Go Back Go Back
Go Back Go Back

Chính phủ Việt Nam và UNFPA tiếp tục giữ vững cam kết Không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030

Chính phủ Việt Nam và UNFPA tiếp tục giữ vững cam kết  Không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030

Thông cáo báo chí

Chính phủ Việt Nam và UNFPA tiếp tục giữ vững cam kết Không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030

calendar_today 10 March 2022

Hà Nội, 10 tháng 03 năm 2022, Chính phủ Việt Nam ghi nhận các dự án của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA trong giai đoạn 2017-2021 đã hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030.

 

Hôm nay tại Hà Nội, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara cùng với Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bà Nguyễn thị Diệu Trinh đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá những thành tựu đạt được trong 5 năm vừa qua trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 9 của UNFPA dành cho Việt Nam. Cuộc họp cũng đã thảo luận những lĩnh vực can thiệp chính trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026, được Ban Điều hành UNFPA phê duyệt vào ngày 03 tháng 02 và những bước tiếp theo nhằm triển khai Chương trình mới, bao gồm ký kết các kế hoạch hoạt động năm 2022 giữa UNFPA và các Bộ đối tác.

 

Tham dự cuộc họp còn có đại diện các Bộ và cơ quan Chính phủ liên quan, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, v.v.

 

Với tư cách là cơ quan điều phối của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao kết quả của các dự án của UNFPA dành cho Việt Nam trong 5 năm qua tập trung vào lĩnh vực dữ liệu cho phát triển, thanh niên và bạo lực trên cơ sở giới.

 

Các dự án của UNFPA dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2021 đã hỗ trợ Việt Nam cải thiện quy trình xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng và có sự tham gia của các bên có liên quan cũng như quá trình ra quyết định đối với các luật dựa trên quyền, các chính sách và chương trình quốc gia dành cho phụ nữ, thanh thiếu niên và người cao tuổi. Những hỗ trợ của UNFPA cũng đã mang đến cho Việt Nam thực hành quốc tế tốt nhất và những sáng kiến nhằm phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và những thực hành có hại khác, vốn là yếu tố cốt yếu tạo điều kiện cho việc cung cấp và điều phối các dịch vụ đa ngành.

 

Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 9 và đặc biệt do tình hình đại dịch COVID-19, UNFPA đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận các nhóm dễ bị tổn thương. Lần đầu tiên, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục từ xa đã được thí điểm tại Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ứng dụng chăm sóc người cao tuổi đầu tiên trên điện thoại di động cũng đã được ra mắt. Lần đầu tiên, nội dung giáo dục giới tính toàn diện cho thanh niên được cung cấp trực tuyến, đồng thời công nghệ kỹ thuật số mang tính đổi mới sáng tạo đã được sử dụng rộng rãi nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng như Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 đã đặc biệt thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất để đẩy nhanh quá trình thu thập, phân tích dữ liệu và giảm thiểu sai sót chủ quan.

 

Hỗ trợ nhân đạo của UNFPA dành cho Việt Nam trong những năm qua cũng là những ưu tiên của UNFPA, trong đó tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tích hợp về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; và hỗ trợ người cao tuổi. Nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu, và đặc biệt là nhằm ứng phó với trận mưa lũ lịch sử năm 2020 ở miền Trung, UNFPA đã hỗ trợ hoạt động tiếp cận lưu động để bảo vệ cuộc sống của những người phụ nữ đang mang thai và các cặp vợ chồng đang có kế hoạch sinh con. UNFPA đảm bảo rằng các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhận thức rõ những nguy cơ về bạo lực trên cơ sở giới thông qua các công nghệ kỹ thuật số và việc cung cấp bộ đồ dùng thiết yếu lần đầu tiên tại Việt Nam.

 

Dựa trên những thành công của Chương trình Quốc gia lần thứ 9, UNFPA cam kết hỗ trợ việc triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia vì các Mục tiêu Bền vững của Việt Nam trong Thập kỷ Hành động và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội mới (2021-2026) trong khuôn khổ Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2021-2030), tất cả đều chú trọng đến biến động dân số và các vấn đề về dân số.  

 

Gần đây, Ban Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã phê duyệt Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với tổng ngân sách là 26,5 triệu đô la Mỹ nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030, hướng tới những nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

 

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao quan hệ đối tác và hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA kể từ năm 1977, đặc biệt là trong 5 năm qua. Bà Naomi Kitahara đã nêu bật một số đột phá chính mà UNFPA mang lại từ việc thực hiện các chương trình/dự án, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược với cả các nhà tài trợ truyền thống của UNFPA như Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Na Uy và Nhật Bản cũng như những đối tác mới, bao gồm các đơn vị trong khu vực tư nhân như MSD, Bloomberg và Vital Strategies. UNFPA Việt Nam hiện đang hoạt động để triển khai nhiều dự án khác nhau với ngân sách hàng năm tăng gần 3 lần vào cuối năm 2021.

 

Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Chương trình Quốc gia lần thứ 10 sẽ nhằm đạt được những kết quả chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu, hướng tới một Việt Nam không có ca tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa; không có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng; và không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chương trình trong 5 năm tới phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thông qua việc đóng góp trực tiếp vào hai lĩnh vực: Phát triển xã hội bao trùm cùng với Quản trị và tiếp cận công lý, qua đó giảm thiểu bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương”.

 

Trong quá trình thực hiện Chương trình Quốc gia lần thứ 10, UNFPA sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các Bộ ngành đối tác với lợi thế và năng lực kỹ thuật của UNFPA, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc về vai trò chủ động của quốc gia và trách nhiệm giải trình chung. Theo chương trình nghị sự đổi mới Hệ thống Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDS), UNFPA sẽ cùng các cơ quan Liên Hợp Quốc đóng góp vào những sáng kiến chung.

 

Lưu ý cho biên tập:

  • Chương trình Quốc gia lần thứ 9 của UNFPA tập trung vào ba lĩnh vực kết quả: (i) Trẻ vị thành niên và thanh niên vì Việt Nam hiện có số lượng thanh thiếu niên lớn nhất trong lịch sử; (ii) Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhằm đạt được các chương trình nghị sự của Ủy ban Dân số và Phát triển và Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); và (iii) Biến động dân số, vấn đề có liên quan trực tiếp đến công tác cấp quốc gia và cấp hoạch định chính sách khi Việt Nam đang là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tổng nguồn lực chi cho Chương trình Quốc gia lần thứ 9 đạt gần 21 triệu đô la Mỹ.
  • Chương trình Quốc gia lần thứ 10 của UNFPA với tổng ngân sách là 26,5 triệu đô la Mỹ tập trung vào những lĩnh vực sau:
  • Vị thành niên và thanh niên,
  • Già hóa dân số và an sinh xã hội,
  • Tiếp cận công bằng với các quyền, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục,
  • Dữ liệu và bằng chứng cho công tác xây dựng chính sách và chương trình,
  • Bạo lực trên cơ sở giới và thực hành có hại,
  • Ứng phó liên ngành với bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại: 

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại đây

 

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:  Cán bộ Truyền thông UNFPA: 

Bà Đinh Thu Hương, Email: dhuong@unfpa.org, Điện thoại: 091330139