đang đặt ra thách thức lớn cho tất cả chúng ta. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu không ngừng gia tăng. Tính đến ngày 26/12, có hơn 278 triệu ca nhiễm và xấp xỉ 5,4 triệu ca tử vong đã được báo cáo trên toàn cầu.

 

Tại Việt Nam, số ca nhiễm COVID-19 mới đã xuất hiện tại tất cả 61 tỉnh thành. Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đã ghi nhận hơn 32.000 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, chiếm 1,9% tổng số ca nhiễm.

 

Đại dịch đã gây ra những tác động đáng kể đến người cao tuổi, đồng thời thu hút sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe và quyền của người cao tuổi trong xã hội. Không thể phủ nhận rằng người cao tuổi cần được chăm sóc và hỗ trợ tốt hơn. Vì lí do đó, Mạng lưới đối tác phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam sẽ đóng vai trò là một khuôn khổ thiết yếu. Cụ thể, khuôn khổ này sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác trong khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ nâng cao dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trước bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam.

 

Mạng lưới được hình thành nhằm góp phần phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi đa dạng về loại hình, quy mô, lĩnh vực hoạt động, đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng và chưa được đáp ứng của dân số cao tuổi, thúc đẩy liên kết kinh doanh và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, Mạng lưới cũng sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng để làm việc trong ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi.

 

Với những chức năng này, tôi chúc Mạng lưới thành công trong quá trình hoạt động, từ đó phát triển ngành dịch vụ chăm sóc đa dạng cho người cao tuổi tại Việt Nam và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.

 

Xin cảm ơn.